Cụ Nguyễn Văn Tố - một trí sỹ yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài ba của Quốc hội và chính phủ, Nhà văn hóa uyên bác của dân tộc, người cộng sự gần gũi thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hà Nội.
Cụ Nguyễn Văn Tố có bút hiệu là Ứng Hòe sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình có truyền thống nho học tại làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, Thọ Xương, nay là số nhà 32, Bát Sứ, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, cụ đã chứng kiến nhiều phong trào dân tộc yêu nước do các văn thân sĩ phu lao động yêu nước nhưng đều thất bại và bị đàn áp dã man. Từ đó, cụ đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, hấp thụ nền văn hiến của nước nhà.
Từ nhỏ, cụ đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học, nổi tiếng là người tinh thông nho học, giỏi ngôn ngữ Pháp và am tường văn hóa phương Tây. Năm 1905 (khi vừa 16 tuổi), cụ Nguyễn Văn Tố đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức và được Quyền Giám đốc Học viện Viễn Đông Bác cổ chọn vào làm việc ở đó – một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của Pháp ở Đông Dương thời đó. Sau đó, cụ đã trở thành một học giả nổi tiếng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, nhất là về lịch sử Việt Nam.
Những năm 1911-1912 Nguyễn Văn Tố đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa, lịch sử bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đăng trên tập san Trí thức của Hội Trí Tri, trên tạp chí của Viễn Đông Bác cổ, viết và dịch từ Pháp văn và Hán văn một loạt bài đăng trên Đông Dương tạp chí, cộng tác với tờ Nam Phong tạp chí với Đông Thanh tạp chí, soạn Việt Nam từ điển và cộng tác với Nguyễn Văn Vĩnh trong tạp chí An Nam nouveau... Những công trình bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc, đồng thời những tác phẩm viết về lịch sử, văn hóa dân tộc của cụ còn khơi gợi lên tinh thần đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Ở tuổi 31, ông đã trở thành chủ sự tờ tạp chí danh tiếng của Viễn Đông bác cổ và Tổng biên tập tạp chí của Hội Trí Tri. Năm 1930, với các nghiên cứu về lịch sử, văn học nghệ thuật và khoa học, Nguyễn Văn Tố được bổ nhiệm làm Viên chức Hàm lâm của Học viện Viễn Đông Bác cổ, năm 1931 được thưởng Huân chương Monisapharon của Hoàng gia Campuchia.
Thực hiện chủ trương của Đảng cộng sản Đông Dương, đầu năm 1938, xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội nhằm vận động nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, cụ và nhiều nhân sĩ trí thức tiêu biểu như: Cụ Bùi Kỷ, Lê Thước, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, đồng chí Trần Huy Liệu chủ bút báo tin tức, giáo sư Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thành và một số giáo sư trường Tư thục Thăng Long đã tham gia thành lập hội và nhất cử cụ làm Hội trưởng.
Trên cương vị Chủ tịch Hội, cụ Nguyễn Văn Tố tổ chức các hoạt động nhằm xóa nạn mù chữ trong nhân dân, yêu cầu những người đã được dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ đã chủ động bàn với Ban Trị sự quyết định chuyển toàn bộ tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất của Hội Truyền bá Quốc ngữ sang ngành Bình dân học vụ. Cụ đã giúp cho hơn 7 vạn người Việt Nam thoát khỏi nạn mù chữ, góp phần làm thất bại chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nền dân chủ mới ra đời, song phải đứng trước những thách thức hết sức khó khăn bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết dân tộc quý trọng và kêu gọi những người có tài có đức tham gia giúp nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời cụ tham gia chính phủ cách mạng, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong khoảng 1 năm (đến 25/8/1946) cụ Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải phóng nạn đói, nạn dốt, góp phần quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng. Ngay từ ngày 2/11/1945 cụ Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói ở nhiều địa phương, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Hội, kêu gọi đồng bào cả nước hưởng ứng phong trào “Hũ gạo cứu đói” do Bác Hồ phát động. Ngày 31/12/1945 Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh 63 thành lập Hội Cứu tế Xã hội để hỗ trợ và phối hợp trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh do nạn đói gây ra, tích cực hưởng ứng lời phát động phong trào tăng gia sản xuất của Hồ Chủ tịch. Nhờ sự chỉ đạo khẩn trương của chính phủ, sự nỗ lực của toàn dân, nạn đói đã bị đẩy lùi, thế và lực của cách mạng ngày càng tăng góp phần đưa cách mạng nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo từng bước củng cố và phát triển, trong thành tựu chung đó của dân tộc có phần đóng góp phần không nhỏ của cụ.
Với những đóng góp đó quan trọng và ý nghĩa đó, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của cả nước, Cụ Tố được nhân dân bầu là Đại biểu Quốc hội, tiếp đó vào sáng 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, cụ đượcbầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Một trong những cống hiến to lớn của cụ trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành quốc hội, góp ý xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946, với những nội dung, tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay. Hoạt động của Quốc hội trong thời gian cụ làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã để lại dấu ấn sâu sắc, đó là đưa ra những quyết sách lớn vì nước, vì dân, sự đoàn kết ủng hộ gắn bó của Quốc hội với Chính phủ trong giai đoạn này là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam.
Tuy chỉ trong một thời gian ngắn điều hành Quốc hội (2/3/1946-9/11/1946) cụ Nguyễn Văn Tố đã có những cống hiến lớn lao với dân tộc, với cách mạng. Tháng 11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, cụ được mời trở lại tham gia chính phủ với cương vị Bộ trưởng Bộ không Bộ. Trên cương vị này, Cụ vừa tham gia góp ý xây dựng đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của chính phủ, vừa góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới, tạo dựng thế và lực cho sự nghiệp cách mạng. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), cụ cùng chính phủ rút lên Việt Bắc tham gia nhiều công việc của chính phủ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cụ Tố đã tích cực động viên nhân dân nhiều vùng cần tản cư lên các khu vực an toàn.
Tháng 10/1947 giặc Pháp mở chiến dịch đổ quân lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của chúng ta, chúng đã bắt được cụ, chúng dùng chiêu dụ dỗ không được, chúng chuyển sang tra tấn cụ dã man. Cuối cùng, chúng đã thủ tiêu một nhân sĩ hết lòng trung với nước hiếu với dân. Sự hy sinh của cụ là một tổn thất lớn lao của chính phủ, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với chính phủ và nhân dân cả nước.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã cống hiến và hy sinh trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc. Cụ đã nêu tấm gương mẫu mực của một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, một nhà văn hóa uyên bác, nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn của cụ, có nhiều ngôi trường mang tên cụ Nguyễn Văn Tố tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An... Tại Thành phố Hà Nội, tên ông được đặt cho một con đường gần chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Văn Tố, là dịp chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao cống hiến to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cũng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta. Noi gương cụ, trong mỗi hoạt động, chúng ta đều phải đặt lợi ích của đất nước của dân tộc, của Đảng lên trên hết, không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập tự do trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các bậc lãnh đạo tiền bối.
Tài liệu tham khảo:
1. Ký sự địa chí Hà Nội / Giang Quân. - H. - Quân đội Nhân dân, 2010. - 496 tr.
2. https://vi.wikipedia.org/wiki
3. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960 / Văn phòng Quốc hội. -H. :Chính trị Quốc gia, 1994. - 378tr.
Đinh Nhài