Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 23/01/2019, 08:55

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919 - 2019)

Dung Nguyen

 

      Sinh ra trong một gia đình nghèo vào ngày 10/2/1919 tại xã Nhơn Thạnh huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Cùng với tài năng thiên bẩm và lòng yêu nước, yêu vị lãnh tụ và yêu con người Việt Nam, cậu bé Diệp Minh Châu ngày nào đã trở thành một nhà họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I.

      Có lẽ khi nghe cái tên của họa sĩ, nhà điêu khắc này nhiều người ngoài ngành còn cảm thấy lạ lẫm. Nhưng ông là một trong mười hai gương mặt họa sĩ tiêu biểu của Nam Bộ, và khi nhắc tới những tác phẩm nổi tiếng của ông mọi người sẽ phải trầm trồ thán phục.

      Năm 1940, ông đỗ thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trong hai trường mỹ thuật có quy mô nhất châu Á thời ấy. Trong quá trình học tập ông đã có những tác phẩm tạo tiếng vang cho tên tuổi của mình như bức tranh: “Trăng thu”, “Nhớ mong”, “Hương sắc” …Các giải thưởng quý giá mang ý nghĩa động viên tinh thần chàng họa sĩ trẻ xứ miền Tây liên tiếp đến với ông trong các lần Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, qua những tác phẩm: “Văn Miếu” (Huy chương Đồng-1942), “Cầu nguyện” (Huy chương Bạc-1943).

      Như bao học sinh, sinh viên yêu nước khác Diệp Minh Châu tham gia phong trào sinh viên yêu nước khi cách mạng tháng Tám diễn ra. Ông vừa hăng hái tham gia Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, vừa chăm lo vẽ bìa cho các bản hùng ca của Lưu Hữu Phước và thiết kế mỹ thuật cho các đêm trình diễn của ban kịch Tổng hội Sinh viên Hà Nội. Dù bất kỳ ở nơi đâu miền Bắc hay miền Nam ông vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu vì tổ quốc.

      Tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ, nhà điêu khắc tài ba này có lẽ là bức họa được vẽ bằng máu ở cánh tay của mình để vẽ chân dung Bác, với ba em bé đại diện cho thiếu nhi Bắc Trung Nam xung quanh. Bức huyết họa này sau đó đã được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác kèm bức thư của tác giả trẻ "Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh". Bức thư có đoạn: " Con kính dâng cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tác trong những phút say sưa nhất đời con… Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phung phí máu của con đâu. Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi ”, tác phẩm có tên gọi Bác Hồ và 3 em thiếu nhi Trung- Nam- Bắc. Diệp Minh Châu còn nhiều lần vẽ chân dung Bác Hồ bằng chất liệu lụa. Hàng loạt tranh về Bác đã ra đời như: “Bố cục nhà Bác trên đồi” (tranh lụa-1951), “Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc” (tranh sơn dầu-1951), “Bác câu cá bên bờ suối” (tranh sơn dầu-1951), “Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác” (tranh sơn dầu-1951). Ít người biết rằng, tấm lụa mà Diệp Minh Châu dùng để vẽ bức "Bác Hồ câu cá ở suối Lênin" chính là tấm lụa mà Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tặng Bác và Bác đã tặng lại họa sĩ nhân một lần ông từ miền Nam ra thăm Bác. Qua đây ta thấy được lòng kính yêu cũng như sự tôn thờ của người họa sĩ đối với vị cha già của dân tộc mãnh liệt và vô bờ bến như thế nào.

      Đề tài trong tác phẩm của Diệp Minh Châu là  hướng tâm hồn về quê hương miền Nam ruột thịt, về Bác Hồ, về chiến tranh, về cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, về các anh hùng, chiến sĩ kiên trung trong chiến đấu. Ông đã vẽ nhiều tranh, tượng phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của quê hương như : “Võ Thị Sáu trước quân thù”, “Lòng người miền Nam”, “Căm thù Phú Lợi”, “Miền Nam bất khuất”, “Miền Nam thành đồng”, “Người mẹ miền Nam”... Ngoài ra, hàng chục bức tượng Bác Hồ khắp nơi mang dấu ấn Diệp Minh Châu như: tượng tròn thạch cao "Bác Hồ bên suối Lênin", Tượng đài Bác Hồ bằng đá hoa cương cao hơn 8m, nặng 180 tấn được dựng tại công viên 23/9 của thành phố Hồ Chí Minh (năm 1997) được xem là tượng chân dung lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Hay  tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi bằng đồng đặt uy nghiêm trước trụ sở Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh.

      Ông đã từng tham dự hơn 50 triển lãm cá nhân và tập thể trong và ngoài nước. Sau ngày thống nhất nước nhà, nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và dành những thời gian quý hiếm của tuổi cao để tiếp tục dìu dắt đào tạo những nghệ sĩ hậu duệ với tinh thần không biết mệt mỏi.

      Ông mất ngày 12-7-2002, hưởng thọ 83 tuổi. . Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc Lập, Huy chương Kháng chiến, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I. Tên của ông cũng đã được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư Châu Âu. Ở ông là điển hình cho tính cách người Nam Bộ cởi mở, chân thực, hào hiệp và đạo nghĩa. Ông là chứng nhân cho lịch sử, cho thời đại. Những tác phẩm của ông sẽ còn trường tồn mãi với thới gian với hậu nhân.

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1092 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày