Cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ác liệt nhưng anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam chống lại hai tên đầu sỏ hiếu chiến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã làm cho biết bao người con hi sinh, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha; làm nên bao nỗi thống khổ mà đến mãi mãi sau này khi lật dở từng trang sử ta vẫn không khỏi nhói lòng. Có những người mẹ nén nỗi đau khi chồng hi sinh, khóc thầm khi từng núm ruột ngã xuống và tưởng chừng như không thể gượng dậy được khi các con ra đi không ai trở về. Có những mẹ luôn hiên ngang trước họng súng quân thù và hi sinh ở tuổi đời còn rất trẻ. Mẹ Lương Thị Thìn chính là người mẹ tiêu biểu nhất trong những người Mẹ Việt Nam Anh Hùng của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng. Chúng con nghiêng mình, nín lặng trước những hi sinh lớn lao của Mẹ đã mang lại cho chúng con cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.
Xin cho con được gọi mẹ với tên gọi thân thương - Mẹ Thìn. Mẹ sinh năm 1896 tại Đồng Ván, xã Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ (nay thuộc tỉnh Bình Dương), trong một gia đình nho phong, trọng lễ giáo. Lúc còn là thiếu nữ, mẹ quen biết người thanh niên yêu nước Đỗ Văn Thượng, ở xã Phước Lai, quận Long Thành. Vì tham gia Hội kín chống Pháp, anh bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam ở khám lớn Biên Hòa vào khoảng giữa thập niên 10 của thế kỷ 20. Cảm phục tinh thần lòng yêu nước của anh, cô thiếu nữ Lương Thị Thìn nặng lòng gắn bó, lén mẹ cha đi thăm nuôi nhiều lần. Hai trái tim trẻ trung nồng cháy không vì hàng chấn song sắt và hàng rào nhà tù kiên cố ngăn cách, đã hòa chung một nhịp. Một thời gian sau, anh được tha, đàng trai từ Long Thành đi Tân Ba tính làm đám cho anh và cô nhưng gia đình mẹ Thìn không đồng ý vì anh không xứng đáng làm rể nhà gia giáo. Cô gái trẻ Thìn đã dũng cảm vượt qua mọi cản ngăn của bậc sinh thành, chấp nhận chung sống cùng người yêu, không theo tục lệ cưới xin cổ truyền - nói nôm na là lấy chồng không hôn thú. Hai người đưa nhau qua làm ăn sinh sống ở xóm Trầu, xã Long An (huyện Long Thành), rất hạnh phúc và sinh hạ sáu người con. Bốn con đầu lấy họ mẹ: Lương Văn Nho, Lương Thị Xuyến, Lương Văn Chẩn, Lương Thị Mẫn. Hai con cuối mang họ cha: Đỗ Văn Buông, Đỗ Thị Cúc. Mẹ đều cho các con ăn học và không quên kể lại gốc gác gia đình, giáo dục các con theo chí hướng của cha.
Khoảng năm 1943, đồng chí Trịnh Văn Dục - cán bộ Đảng, quê ở Thanh Hóa, được Xứ ủy Nam Kỳ điều về hoạt động gây dựng phong trào cách mạng trong công nhân đồn điền cao su Long Thành. Đồng chí gặp gỡ gia đình mẹ Thìn, được mẹ nuôi dưỡng, giúp đỡ nên sau đó nhận mẹ Thìn làm mẹ nuôi.
Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra ở thị trấn Long Thành - là nơi ta giành chính quyền đầu tiên trong toàn tỉnh Biên Hòa cũ, Bí thư Huyện ủy Trịnh Văn Dục được cử làm Chủ tịch ủy ban nhân dân lâm thời huyện Long Thành. Trong những ngày cách mạng sôi sục ấy, các con mẹ Thìn tham gia ngay vào đội ngũ những người yêu nước. Anh Lương Văn Nho (Hai Nho) là công chức sở Kho bạc Biên Hòa được cử làm Ủy viên Tài chánh huyện (sau đó làm Đại đội trưởng Đại đội C chi đội 10) đi qua hai thời kỳ kháng chiến, trở thành Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi qua đời cuối thập niên 80. Anh Lương Văn Chẩn gia nhập Trung đoàn 307. Anh Đỗ Văn Buông đi thoát ly, gia nhập đơn vị Trung đoàn 330. Các chị Lương Thị Xuyến, Lương Thị Mẫn hoạt động công tác thanh niên và phụ nữ địa phương. Em út Đỗ Thị Cúc chưa tới 10 tuổi vào đội văn nghệ tuyên truyền xung phong (rồi lớn lên làm cứu thương, đi tập kết và được đào tạo thành bác sĩ).
