Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 20/02/2019, 08:05

Kỷ niệm 230 năm Vua Quang Trung đại phá quân Thanh Tết Kỷ Dậu năm 1789 (1789-2019)

Cách đây tròn 230 năm, dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung, hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan quân Mãn Thanh xâm lược. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789 là một trong những chiến công vĩ đại và oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. 

Quang Trung Hoàng đế (17531792) hay Bắc Bình Vương, tên thật là Nguyễn Huệ sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình làvị hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Ông là nhà quân sự kiệt xuất đã đưa phong trào nông dân phát triển đến đỉnh cao nhất, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc trong điều kiện lịch sử dân tộc ở thế kỷ XVIII.

Quang Trung - Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Tây Sơn tam kiệt, là những lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn mà chưa hề thua một trận nào. Đồng thời, khi ở cương vị hoàng đế, ông cũng tỏ rõ tài cai trị khi đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tếvăn hóagiáo dụcquân sự,... nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.

Theo sử sách ghi chép lại: Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng. Trong 10 ngày tuyển quân, Quang Trung đã có thêm khoảng mấy vạn quân, nâng tổng quân số lên tới 10 vạn. Quân lính Thuận Hóa và Quảng Nam được chia làm 4 doanh: tiền, hậu, tả, hữu; tân binh ở Nghệ An lập thành đạo trung quân, ngoài ra còn có một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.Tại Thọ Hạc (thị xã Thanh Hóa ngày nay), Quang Trung làm lễ “thệ sư” và đọc bài Hiệu dụ tướng sĩ, thể hiện ý chí và quyết tâm tiêu diệt quân Thanh, bảo vệ độc lập Tổ quốc: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (từ 15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long. 5 đạo quân của Quang Trung được chia như sau: Một cánh do đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía tây Thăng Long. Cánh đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía Nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía Nam Thăng Long. Cánh đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường lui của địch ở phía Bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn.

Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành 13 gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là gò Đống Đa.

Đô đốc Long tiến vào đánh phá quân địch phòng thủ ở Tây Long. Sáng mồng 5, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Trong khi Quang Trung chưa đánh Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long, cuống cuồng sợ hãi đã bỏ chạy trước. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều làm dòng sông bị nghẽn dòng chảy. Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về. Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới. Quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi. Bởi thế dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người. Như vậy, sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh.

Theo Việt Nam những sự kiện lịch sử có ghi: Trưa ngày mùng 5 tháng giêng, vua Quang Trung trong chiếc áo bào nhuốm khói thuốc súng dẫn đầu đạo quân chiến thắng, tiến vào Thăng Long trước sự hân hoan đón chào của nhân dân. Nhà vua cho yết bảng an dân, cho quân Thanh ra hàng. Chiến dịch lịch sử đại phá 29 vạn quân Thanh diễn ra cực kỳ nhanh chóng và oanh liệt. Chiến thắng vĩ đại ấy được xây dựng trên tinh thần chiến đấu quả cảm của quân sĩ, nhiệt tình tham gia ủng hộ của nhân dân và thiên tài quân sự xuất sắc của Quang Trung – người anh hùng áo vải đất Tây Sơn.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung trở thành nhà lãnh đạo tối cao của triều Tây Sơn và là vị Hoàng đế duy nhất cai trị tại Việt Nam (Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc, còn Nguyễn Ánh khi đó địa bàn còn nhỏ hẹp và chưa xưng đế). Từ đó, Quang Trung có được uy tín lớn, được nhà Thanh công nhận là vị vua chính thống của Việt Nam (thay thế địa vị của nhà Hậu Lê), lại dẹp bỏ được mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn và nắm quyền lãnh đạo thống nhất (vua anh Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, tự giáng xuống làm vương để tỏ ý quy phục sự lãnh đạo của ông). Bên cạnh đó trên phương diện ngoại giao, ông đã tạo được thế đứng mới đối với triều đình nhà Thanh, vừa giữ được độc lập chủ quyền, vừa chặn đứng được dã tâm xâm chiếm nước ta của triều đại phong kiến nhà Thanh.

Cũng theo cứ liệu lịch sử ghi lại, khi đại phá quân Thanh hoàn thành, Hoàng đế Quang Trung đã có chiếu xây dựng Trung Đô, núi Dũng Quyết làm thành trì để dời đô từ Phú Xuân về Nghệ An. Tuy nhiên, sự nghiệp dời đô của vua Quang Trung chưa thành thì ông đã lâm trọng bệnh và băng hà khi ông mới 40 tuổi (ngày 29/7 năm Nhâm Tý 1792). 

Để tưởng nhớ công lao vị vua, người anh hùng dân tộc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã quyết định xây dựng đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết, gồm: Tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, cổng tam quan, công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008. Đồng thời đó, Khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cũng được xây dựng, đây cũng là nơi ghi dấu ấn công lao người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn quật cường đã cùng với nhân dân Ngọc Hồi chiến đấu đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm 1789, giải phóng đất nước.

Hiện nay, Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn được nhân dân Việt Nam tôn kính là vị anh hùng dân tộc của Việt Nam, nhiều trường học và đường phố ở các địa phương vẫn lấy tên ông để đặt. Đặc biệt, ở Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường ngay tại trung tâm quận I, đồng thời vừa là đường hoa và phố đi bộ mang tên ông – đường Nguyễn Huệ.

Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, đồng thời nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Nxb. Giáo dục, 534 trang.

2.      Đại Nam thực lục, Quốc sử Quán Triều Nguyễn, T.1, Nxb. Giáo dục, 1075 trang.

3.      Theo dòng lịch sử dân tộc, T.2, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 688 trang.

4.      Đại Nam liệt truyện tiền biên, Quốc sử Quán Triều Nguyễn, Nxb. Khoa học xã hội, 304 trang.

5.      Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 363 trang…

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 943 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày