Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 23/04/2019, 08:05

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỀN HÙNG VÀ CHÚNG TA LÀM THEO LỜI NGƯỜI DẠY

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đền Hùng

Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 đã gợi lại cho ta bao cảm xúc bồi hồi khi lịch sử dân tộc suốt mấy nghìn năm đã được Bác Hồ - vị cha già dân tộc tổng kết và chỉ ra nhiệm vụ của thế hệ sau kết tinh trong một câu nói lịch sử nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thành tựu lịch sử của các bậc tiền nhân và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc hiện tại là con đường xuyên suốt có tính logic: dựng nước gắn liền với giữ nước là quy luật nội tại bảo đảm sự trường tồn của dân tộc ta cũng chính là giao trọng trách cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn nữa về thời đại Hùng Vương. Tại Đền Hùng, Người khẳng định: thời đại Hùng Vương là thời kỳ bình minh của lịch sử dân tộc, các Vua Hùng đã khai sinh ra đất nước Việt Nam. Sự khẳng định ấy của Người đã được chứng minh bằng những di chỉ khảo cổ về những dấu tích người Việt cổ ở khắp mọi nơi, có niên đại hai nghìn năm trước Công nguyên. Việc Người khẳng định quy luật dựng nước gắn liền với giữ nước tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn mà còn là sự tôn vinh Tổ tiên - các Vua Hùng - của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam hiện đại. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao lịch sử mới.

Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hôm nay, để tiếp tục phát triển, vẫn là phải tiếp tục dựng nước để giữ gìn đất nước. Bác nói: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời Người nói thật giản dị mà xiết bao thân thương gần gũi, kết tinh ý chí đoàn kết thống nhất và sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc, để xây dựng đất nước.

Trong hồ sơ lý lịch “Di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Đền Hùng”, có ghi lời Người dặn trên đỉnh núi Hùng: “Đã đi là phải tới đích, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng”. Người còn dặn: “Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối, để xây dựng Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này tới thăm viếng".

Hai lần Người về Đền Hùng là cả hai lần Người đều đi tới đỉnh cao nhất, nơi mà ngày xưa Tổ tiên ta từng làm lễ cầu Trời đất cho mưa thuận gió hòa, toàn dân hạnh phúc, cả hai lần Người về Đền Hùng, lịch sử dân tộc đều ở vào những mốc thời điểm trọng đại. Người về Đền Hùng không phải để mượn tới vong linh của người xưa, hay tìm một sức mạnh làm cứu cánh từ niềm tin huyễn hoặc nơi quyền năng của cõi thánh thần để đương đầu với những khó khăn của dân tộc. Người về Đền Hùng, tìm đến cội nguồn của dân tộc với “các Vua Hùng đã có công dựng nước”, chính là để cổ vũ sự cố gắng, quyết tâm dựng nước và giữ nước trong thời đại mới, là bồi đắp mạnh mẽ và sâu sắc thêm những tình cảm thiêng liêng của dân tộc đối với các Vua Hùng, để gìn giữ những điều bất diệt, tạo nên sức mạnh và nguồn sinh lực mới cho cách mạng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chúng ta đã có một Khu Di tích Đền Hùng thực sự ngày một khang trang và ngang tầm.

Quản lý và tổ chức tốt lễ hội Giỗ Tô là một trong những việc rất quan trọng, trong toàn bộ hoạt động của Khu di tích Đền Hùng và của cả nước. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc. Ngày Giỗ Tổ, con cháu mọi miền của Tô quốc về dự lễ hội.

Hằng năm, lễ hội Giỗ Tổ được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc, nhưng có sự quản lý chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể. Vào những năm chẵn, Nhà nước ta tổ chức, những năm lẻ do tỉnh tổ chức. Việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất quy củ, dưới sự điều hành của Ban tổ chức lễ hội.

Từ Tết Nguyên Đán cho đến hết mùa Xuân, mỗi ngày hàng nghìn lượt người về viếng Tổ. Đặc biệt, từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Ba âm lịch, dòng người về lễ hội dài tới vài cây số. Đường sá, núi đồi nườm nượp người, nườm nượp xe cộ.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức theo truyền thống, chủ yếu gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng; phần hội diễn ra xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng.

Công cuộc đổi mới càng góp sức tô điểm và phát huy sức sống mạnh mẽ và tinh thần dân tộc qua lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, về với cội nguồn, về với Tổ Tiên - về Đền Hùng - đã trở thành nếp nghĩ và nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam dù sinh sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo...

2. Tình cảm của nhân dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới đối với di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng

Thời gian như càng khắc sâu thêm tình cảm nồng thắm của người Việt Nam của bạn bè trên khắp các châu lục khác nhau khi đến với Đền Hùng, đến với Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng.

Ngày 30/4/1975, đất nước ta hoàn toàn độc lập, hai miền Nam Bắc lại sum họp một nhà. Khát vọng về thăm viếng Đất Tổ không phải chỉ của đồng bào miền Bắc, mà ước nguyện “một lần ra thăm miền Bắc, một lần thăm Đất Tổ Hùng Vương” của đồng bào miền Nam đã được thực hiện. Những người con ưu tú của cách mạng miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đã về thăm viếng Đền Hùng, thắp một nén nhang trước Mộ Tổ mà không thể nén nổi niềm vui sướng tự hào, rưng rưng nước mắt: “Chúng tôi đến đây với tất cả mơ ước của những người con từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tất cả tấm lòng của những người con từ vùng đất cuối cùng của Tô quốc... chúng tôi xiết bao xúc động... Chúng tôi muốn thưa với Tổ Tiên và với Bác Hồ rằng: Vâng! Lời Người, miền Nam đã sắt son chung thủy trở về nguyên vẹn với cội nguồn”. Đó là những dòng lưu bút của một người con gái đồng bằng sông Cửu Long, đến thăm Đền Hùng ngày 7-5-1976, trong Sổ lưu niệm của Nhà Bảo tàng Hùng Vương.

Chúng ta càng tự hào vì Tổ Tiên - các Vua Hùng dựng nước, và dân tộc đã sinh ra một người con ưu tú như Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời Người đã gắn bó một phần với Đền Hùng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, ngày 13-4-1984, về thăm Đền Hùng đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những con người Việt Nam vừa kế tục truyền thống tốt đẹp của các Vua Hùng, vừa phản ánh tinh hoa của thời đại Hồ Chí Minh, cùng nhau thực hiện xuất sắc di huấn của Bác Hồ vĩ đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc thân yêu…”.

Đền Hùng như là sự tự nhiên đã gắn với người con ưu tú vĩ đại nhất của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sự thành kính của Người với các Vua Hùng, sự quan tâm của Người với Khu Di tích Đền Hùng không chỉ là sự kết tinh đạo lý của người Việt Nam với Tổ tiên, với cội nguồn, với truyền thống mà từ Đền Hùng, ta càng thấy Người tỏa sáng đức nhân văn của người Việt Nam, được bạn bè trên thế giới ngưỡng mộ.

Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ngài C.Va-la-jô-li, tháng 12-1997, đã xúc động viết trong sổ Lưu niệm: “Một cuộc thăm viếng rất xúc động: lịch sử Việt Nam - một cuộc hành trình anh dũng và lâu dài, từ ngôi mộ của các Vua Hùng đến Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết bao chặng đường đã qua”. Tháng 9-1978, Ông Rô-Raan, thay mặt Đoàn chuyên gia Liên Xô, chân thành ghi lại những dòng suy nghĩ của mình: “Đoàn chuyên gia Liên Xô sau khi thăm khu di tích lịch sử này... chúng tôi tin tưởng rằng lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thành hiện thực, và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ là đất nước tươi đẹp, và là thành trì của hòa bình tại Đông Nam Á”.

Ngày nay, chúng ta đến thăm Đền Hùng với tình cảm sâu sắc biết rõ thêm về lịch sử lâu đời và truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam, và có thêm ngày để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc:

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giổ tổ mùng mười tháng ba

 Chúng ta thêm vui mừng và thấy tự hào với những truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc Việt nam và toàn dân tộc Việt Nam nguyện đem tất cả sức mình để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Hồng Hạnh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 406 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày