Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hóa của nhân loại
Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hóa của nhân loại

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ và là người thầy thuốc đức độ. Tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ khi ông còn sinh thời và truyền dạy đến muôn đời sau. Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Không chỉ vậy, ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Tài năng và nhân cách lớn của Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, năm 2021. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày mất của cụ đồ Chiểu (3/7/1888 – 3/7/2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng yêu nước tiến bộ của ông đến đông đảo người dân. Giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức về nhân vật lịch sử tiêu biểu và chắp cánh ước mơ cho những người bị khiếm khuyết về thể chất, cố gắng, nỗ lực để thành công hơn trong cuộc sống.

Nguyễn Đình Chiểu tục gọi là Cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù) sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Thân sinh của Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Đình Huy quê ở Thừa Thiên vào Gia Định khoảng năm 1822 làm Thư lại trong dinh Tổng trấn Gia Định thành của Tả quân Lê Văn Duyệt. Vào Gia Định, Nguyễn Đình Huy cưới người vợ thứ là bà  làng Tân Thới, huyện Bình Dương, sinh được bảy người con, Nguyễn Đình Chiểu là con trai đầu lòng.

Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trong thời kỳ đất nước gặp nhiều rối ren, chế độ phong kiến mục nát bộc lộ những mâu thuẫn xã hội gay gắt và đang đi vào con đường bế tắc. Tình hình nước nhà dưới triều Nguyễn thật bi đát. Người dân ngày càng bần cùng hóa do không có ruộng đất, tô cao thuế nặng, nạn đói và dịch bệnh khắp nơi. Trước tình hình đó, nhiều phong trào nông dân chống lại triều đình nổ ra ở nhiều nơi, như Phan Bá Vành ( năm 1821); Lê Duy Lương và Lê Duy Hiển (năm 1831), Lê Văn Khôi (năm 1833), Nùng Văn Vân (năm 1833), Lê Duy Cừ và Cao Bá Quát (năm 1858), Lê Duy Minh và Trần Văn Tùng (năm 1858),…v.v.

Thuở bé, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy ở Gia Định. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng. Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Năm sau, con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi, vì bất mãn đã làm cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi chiếm cả Nam Kỳ. Trong cơn binh biến, cha của Nguyễn Đình Chiểu bỏ trốn ra Huế nên bị cách hết chức tước. Xong vì thương con, cha ông lén trở vào Nam, đem con ra gửi cho một người bạn đang làm Thái y viện ở Huế nhờ nuôi nấng và dạy dỗ giùm. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi (1833) đến 18 tuổi (1840) thì trở về Gia Định.

Năm 1840, ông rời Huế vào Gia Định để chuẩn bị dự khoa thi Quý Mão, tại trường thi Gia Định. Năm 1843, khi mới 21 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu đỗ Tú tài. Khi ấy, có một nhà họ Võ đã hứa gả con gái cho ông. Năm 1846, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu (năm 1849). Nhưng chưa kịp thi thì nhận được tin mẹ mất, ông bỏ thi, theo đường bộ trở về Gia Định. Do đường sá xa xôi, gian nan cách trở, lại thêm quá đau buồn vì thương mẹ nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt; phải nghỉ lại nhà thầy Trung, một thầy thuốc thuộc dòng ngự y, ở Quảng Nam để chữa bệnh. Tuy không khỏi bệnh nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy cho nghề bốc thuốc. Năm ấy, Nguyễn Đình Chiểu mới 27 tuổi.

Bị tật nguyền, dở dang việc công danh đang độ tuổi thanh xuân, Nguyễn Đình Chiểu rất đau lòng về cảnh ngộ của mình, nhưng ông không nản chí. Tuy con đường lập thân bằng khoa cử không còn hy vọng, ông quyết tâm đem sở học của mình làm những việc có ích cho đời, có ích lợi cho nhân dân. Sau khi mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học ở Bình Vi (Gia Định), tiếp tục nghiên cứu nghề làm thuốc và bắt đầu sáng tác thơ văn. Trước đây ông đặt tên hiệu cho mình là Mạnh Trạch Phủ hay Trọng Phủ, sau khi bị mù lòa ông lấy biệt hiệu là Hối Trai (cái nhà tối). Từ khi gặp phải cảnh không may trở thành người tàn tật, đời riêng của ông lại thêm lắm nỗi đau buồn. Khi ông vừa đỗ Tú Tài ở Gia Định, một nhà phú hộ trong vùng hứa gả con gái cho ông, nhưng khi ông bị mù thì nhà kia bội ước.

