Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 28/07/2015, 14:15

ĐÔI NÉT VỀ 10 CÔ GÁI NGÃ BA ĐỒNG LỘC

Hàng năm cứ đến ngày 27/7, đồng bào cả nước lại nhớ về những người lính đã hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước. Ngày kỷ niệm ấy thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Chiến tranh qua đi, đất Việt Nam đã giành được hòa bình, nhân dân Việt Nam đã có đủ cơm ăn áo mặc, đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về kinh tế, chính trị - xã hội. Những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Có biết bao bà mẹ khóc đến lòa mắt vì nhớ thương con! Có biết bao người vợ hóa thành vọng phu và biết bao người con từ khi cất tiếng khóc chào đời không thấy mặt cha!!! Nhiều lắm những đau thương đó không thể nào kể hết và chúng ta chỉ biết tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh xương máu, để lại thân xác nơi chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao.

 

10 Cô gái Ngã ba Đồng Lộc

 

Nhớ mãi ngày lịch sử ấy; ngày 24/7/1968. Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, có lệnh đặc biệt của đại đội phải thông đường nên 10 cô gái TNXP đã ra ngã ba giữa ban ngày để lấp đường. Ngày hôm ấy, sau vài lần máy bay trinh sát bay qua là 15 lần các tốp máy bay khác lao tới trút bom vào ngã ba. Ba lần, cả tiểu đội bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Đến lượt bom thứ 15, một quả bom rơi ngay trước mặt họ. Một phút... rồi năm phút… trôi qua! Trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi, những người đồng đội òa khóc nức nở…

Sau hai giờ đào tìm đồng đội tìm được xác chín người, riêng xác chị Hồ Thị Cúc vẫn chưa tìm được nhưng cả mặt trận quyết tâm tìm bằng được Cúc mới tổ chức an táng vì cả tiểu đội đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết như chị em một nhà. Mãi ba ngày sau, đồng đội mới tìm thấy thi thể cô nằm sâu trong lòng đất đá, đầu còn đội nón, vai vác cuốc, các đầu ngón tay thâm tím. Hình như cô đã cố gắng bới đất chui lên nhưng đất đá quá sâu...

 

Du khách đến thắp hương ở các ngôi mộ

của 10 cô gái hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc.

 

Mười cô gái ấy đều là người con của Hà Tĩnh, thuộc 7 xã và 1 thị trấn của 3 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh). Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc hy sinh chỉ mới tròn 17 tuổi. Ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, chưa ai trong tiểu đội có người yêu. Tất cả đã vĩnh viễn nằm tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. Tên tuổi 10 cô gái TNXP đã trở thành bất tử.

Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái TNXP tiểu đội 4 đã được xây dựng khang trang nằm cách tượng đài chiến thắng Đồng Lộc gần 200m. Tượng đài người TNXP giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng cho sự bất hủ của sức mạnh, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của TNXP. Những ngôi mộ luôn nghi ngút khói bởi hầu hết ai đến Hà Tĩnh cũng đều đến viếng và thắp nhang. Nhìn những vật dụng đặt trên mộ như gương, lược, vòng tay… Dưới khói nhang mông lung, ảnh các chị đầu đội mũ tai bèo, vẫn cười hồn nhiên - nụ cười chiến thắng!

47 năm đã trôi qua, một khoảng thời gian dài để làm cho những người mới đến nơi đây không thể hình dung nổi Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy là nơi hứng chịu nhiều đợt bom đạn địch tàn phá, và sau những đợt bom ác liệt còn chưa tan khói, những cô gái thanh niên xung phong (TNXP) ào lên để lấp hố bom, dẫn đường cho những chuyến xe chở hàng tiếp tế cho tiền tuyến miền Nam.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Hà Tĩnh nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung, nơi các chị ngã xuống đã được phủ lên một màu xanh của lúa, thanh bình đã về đến khắp xóm làng!

Chiến tranh đã qua đi, thời gian và lịch sử đã ghi lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước. Các thế hệ người Việt Nam đã in sâu trong tâm thức của mình sự hy sinh của những con người anh hùng, kiên trung, họ không tiếc máu xương và đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ đã trở thành huyền thoại linh thiêng, nơi có các chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hà, Nguyễn Thị Nhỏ, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Trần Thị Hường, Dương Thị Xuân đang yên nghỉ -  những cái tên đã trở nên quen thuộc, thân thương và ấm áp trong tim hàng triệu người dân Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Mai

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3218 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày