Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 10/08/2019, 13:15

MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG ĐÀO THỊ PHẤN

Mẹ Đào Thị Phấn (còn gọi là Hai Phấn) sinh năm 1911 trong một gia đình nghèo ở xóm Bàu Cá (nay là xóm Hố, Cây Dừa, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai)

Năm 1930 mẹ lập gia đình với với ông Lư Văn Nén và sinh được 5 người con.

Tháng 8/1945, chồng mẹ - ông Hai Nén tham gia Thanh niên tiền phong, sau đó trở thành cán bộ Hội Nông dân cứu quốc xã. Khi quân Pháp tái chiếm Biên Hòa, cùng với cơ quan, đoàn thể, ông Hai Nén chuyển vào căn cứ Phước An. Từ đấy mọi việc trong gia đình và chăm sóc, dạy dỗ các con đều do bà quán xuyến.

Cuối năm 1950, quân Pháp tăng cường đánh phá chiến khu Phước An, chiếm đóng vùng tự do cuối cùng của Long Thành - Nhơn Trạch. Tình thế cách mạng đang hết sức khó khăn. Trong một trận đột kích của địch, một số cán bộ cách mạng hy sinh, trong đó có ông Lư Văn Nén. Nghe tin chồng mất, mẹ rụng rời tay chân muốn té xỉu, nhưng mẹ cố gượng dậy lo hậu sự cho chồng.

Để mưu sinh trong vùng nông thôn thời kháng chiến, ngoài làm ruộng là chính mẹ có thêm nghề phụ làm bún, gánh bán khắp xã. Công việc cực nhọc, vất vả nhưng là nguồn thu nhập thêm giúp mẹ nuôi cả gia đình cũng như đóng góp đáng kể cho cách mạng.

Từ những năm 1952-1953, mẹ Hai Phấn đã nuôi giấu cán bộ Việt Minh nằm vùng. Trong vai người gánh bún đi bán ngang qua đường bờ, mẹ Hai Phấn nhận ám hiệu để biết thời gian, địa điểm đến đem cơm, báo cáo tình hình...

Sau khi chồng mất, con trai lớn nhất của mẹ là anh Lư Văn Gương khi đó mới 16 tuổi xin tham gia kháng chiến.

Năm 1960, người con trai kế tiếp của mẹ là anh Lư Văn Trực (còn gọi là Sáu Trực), sắp đến tuổi bị địch bắt đi quân dịch, vì không muốn con cầm súng giặc chống lại đồng bào, mẹ Hai Phấn động viên anh vào rừng gia nhập Đơn vị 19-5. Đầu năm 1961, trong một trận đụng độ ở Phước Thiền, anh Sáu Trực bị thương nặng và rơi vào tay địch. Bị bắt đưa về Biên Hòa tra hỏi, anh Sáu Trực vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, không khai báo. Ngày 2/2/1962, anh Sáu Trực bị đưa về xử bắn tại sân bia quận Nhơn Trạch khi đó anh vừa tròn 20 tuổi.

Không lâu sau, người con thứ tư của mẹ là Lư Văn Hào (còn gọi Bảy Hào) gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh để được trực tiếp cầm súng giết giặc trả thù cho cha và  anh. Ngày 29/12/1964, một lần nữa, mẹ Hai Phấn lặng người khi nghe tin con trai bị pháo địch bắn mất xác ở Suối Quýt - Cẩm Đường.

Chiến trường Nhơn Trạch ngày càng trở nên ác liệt, đầu năm 1964 Huyện ủy, Ủy ban huyện phải cử một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy về Xóm Hố bí mật chỉ đạo phong trào. Đánh hơi được, địch liên tục càn quét và tìm mọi cách “tát” dân ở Xóm Hố, Cây Dầu dạt ra ven lộ 17.

Còn một người con út là Tám Kiệt, quyết không để giặc bắt con đi lính chống lại cách mạng, mẹ đã gửi anh vào rừng để theo các đòng chí cách mạng “đánh Mỹ, giải phóng quê hương”. Ngày 16/11/1971, người con trai út của mẹ lọt vào ổ phục kích của địch và hy sinh

Với đức tính “kiên cường - bất khuất - trung hậu - đảm đang” nuôi dạy con có tấm lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh cầm súng diệt thù đồng thời bản thân mình “bám đất, bám vườn” nuôi giấu cán bộ, mẹ Đào Thị Phấn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, được cất ngôi nhà tình nghĩa đầu tiên trong xã vào năm 1983.

Cũng như bao người phụ nữ tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nơi trận tuyến nhưng mẹ Hai Phấn và nhiều người mẹ khác đã hăng hái lao động sản xuất tại hậu phương, làm nên hạt gạo, củ khoai, chiếc áo… tiếp thêm sinh lực để bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”. Họ là những con người gan dạ không quản ngày đêm và bom đạn, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng cho chiến tranh. Tinh thần của họ là “Ruộng rẫy như chiến trường, cuốc cày như vũ khí” làm nên một hậu phương vững chắc. Từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu, đã hình thành nên những phẩm chất, đức tính quý báu rất riêng của người phụ nữ Việt Nam, được nhân dân và nhà nước Việt Nam tôn vinh.

Ngày 17/12/1994, mẹ Đào Thị Phấn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 394/KTCTN.

Năm 2009, vì tuổi già sức yếu mẹ Phấn đã qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. Tên của mẹ được lấy đặt cho con đường khang trang nhất ở xóm Cây Dầu, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, những kỷ vật, hiện vật của mẹ: đồ làm bún, làm đậu phụ nuôi bộ đội của mẹ trong thời kỳ kháng chiến phục vụ cách mạng được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, điều này đã tái hiện phần nào khí thế cách mạng của quân và dân tỉnh Đồng Nai nhất là hình ảnh các mẹ, các chị trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Những chiến công và thành tựu mà các mẹ, các chị đã đổ máu xương dành lại cho ngày hôm nay sẽ được lớp lớp thế hệ sau gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, như những viên ngọc quý vẫn ngời sáng long lanh.

 

 

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 941 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày