Ngày 23-8-1945, tại căn nhà số 2, dãy phố Sáu Sử, xã Bình Trước, quận Châu Thành, Biên Hòa, Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị bàn về kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu chủ trì.
Tại hội nghị, các đồng chí đã thống nhất và quyết định: Tập trung lực lượng tiến hành khởi nghĩa trước ở trung tâm tỉnh lỵ, trung lập hóa quân Nhật, thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm trưởng ban và dự kiến thành phần Ủy ban nhân dân cách mạng tháng tám lâm thời của tỉnh; huy động lực lượng xung kích trong nhân dân, Thanh niên Tiền phong tự trang bị vũ khí, nhân dân mang cờ, khẩu hiệu sẵn sàng nổi dậy biểu dương lực lượng cướp chính quyền.
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, khí thế cách mạng dâng cao, trong ngày 23-8-1945, dưới sự chỉ đạo của chi bộ nhà máy cưa BIF, chi bộ ga Biên Hòa, công nhân và nhân dân các ấp Tân Mai, Lân Thành, Vĩnh Thị đã nổi dậy làm chủ các cơ sở trên. Cờ đỏ sao vàng của Việt Minh và cờ vàng sao đỏ của Thanh niên tiền phong đã xuất hiện nhiều nơi trong thị xã Biên Hòa.
Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa đặt gần ga xe lửa phấp phới tung bay cờ Đảng và cờ Tổ Quốc.
Ở huyện Long Thành, Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Trịnh Văn Dục lãnh đạo đã huy động công nhân cao su, nhân dân các xã kéo về quận lỵ giành chính quyền trong ngày 24-8-1945. Thắng lợi này càng cổ vũ cán bộ đảng viên và nhân dân Biên Hòa náo nức hành động. Chiều tối ngày 24-8, hàng trăm nhân dân Biên Hòa đã kéo về Sài Gòn tham gia cướp chính quyền.
Sáng ngày 26-8-1945, hàng trăm đồng bào nội ô thị xã Biên Hòa kéo đến bao vây Tòa Bố, dinh tỉnh trưởng, Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu đoàn người tiến thẳng vào dinh tỉnh trưởng buộc tỉnh trưởng phải đầu hàng và truyền lệnh cho thuộc hạ các cấp trao chính quyền cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo ở dinh tỉnh trưởng trong tiếng reo hò vang dậy của nhân dân.
Đến 11 giờ trưa cùng ngày, các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp đến Tòa Bố buộc tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý cùng những viên chức đứng đầu các ty, sở trong tỉnh bàn giao chính quyền cho cách mạng.
Ngay chiều 26-8 lực lượng cách mạng đã bắt giữ tên chỉ huy lực lượng cảnh sát Biên Hòa, tịch thu gần 300 súng các loại. Lực lượng cách mạng nhanh chóng tỏa đi tiếp quản các cơ quan, công sở trong thị xã.
Sáng sớm ngày 27-8-1945, tại quảng trường Sông Phố, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức. Gần 1 vạn người từ khắp các quận về dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền đã thuộc về tay nhân dân và công bố danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm chủ tịch. Kết thúc mít tinh là lễ tuyên thệ. Hơn 1 vạn người thay mặt cho 15 vạn đồng bào trong tỉnh đã long trọng giơ cao nắm tay tuyên thệ, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Đến 12 giờ trưa, lễ mít tinh kết thúc. Cả Biên Hoà, từ phố thị cho đến các xã thôn, các đồn điền cao su thực sự là một ngày hội lớn. Khắp các nẻo đường, đâu đâu cũng sôi động cả một rừng người và cờ, ai cũng hân hoan và cảm động đến trào nước mắt.
Trong không khí sục sôi cách mạng, ngày 28-8-1945, nhân dân quận Xuân Lộc cũng đã nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền. Trước sự áp đảo của lực lượng cách mạng, toàn bộ chính quyền của địch ở Xuân Lộc từ thị trấn đến nông thôn đều lo sợ, hoang mang, tự tan rã nhanh chóng. Ngay buổi sáng 28-8, nhân dân đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ Xuân Lộc.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn từ 24-8-1945 đến 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Biên Hòa đã cùng cả nước đứng dậy phá tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, tạo động lực thúc đẩy nhân dân ta kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc đến thắng lợi hoàn toàn.
Nguyễn Thị Sen