Ngoài 30 tuổi Nguyễn Đình Chiểu vẫn sống độc thân và tìm nguồn vui trong việc dạy dỗ môn sinh, thỉnh thoảng lại chữa bệnh giúp cho nhân dân. Ông khởi viết truyện thơ Lục Vân Tiên, một áng thơ mang nhiều chi tiết trong cuộc đời thực lận đận của ông, đồng thời gửi gắm mơ ước vào nhân vật Lục Vân Tiên. Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh làng Thanh Ba, Cần Giuộc, rất mến phục và thông cảm sâu sắc với cảnh ngộ của thầy đã xin với gia đình gả em gái thứ năm là Lê Thị Điền cho người thầy dạy học của mình. Cô Lê Thị Điền xinh đẹp, thông minh và học giỏi nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn chưa chịu lập gia đình vì còn kén chồng. Thấy Nguyễn Đình Chiểu mắt kém nhưng đức trọng, tài cao, cô vui lòng kết duyên với ông. Năm 1854, hai người thành vợ chồng, sống chung với nhau trong ngôi nhà ở làng Tân Khánh, vùng Cầu Kho.

Ngày 18/2/1859, Pháp đưa chiến thuyền theo của biển Cần Giờ vào đánh chiếm thành Gia Định. Nhân dân hốt hoảng tản cư, Nguyễn Đình Chiểu làm bài thơ Chạy giặc có đoạn:

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này”

Nguyễn Đình Chiểu dọn về quê vợ tại Cần Giuộc.

Ngày 16/12/1861, thống binh Bùi Quang Là tập hợp nghĩa binh đánh Pháp ở Cần Giuộc, giết chết một tên tri huyện, giết và làm bị thương nhiều tên giặc khác. Sau trận chiến, nghĩa quân hi sinh 27 người, trong đó có Nguyễn Đình Huân, em trai của Nguyễn Đình Chiểu. Trong lễ truy điệu những nghĩa sĩ tử trận, ông làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một áng văn buồn sầu, bi tráng và khích lệ nhân dân đứng lên chống giặc xâm lược.

Năm 1862, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đại diện triều đình Huế ký hòa ước với giặc, cắt ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp. Sĩ phu Nam kỳ không chịu hợp tác với địch, lánh ra khỏi vùng chiếm đóng. Nguyễn Đình Chiểu dời Cần Giuộc về An Bình Đông, huyện Ba Tri (Bến Tre). Năm 1864, nghe tin bạn là Trương Định tử tiết Nguyễn Đình Chiểu đã làm mười hai bài thơ điếu và một bài văn tế, tỏ nỗi lòng thương tiếc của mình và của nhân dân với Đình Tây Đại nguyên soái:

“Ôi! Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt

Thương đấng anh hùng gặp thủa gian truân….”

Năm 1868, Đốc binh Phan Tòng (vốn là hương giáo ở An Bình Đông, bạn vè thân thiết với Nguyễn Đình Chiểu) hi sinh trong trận Giồng Gạch. Ông xúc động viết liền mười hai bài thơ điếu Phan Tòng. Từ sau khi Nam kỳ hoàn toàn rơi vào tay giặc, Nguyễn Đình Chiểu còn viết một truyện thơ Nôm dài dưới hình thức hỏi đáp về y học là Ngư Tiều y thuật vấn đáp, gồm 3642 câu lục bát, không chỉ để bày tỏ quan niệm về nghề thuốc, ông còn lồng vào đó tinh thần yêu nước kiên cường, bất khuất:

“Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn có mắt ông cha không thờ

Thà đui mà khỏi danh nhơ

Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”

Biết Nguyễn Đình Chiểu có uy tín lớn trong nhân dân nên Chánh tham biện Bến Tre Michel Ponchon tìm mọi cách mua chuộc ông. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu một mực cự tuyệt và khi hắn nêu ý định trả đất cho ông, ông thẳng thừng trả lời: Đất chung đã mất, đất riêng của tôi nào có đáng kể gì”. Câu nói ấy là bằng chứng xác thực nhất về phẩm chất yêu nước, thanh cao, không màng danh lợi của nhà văn hóa lớn -  Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất. Nỗi đau thêm chồng chất, bệnh tình Nguyễn Đình Chiểu ngày càng trầm trọng. Trong những ngày cuối đời, ông sống trong cảnh nghèo thanh bạch với sự yêu thương đùm bọc của nhân dân.

Ngày 03 tháng 7 năm 1888 (tức ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý) Nguyễn Đình Chiểu qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Đông (gần chợ Ba Tri, thuộc Trị trấn Ba Tri, Bến Tre ngày nay), thọ 66 tuổi, trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân, bạn bè, học trò và con cháu. Ông mất đi, nhưng tấm gương đạo nghĩa, lòng yêu nước thương dân và những áng thơ của Đồ Chiểu thì còn mãi trong niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

Kỷ niệm 135 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, là dịp để thế hệ trẻ nhắc nhớ về những cống hiến lớn lao của ông trong sự nghiệp trồng người, trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa tiến bộ, người thầy thuốc nhân từ, nhà thơ yêu nước điển hình. Từ đó hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc để gắng sức học tập, lao động dựng xây quê hương, đất nước phát triển hùng mạnh hơn./.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.