Mẹ Thìn không tiếc gạo, tiền, tài sản, sẵn sàng đóng góp để nuôi cán bộ, bộ đội, du kích. Ngày 7/2/1946, giặc mở cuộc càn vào xã Long An. Chúng đốt hơn 200 nóc nhà, riêng xóm Trầu 90% nhà cửa bị cháy trụi. Chúng bắt khoảng 50 bà con trong xã khiêng gánh đồ đạc ăn cướp về quận lỵ Long Thành. 8 người bị địch giết hại, đau sót biết bao khi trong đó có cả mẹ Thìn. Một tên Việt gian biết mẹ có con nuôi là Bí thư kiêm Chủ tịch huyện, các con ruột của mẹ đều đi kháng chiến, đã báo Tây. Chúng đánh đập, tra khảo mẹ rất tàn nhẫn để moi tin về các con của mẹ. Nhưng mẹ quyết giữ bí mật, sau mỗi trận đòn roi khủng khiếp, người mẹ lả đi câu trả lời vẫn là: “Không biết”. Chúng tức giận bắn chết mẹ sau nhiều trận tra tấn man rợ, vắt xác mẹ trên hàng rào nhà lao. Mẹ được công nhận là một trong những liệt sĩ đầu tiên của xã Long An. Mẹ ơi! Nỗi đau của mẹ, tình yêu của mẹ, sự hi sinh lớn lao của mẹ, chúng con phải làm gì để có thể báo đáp được đây?
Anh Lương Văn Chẩn đi bộ đội, được giao nhiệm vụ giữ cây súng máy của đơn vị. 12 ngày sau ngày mẹ mất (19/2/1946), giặc mở trận càn vào xã Phước Thọ, anh hi sinh bên cây súng và đống vỏ đạn khi đang làm nhiệm vụ đánh trả lại địch. Đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt của anh nơi đâu. Anh ơi! Dù là nơi mô cũng có mẹ Thìn chở che, rang rộng vòng tay đón anh về đất mẹ thân thương. An lòng anh nhé!
Anh Đỗ Văn Buông, qua nhiều trận chiến đấu, anh giữ chức đại đội phó. Anh hi sinh vì bị máy bay địch oanh tạc ngày 30/6/1952 tại chiến khu Đ. Lại một lần nữa, đất mẹ thân thương và mẹ Thìn trìu mến đón anh Buông – người chiến sĩ kiên cường, bất khuất của vùng đất “Miền Đông gian lao mà Anh dũng”. Có lẽ, mẹ đã khôn cùng đau sót khi gặp lại các con thân yêu ở thế giới bên kia của cuộc đời.
Những năm sau đó, giặc điên cuồng khủng bố Long Thành và nhiều nơi khác, chị Lương Thị Xuyến và chị Lương Thị Mẫn phải lánh lên thị xã Biên Hòa, thay tên đổi họ để tiếp tục sinh sống và hoạt động cách mạng. Năm 1965, một đơn vị hậu cần Quân khu miền Đông móc nối với chị. Chị tiếp tục hoạt động cách mạng ở khâu hậu cần. Chị mua từng xe gạo, xăng dầu thuốc men,… chở tới cây số 125 ở Định Quán (dọc quốc lộ 20) có anh em ta đón sẵn. Ngày 27/1/1970, trong lúc làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt lên bót cảnh sát ở Chợ Lớn. Biết chị là người tiếp tế cho cách mạng, chúng vừa hăm dọa, vừa dùng tiền và vàng mua chuộc để chị móc nối, kêu gọi đồng chí Lương Văn Nho về chiêu hồi cho địch. Nhưng chị quyết im lặng không nhận và không khai nửa lời. Năm 1971, địch bắt lại chị, tra tấn rất dã man làm tổn thương nghiêm trọng nội tạng của chị. Câu trả lời của chị vẫn là: “Không biết”. Sau rất nhiều trận đòn roi đau đớn, chị như chết đi sống lại bao lần. Cơ thể chị cùng kiệt, nhưng ý chí sắt đá vẫn sáng ngời tình yêu quê hương đất nước. Biết không thể moi được thông tin gì của chị, địch thả chị khi mà chị đã gần chết. Ngày 24/2/1972, chị qua đời vì cạn kiệt sức lực. Thật là đau sót biết bao cho những người con anh dũng, bất khuất của các Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Các anh, các chị đã hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước được đơm bông tự do, kết trái hạnh phúc như ngày hôm nay.
Gia đình mẹ Lương Thị Thìn là gia đình tiêu biểu, chỉ đứng ở một phía cách mạng, có ba liệt sĩ được công nhận, trong đó bản thân mẹ Thìn là liệt sĩ đầu tiên của gia đình. Nửa thế kỷ sau ngày mẹ hy sinh, mẹ được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo Quyết định số 522/KTCTN ngày 27/8/1995.
Mẹ ơi! Xin cho chúng con được thay các con của mẹ để thắp nén tâm nhang lên vong hồn của các mẹ và các anh. Mong ở nơi đó, mẹ và các anh luôn an lòng, thanh thản đón nhận những thành công mà lớp lớp thế hệ trẻ chúng con xây dựng. Chúng con nguyện tiếp bước con đường cách mạng vẻ vang của dân tộc, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn nữa. Bằng những hành động cụ thể và thiết thực, chúng con xin hứa sẽ thực hiện những trăn trở của các Mẹ là tiếp tục đi tìm hài cốt liệt sĩ, chăm lo đời sống cho những người có công với cách mạng, chăm lo đến từng phần mộ của những chiến sĩ đã hi sinh,…
Đào Thanh