Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:30

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH

Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... là những người tiên phong đặt nền móng cho chữ quốc ngữ thì Hồ Biểu Chánh là một trong những người đã làm cho chữ quốc ngữ được phong phú. Ông thuộc vào một số rất ít nhà văn Việt Nam đã sử dụng những từ ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ánh trung thực tâm tình và tâm lý của người dân bình dị và nhờ đó các truyện viết của ông dễ gây xúc động cho người đọc.

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, Biểu Chánh là tự, lại có bút hiệu là Thứ Tiên. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm1885 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (cũ). Sau khi thi đậu bằng thành chung năm 1905 ông làm thông ngôn và cuối đời làm việc được thăng đến chức Đốc Phủ Sứ. Năm 1946, ông nghỉ hưu và giành trọn những ngày tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương cho đến khi mất ngày 4 tháng 11 năm 1958 tại Phú Nhuận (Gia Định cũ).

Hồ Biểu Chánh viết văn từ năm 1910. Quyển tiểu thuyết đầu tay của ông “Ai Làm Được” ra đời năm 1912 và chỉ trong vòng 19 năm, ông cho xuất bản 18 cuốn tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Hồ Biểu Chánh say mê văn chương và viết liên tục từ năm 1935 cho đến khi mất, tổng cộng hơn 70 tiểu thuyết, đoản thiên. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là quyển “Hy Sinh”, chưa xong. Ngoài tiểu thuyết và đoản thiên ông còn viết nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút... Tổng cộng có hơn 130 tác phẩm, một con số ít có nhà văn Việt Nam nào đạt được.

Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam bộ và của cả nước. Ông để lại cho văn học Việt Nam một gia tài đồ sộ. Tiểu thuyết của ông được phổ biến rộng rãi và đã đi vào lòng của đại đa số dân chúng ở vùng đất phương Nam. Trong cuộc đời chính trị, ông có những bước thăng trầm, có lúc ông ra làm quan cho Pháp nhưng không lợi dụng vị trí này để hưởng lợi cho bản thân hay cho gia đình mình mà để dễ dàng truyền bá “đạo lý cuộc sống” theo lý tưởng của ông. Có nhiều người muốn qua việc ra làm quan dưới thời Pháp thuộc, chỉ trích lập trường “chính trị” của ông quan Hồ Văn Trung, rồi phủ nhận cả công trình văn học của Hồ Biểu Chánh. Trong cuộc đời văn chương, ông luôn giữ lập trường và mục đích sáng tác của mình. Đối tượng độc giả của ông là đại đa số người bình dân, giới trang lưu có học, không phải là giới trí thức hay những bậc trưởng giả giàu có.

Khi nói đến tiểu thuyết của ông, người ta không thể không nói đến từ ngữ đặc thù của ông. Những nhân vật trong truyện của ông, thường là những người bình thường và môi trường sinh hoạt hầu hết được diễn ra ở vùng đất phương Nam, vì vậy những từ ông dùng trong truyện hoàn toàn có tính cách Nam bộ.        

Tiểu thuyết của ông là một bức tranh sống động về phong tục và cuộc sống người dân miền Nam bằng chữ trong thời kỳ đầu của thế kỷ XX.

 Từ những năm đầu thế kỷ XX, trải qua hơn nửa thế kỷ, cho đến nay, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vẫn còn “ăn khách”, trong khi nhiều tác phẩm của một số không ít nhà văn nổi tiếng cùng thời với ông hầu như đã bị đẩy lùi vào quá khứ, khó có thể tìm được một số độc giả đông đảo lâu dài như ông. Với số lượng tiểu thuyết quá dồi dào, Hồ Biểu Chánh là một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng hàng đầu ở miền Nam mà tác phẩm từng được phổ biến rộng rãi, trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của đa số quần chúng trên vùng đất phương Nam của tổ quốc.

Người ta tha hồ chỉ trích lập trường chính trị của “ông quan” Hồ Văn Trung, nhưng không ai có thể xóa mờ tên tuổi “nhà văn” Hồ Biểu Chánh trong lòng người đọc cũng như trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.

Đọc văn Hồ Biểu Chánh, ta có cảm tưởng như nghe ông già bà cả ở thôn quê kể lại những điều hằng xảy ra trong cuộc đời thực tế, chủ ý truyền bá kinh nghiệm sống cho mọi người, để khuyến thiện trừng ác, bằng giọng nói từ tốn thật thà, không một chút khoa trương giả dối. Những tình, những cảnh, những con người cùng bao nhiêu sự việc trong tiểu thuyết của ông phần lớn rất gần gũi quen thuộc với quần chúng, giúp người đọc hình dung lại cả một bối cảnh sinh hoạt đầy hiện thực sống động mà dường như chính mình mắt thấy tai nghe hoặc từng đóng một vai tham dự. Cho nên, văn của Hồ Biểu Chánh, những câu truyện của ông vẫn cứ còn là những bức tranh “truyền thần” khá chính xác về xã hội miền Nam trong một giai đoạn lịch sử đã qua.

 Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã ghi lại được một số nét khá điển hình của hiện thực Nam bộ vào những năm sau đại chiến thế giới lần thứ nhất. Tiểu thuyết của ông bao quát nhiều vùng thành thị và nông thôn rộng lớn của Nam bộ, nhiều kiểu người thuộc đủ các giai cấp khác nhau: quan lại, địa chủ, hội đồng, chủ hãng xe hơi, chủ nhà máy xay, chúa tàu biển, thầu khoán, đại lý, thông ngôn, ký lục, nhà nho gàn dở, hoà thượng chân tu, nghệ sĩ giang hồ, tá điền tá thổ, v.v...

Tính đến nay, Hồ Biểu Chánh đã qua đời đúng sáu mươi năm, chúng ta không quên một con người của xã hội – chính trị của ông – một Hồ Văn Trung Đốc phủ sứ (1936 – 1941) một Hồ Văn Trung nghị viên Hội Đồng Liên Bang Đông Dương kiêm phó đốc lý Sài Gòn (1941 – 1942).  Ông luôn giữ cho mình một nếp sống giản dị, thanh bạch Và thật đáng quý, bằng sức lao động cần mẫn ngay cả trong ba mươi lăm năm hoạt động trên chính trường, ông đã không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Chỉ riêng khối lượng tác phẩm ông để lại cũng làm chúng ta kinh ngạc : 134 cuốn dài ngắn khác nhau vầ rất đa dạng về thể loại sẽ góp phần giúp chúng ta khám phá thêm vẻ đẹp và sức sống văn học kỳ diệu của quá khứ dân tộc.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1301 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày