Thành Biên Hòa là thành cổ duy nhất còn sót lại ở Biên Hòa – Đồng Nai. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, thành cổ bây giờ nằm thu mình hoài cổ nhớ về quá khứ bi hùng. Song ẩn sâu trong đó biết bao giá trị lịch sử văn hóa mà những thế hệ hậu sinh chúng ta cần phải nỗi lực duy trì và phát huy.
Theo tài liệu cổ, Thành Biên Hòa được dân Lạp Man xây đắp bằng đất từ thế kỷ XIV, XV với tên gọi là “thành Cựu”. Chu vi của thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh diện), mỗi cửa ngõ có đá bắc ngang qua hào để làm lối ra vào. Thành Cựu được xây theo hình cánh cung.
Đến năm 1837, vua Minh Mạng thứ 18 nhà Nguyễn cho xây dựng lại bằng đá ong – nguyên liệu sẵn có ở Biên Hòa, đổi tên là “thành Biên Hòa”. Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam Bộ, thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quân, dân dưới triều Nguyễn. Do lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ nên ngày 17 tháng 12 năm 1861, thành Biên Hòa rơi vào tay của thực dân Pháp.
Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại thành, thu gom chu vi của thành còn bằng 1/8 so với trước và đổi tên thành “Xăng Đá” (phiên âm từ tiến Pháp – Soldat, nghĩa là “Thành Lính”). Hào phía đông được Pháp lấp đất, xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương,… trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng, binh lính thường thổi kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên người dân địa phương gọi đó là “Thành Kèn”.
Mặc dù có rất nhiều tên gọi khác nhau song cho đến ngày nay, cái tên mang nhiều nghĩa nhất vẫn là “Thành Biên Hòa” - nơi minh chứng cho lịch sử hào hùng của con người vùng đất Đồng Nai trong suốt chặng đường khai phá, phát triển.
“Thành Biên Hòa” chứa đựng nhiều giá trị lịch sử: Ngay từ khi được nhà Nguyễn xây dựng lại, thành cổ đã gắn liền với cuộc chiến tranh giành lãnh thổ giữa các bộ tộc trong vương quốc Phù Nam rồi Chân Lạp, Chămpa. Tiếp đến là cuộc chiến của nhà Nguyễn và nghĩa quân Tây Sơn trong thời kỳ khai phá mở mang, chinh phục vùng đất Đàng Trong.
Tiêu biểu nhất là cuộc chiến của quan quân nhà Nguyễn cùng nhân dân địa phương Biên Hòa - Đồng Nai chống thực dân Pháp xâm lược. Trong diễn trình của lịch sử kế tiếp, thành Biên Hòa gắn liền với sự kiện của nhóm hội kín Lâm Trung Trại đánh vào thành chống lại thực dân Pháp, ngày 14 tháng 2 năm 1916. Đại cuộc bất thành, một số nghĩa dõng của hội bị thực dân Pháp bắt và tử hình.
Song sự kiện mang tính lịch sử tiêu biểu nhất từ trước đến nay xảy ra tại “Thành Biên Hòa” đã được sử sách ghi nhận chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chúng ta đã tổ chức rất nhiều cuộc tấn công vào thành “Sơn – đá” chỉ nhằm mục đích là làm tiêu hao lực lượng của địch và giải phóng tù binh trong khám của thành.
Khi thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa, lực lượng vũ trang yêu nước Biên Hòa phối hợp với một số đơn vị khác ở miền Đông Nam Bộ tấn công vào thị xã Biên Hòa vào đầu năm 1946. Trận đánh lịch sử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp của nhân dân Biên Hòa nói riêng và Nam Bộ nói chung. Tinh thần trận đánh cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào tham gia kháng chiến, bất hợp tác với giặc của nhiều tầng lớp nhân dân.
Cùng với thời gian tồn tại của mình, “Thành Biên Hòa" đã trở thành nơi minh chứng cho lịch sử hào hùng, tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân Biên Hòa – Đồng Nai từ buổi đầu hình thành và phát triển.
Không chỉ vậy, thành Biên Hòa còn mang đậm những giá trị về văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc, quân sự, an ninh quốc phòng: Mặt chính của “thành Biên Hòa” quay về hướng Tây - Nam, được án ngữ bởi sông Đồng Nai - con đường thủy duy nhất nối Sài Gòn - Biên Hòa, xa hơn một chút là núi Châu Thới, đồn Mỹ Hòa với 3.000 quân đóng giữ. Phía sau thành dựa lưng vào núi Bửu Long. Mặt hông thành là đường Thiên Lý (nay là quốc lộ 1) - con đường bộ duy nhất chạy ra Huế. Xung quanh thành có rừng, hồ bao bọc.
Khởi nguyên, “thành Cựu” được xây dựng theo hình cánh cung. Đến năm 1837, thành được xây dựng bằng đá ong. Khi thực dân Pháp chiếm thành, chúng cho xây dựng lại và thu hẹp diện tích thành. Hào phía đông được lấp lại, xây cất phố xá bên cạnh vách thành và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương,… trong thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở.
Nếu nhìn theo mặt cắt ngang tường, thì thấy “thành Biên Hòa” được xây dựng có kiến trúc dạng hình thang cân. Chính lối kiến trúc này đã tạo cho tường thành có độ vững chãi, ít bị sạt lún. Điều này đã thể hiện trình độ xây cất thành của ông cha ta là cực kỳ điêu luyện và xuất sắc. Chính vì thế, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, cho đến ngày nay thành Biên Hòa vẫn đứng hiên ngang trong gió, trong mưa.
Hiện nay “thành Biên Hòa” tuy không còn nguyên vẹn lúc ban đầu mới xây dựng mà các tư liệu thành văn đã đề cập, song những gì còn sót lại của một thành trì (vị trí tọa lạc, hình dáng, chất liệu xây dựng, lô cốt, biệt thự...) phần nào đã phản ánh được trình độ kỹ thuật, kiến trúc quân sự, tư tưởng chiến thuật của cha ông ngày xưa, đã biết khai thác địa thế thiên nhiên theo cách nhìn địa chính trị trên cơ sở xác định địa thế, địa hình, đồi núi, sông ngòi... theo quan niệm “phong thủy” đáp ứng nhu cầu phòng thủ, tấn công địch đạt hiệu quả cao nhất.
Cùng với các di tích nổi tiếng khác ở Biên Hòa như : đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, đền liệt sĩ di tích cách mạng Nhà Xanh, di tích cách mạng Nhà lao Tân Hiệp và khu danh thắng Bửu Long,… “thành Biên Hòa” trong tương lai sẽ trở thành một trong những điểm tham quan của du khách khi đến với Đồng Nai.
Đào Thanh