Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 07/06/2019, 08:45

Nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng kiên trung Huy Cận

Nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng Huy Cận tên đầy đủ là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh; mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội.

Ba của Huy Cận thi đậu Tam trường, ra làm hương sư ở Thanh Hóa, sau về quê dạy chữ Hán và làm ruộng ở quê nhà. Trong kháng chiến chống Pháp, Ông làm Chủ tịch xã nhiều năm liền. Ông rất thích đàm luận văn chương và nghiên cứu bốc thuốc bắc chữa trị cho dân nghèo. Mẹ của Huy Cận là cô gái dệt lụa (lụa Hạ nổi tiếng) ở làng bên. Quê Ông là một xã sơn cước, cảnh đẹp, không khí hoang sơ, người dân hay hát ví dặm, cuộc sống thanh bình.

Thuở nhỏ nhà thơ Huy Cận học vỡ lòng chữ quốc ngữ ở với một người trong họ dạy học tại nhà, rồi học lớp năm (1926 - 1927) tại trường tổng Dị Long và đang theo học lớp tư vài tháng thì được ông cậu đưa vào Huế cho ăn học hết Tú tài toàn phần năm 1939. Tháng 10 năm 1939, Huy Cận ra Hà Nội học trường Cao đẳng Nông lâm và sống cùng nhà thơ Xuân Diệu ở 40 phố Hàng Than. Lúc còn đi học, nhà thơ Huy Cận đã cộng tác với nhiều tờ báo viết một số bài bình luận văn học, sáng tác thơ văn,… Ông thích đàm luận văn thơ cùng Xuân Diệu, Tế Hanh, Gia Ninh,…

Từ đầu năm 1942, Huy Cận tham gia hoạt động Việt Minh và sáng tác thơ, viết văn phục vụ đắc lực cho cách mạng. Từ cuối năm 1943, Huy Cận cùng anh Dương Đức Hiền và một số anh em trí thức khác chuẩn bị và chọn ngày 30 tháng 4 năm 1944 thì chính thức lập Đảng Dân Chủ (bí mật) trong mặt trận Việt Minh. Cuối tháng 7 năm 1945, Ông được Tổng bộ Việt Minh triệu tập cuộc họp Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Thái Nguyên) và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc ngày 16 tháng 8 năm 1945 (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Tháng 8 năm 1945 ông được cử vào phái đoàn Chính phủ lâm thời (do đồng chí Trần Huy Liệu là trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và ông làm đoàn viên) vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Trong chính phủ lâm thời Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông và ngày 23 tháng 11 năm 1945 được Hồ Chủ Tịch giao thêm nhiệm vụ làm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ông đã được đi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc tiếp xúc đàm phán với nhóm Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Đại Việt Quốc dân đảng trước khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Sau đó, Huy Cận đã từng đảm nhiệm rất nhiều trọng trách lớn do Đảng và Nhà nước giao phó, như: Thứ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 5 năm 1946 đến tháng 11 năm 1946. Từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 7 năm 1947, Ông là Thứ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1947 đến năm 1949. Từ năm 1949 đến 1955, Ông là Thứ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Chính Phủ, rồi làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa từ năm 1955 đến năm 1984. Ông là Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa – Nghệ thuật trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1984 đến năm 1987, kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Ngoài ra, đồng chí Huy Cận là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là Đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II, khóa VII, và khóa VIII.

Ngoài những nhiệm vụ trong nước được Đảng và Nhà nước giao phó, nhà thơ Huy Cận còn tích cực tham gia hoạt động văn hóa quốc tế. Ông là đồng Chủ tịch Đại hội Nhà văn Á Phi họp ở Ai Cập tháng 2 năm 1962, là đồng Chủ tịch Đại hội Văn hóa thế giới họp ở Cu Ba vào tháng 1 năm 1968, là Ủy viện Hội đồng UNESCO từ năm 1978 đến 1983, là phó chủ tịch Tổ chức hợp tác văn hóa kỹ thuật của 49 nước (ACCT). Từ năm 1981 đến năm 1987, là Viện sĩ Viện Hàn lâm thơ thế giới năm 2001 đến năm 2005.

Đồng chí Huy Cận là nhà hoạt động chính trị xã hội xuất sắc, đồng thời là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Trong hành trình sáng tạo hơn nửa thế kỷ, Ông để lại rất nhiều tác thẩm có giá trị như: tập thơ Lửa thiêng sáng tác năm 1940; tập thơ Vũ trụ ca được sáng tác trong thời gian 1940 – 1943; tác phẩm văn xuôi Kinh cầu tự được sáng tác năm 1942; bài nghiên cứu Tính chất dân tộc trong văn nghệ viết năm 1958; tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng sáng tác năm 1958; tập thơ Đất nở hoa sáng tác năm 1960; Bài thơ cuộc đời sáng tác năm 1963; bài thơ Hai bàn tay em sáng tác năm 1967; bài thơ Phù Đổng Thiên Vương sáng tác năm 1968; bài thơ Những năm sáu mươi viết năm 1968; bài thơ Cô gái Mèo viết năm 1972; bài thơ  Thiếu niên anh hùng họp mặt viết năm 1973; bài thơ Chiến trường gần đến chiến trường xa viết năm 1973; bài thơ Những người mẹ, những người vợ sáng tác năm 1974; bài thơ Ngày hằng sống, ngày hằng thơ sáng tác năm 1975; bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh sáng tác năm 1976; bài thơ Ngôi nhà giữa nắng sáng tác năm 1978); bài thơ Hạt lại gieo sáng tác năm 1984; Văn hóa và chính sách văn hóa ở CHXHCN Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris năm 1985); Tuyển tập thơ sáng tác năm 1986; Nước thủy triều Đông (bài thơ, song ngữ, xuất bản ở Paris năm 1994); Hồi ký song đôi sáng tác năm1997,….v.v.

Với những cống hiến to lớn cho nền văn học nước nhà và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng Huy Cận đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 – năm 1996); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990); Huân chương Sao Vàng (năm 2005).

Tưởng nhớ đến công lao và tài thơ văn của Huy Cận, ở một số thành phố tên của nhà thơ được đặt cho đường và trường học như: đường Huy Cận ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, con đường nối giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm với Mạc Đĩnh Chi),  đường Huy Cận ở thành phố Hà Tĩnh,… Ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của nhà thơ, có Trường Trung học phổ thông mang tên Cù Huy Cận.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng kiên trung Huy Cận, bài viết xin giới thiệu đến bạn đọc về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn chương của nhà thơ nổi tiếng một thời. Qua đó góp phần tưởng nhớ đến nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng Huy Cận và những thế hệ đi trước, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, giúp bạn đọc hệ thống và tìm hiểu thêm về những tác phẩm văn thơ rất hay và đặc sắc của nhà thơ Huy Cận, để cuộc sống thêm phần ý nghĩa và thơ mộng hơn.

 

Đào Thanh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 664 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày