Đồng chí Hoàng Đình Giong được biết đến là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, nhà quân sự xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Đình Giong là người dân tộc Tày, sinh ngày 1/6/1904, tại làng Thâm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng). Đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng và bồi dưỡng. Bên cạnh tên thật, đồng chí còn có các bí danh như: Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, cụ Vũ…
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu cảnh nô lệ lầm than, từ thuở nhỏ, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, ghét thực dân đế quốc. Được gia đình và nhà trường giáo dục, đồng chí sớm tiếp nhận tư tưởng yêu nước tiến bộ. Khi 20 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động bí mật, tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho học sinh Cao Bằng.
Năm 1925-1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội) và tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh Hà Nội và tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, vì lý do này mà Hoàng Đình Giong bị đuổi học và trở về Cao Bằng. Với nhiệt huyết và sớm được giác ngộ, đồng chí đã tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng tại quê hương. Đến năm 1927, đồng chí ra nước ngoài hoạt động, năm 1928 được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc. Với tư cách là Bí thư chi bộ, đồng chí đã chỉ đạo tổ chức, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn, trực tiếp chỉ đạo thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng (01/4/1930) tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An.
Sau khi các phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng bị khủng bố, đàn áp đẫm máu, tổn thất nặng nề và có bước thoái trào, Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Hoàng Đình Giong về gây dựng lại phong trào ở các khu mỏ tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Với năng lực xuất sắc của mình, đồng chí đã nhanh chóng gây dựng lại phong trào lớn mạnh khiến cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ. Trong những năm 1932-1935, đồng chí hoạt động ở Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp lãnh đạo khôi phục, phát triển tổ chức đảng ở các địa phương.
Năm 1935, đồng chí là trưởng Đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc). Tiếp đó, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Khoá I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 3/1935, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí trở thành ủy viên Trung ương Đảng khi mới 31 tuổi.
Từ tháng 2/1936 – 10/1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, cầm tù tại Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang) và bị đầy đi biệt xứ ở đảo Ma-đa-ga-xca (châu Phi). Chịu nhiều cực hình tra tấn của thực dân, đồng chí vẫn luôn giữ vững tinh thần, khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản và tham gia tổ chức nhiều phong trào, hoạt động trong nhà tù của thực dân.
Rời khỏi sự giam giữ của thực dân, trở lại Cao Bằng, đồng chí trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và là Trưởng ban khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Cao Bằng. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào chi viện cho chiến trường miền Nam; được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức với hàm nghĩa văn võ song toàn, có phẩm chất đạo đức cách mạng. Đồng thời để bảo đảm giữ gìn bí mật vì tên tuổi Hoàng Đình Giong hay Văn Tư đều đã bị lộ.
Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23-11-1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Đức tức Hoàng Đình Giong (đổi tên thành Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12-1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9. Khu bộ trưởng Vũ Đức đã cùng một đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau. Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ, trừ Cà Mau. Đồng chí Vũ Đức chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực còn lại ở các nơi tập trung về Cà Mau để củng cố tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của Khu Bộ trưởng Vũ Đức, chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Bằng lý luận và thực tiễn chiến đấu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc giữa bộ đội các địa phương khác nhau tại chiến trường Khu 9 và sau này là Khu 6. Đi đến đâu, đồng chí Hoàng Đình Giong đều được đồng bào, đồng chí kính trọng gọi thân mật là "Cụ Vũ". Đến ngày nay, đồng bào ở nhiều nơi, đặc biệt là đồng bào vùng Phước Long vẫn còn nhắc đến công ơn "cứu mạng của cụ Vũ Đức"... Trên cương vị của mình, đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, bám đất, bám dân, xây dựng căn cứ địa ở miền Tây Nam Bộ, đó là căn cứ địa U Minh vững chắc cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo để chiến đấu chống kẻ thù. Cuối tháng 11/1946, Trung ương điều đồng chí Vũ Đức ra Bắc họp. Khi đồng chí di chuyển đến Khu 6 thì nhận được quyết định của Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Tháng 1 năm 1947, đồng chí được cử là Khu trưởng Khu 6. Tháng 3 năm 1947, trên đường ra Bắc để báo cáo tình hình, đến Ninh Thuận bị quân Pháp tập kích, ông đã hy sinh ngày 17 tháng 3 năm 1947.
Cuộc đời hoạt động, chiến đấu và tư tưởng của đồng chí luôn sáng ngời. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tên tuổi đồng chí đã và sẽ đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ghi nhận những công lao và cống hiến xuất sắc của đồng chí, năm 1980, Trung ương Đảng quyết định đưa hài cốt đồng chí về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Năm 2009, truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 1998, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2018, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đối với tỉnh Cao Bằng, để tưởng nhớ và ghi dấu công lao to lớn của đồng chí, tỉnh đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám (quê nội của đồng chí). Khu di tích được xây dựng với các hạng mục trang nghiêm, trở thành địa chỉ quen thuộc để các thế hệ trẻ tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống.
Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, xin được nhắc lại tiểu sử cũng như bảng vàng chói lọi về sự cống hiến lớn lao của ông cho Đảng cách mạng và Nhà nước Việt Nam nhằm khẳng định, tôn vinh và tri ân công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam nói chung và quê hương Cao Bằng nói riêng. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, nhắc mỗi chúng ta không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, xứng đáng với sự hy sinh cao cả, cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.
Tài liệu tham khảo:
1. Trên vùng mây trắng : Truyện về anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đình Giong / Triều Ân. H. :Văn hóa dân tộc, 2011.- 351 tr.
2. https://vi.wikipedia.org
3. Hoàng Đình Giong / Triệu Thị Mai. – H. : Hội nhà văn, 2018. -174 tr.
Đinh Nhài