Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là quân đội sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và giáo dục, là lực lượng vũ trang nòng cốt của nhân dân và Nhà nước cách mạng, có nhiệm vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, được nhân dân tin yêu trao tặng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”. Là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, lực lượng tin cậy của Đảng và Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng với lời biểu dương, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại một khu rừng nồm giữa hai tống Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Hình, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo, đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Đội chỉ có 34 chiến sĩ, trong đó có 31 nam, 3 nữ có 29 chiến sĩ là dân tộc thiểu số còn lại 5 chiến sĩ dân tộc Kinh đứng theo hàng ngang. Lá cờ đỏ sao vàng giương cao trước hàng quân. Các chiến sĩ ăn mặc giản dị nhiều người còn đi chân đất, thể hiện trang bị của quân đội cách mạng ban đầu còn rất thô sơ. Nhưng nó cũng thể hiện đó là đạo quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến dấu, vì nhân dân phục vụ”. Quân đội nhân dân còn có một cái tên khác mà nhân dân yêu mến đặt cho là “Bộ đội cụ Hồ”.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử quân đội ta. Ngay sau khi ra dời, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, “trận đầu nhất định phải thắng”, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập chiến công oanh liệt: Ngày 25-12- 1944, hạ đồn Phai Khát; ngày 26-12-1944, hạ đồn Nà Ngán trong hoàn cảnh “ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày 2 trận”. Những chiến thắng này báo hiệu cho toàn dân tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu để chuẩn bị cho thời kỳ đứng lên giành lấy chính quyền, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hai chiến thắng đó đã mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu, đánh liên tục và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành của quân đội ta. Và những tháng ngày “trứng nước” đó, đội quân 34 chiến sĩ nhanh chóng phát triển trong nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, mở rộng cơ sở chính trị trong quần chúng, hợp nhất với Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân, cùng các “đội quân đàn em” khác trên mọi miền đất nước đóng vai trò nòng cốt hỗ trợ cho toàn dân ta vùng dậy khởi nghĩa giành thắng lợi.
Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 75 tuổi. Suốt chặng đường dài nửa thế kỷ, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” không ngừng tung bay đỏ thắm khắp giang sơn đất Việt. Lịch sử vẻ vang của nó gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc. Chiến công bất hủ của nó bắt nguồn và được lập nên từ tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự đúng đắn: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được kế thừa và phát triển đầy sáng tạo tài năng dũng lược của tổ tiên suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nó mang trong mình dòng máu bất khuất kiên cường của đội quân “phụ tử” thời Trần do Trần Quốc Tuấn chỉ huy, “dĩ đoản chế trường” ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. Nó thấm nhuần tính nhân nghĩa của nghĩa binh Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi dựng cờ, từng thắng bạo tàn của quân nhà Minh xâm lược. Nó học hỏi nghệ thuật đánh giặc thần tốc và thắng lợi diệu kỳ của Nguyễn Huệ, chỉ một trận dẹp xong giặc Xiêm phía Nam, chỉ một chiến dịch tiêu diệt 20 vạn quân Thanh phía Bắc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Trong ngày lễ thành lập - ngày 22 tháng 12 năm 1944, đội quân 34 người đã tuyên đọc dưới lá Quốc kỳ mười lời thề danh dự, thể hiện bản chất một quân đội nhân dân cách mạng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Trong chỉ thị thành lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chúng có những đội đàn em khác”. “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Một chặng đường vẻ vang đã qua nhưng nhiệm vụ Quân đội nhân dân Việt Nam chưa hoàn thành: nửa nước phía Nam còn bị giày xéo dưới gót sắt của thực dân xâm lược mới. Như mong đợi của Bác Hồ và cũng là của dân tộc “đội quân đàn anh nhanh chóng có những đội quân dàn em khác”, vì cách mạng còn cần. Quân giải phóng miền Nam, một đội đàn em được thành lập từ núi rừng Tây Ninh để tiếp bước đội đàn anh dấy binh từ núi rừng Cao Bằng thuở trước. Là “con một cha, nhà một nóc”, cùng cơ sở tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, từ trong phong trào cách mạng của quần chúng mà ra để phục vụ lợi ích của nhân dân, của đất nước, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời.
Sau Hiệp nghị quốc tế Genever năm 1954, đại bộ phận Quân đội nhân dân ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, học tập trau dồi bản lĩnh và nghệ thuật đánh giặc, một số ít ở lại miền Nam chuyển sang đấu tranh chính trị và cảnh giác đề phòng sự tráo trở cùa đối phương. Phản bội sự cam kết quốc tế, tự ý xé bỏ Hiệp định, bỏ tổng tuyển cử dân chủ, giặc đã dùng bạo lực quân sự, phát xít để chống lại chính trị và hòa bình, đàn áp đẫm máu nhân dân miền Nam. Không khuất phục trước bất cứ bất công nào, đó là truyền thống của dân tộc, nhân dân miền Nam lại tiến hành cuộc “Đồng khởi” nổi tiếng giành chính quyền từng phần, chiến tranh du kích đồng hành với khởi nghĩa quần chúng theo tư tưỏng Hồ Chí Minh, một lần nữa phát động và lan rộng khắp miền Nam Việt Nam một cách thắng lợi. Đế quốc xâm lược không hiểu nổi sức mạnh vô địch của nhân dân giác ngộ, một lần nữa gây chiến tranh quyết chiếm miền Nam Việt Nam làm thuộc địa kiểu mới. Những chiến sĩ Vệ quốc đoàn năm xưa còn lại, cùng các đội viên du kích trong Đồng Khởi, kết hợp với “chiến sĩ mùa thu” - những cán bộ tập kết ra miền Bắc trở về - hợp thành những đơn vị Giải phóng quân kiên cường với ý chí không lay chuyển: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Với những đơn vị chủ lực được xây dựng tại chỗ cùng với các đơn vị từ miền Bắc vào, Quân giải phóng miền Nam lớn mạnh không ngừng. Mở đầu là trận Ấp Bắc vùng Đồng Tháp Mười sình lầy đã thử sức Quân giải phóng trước chiến thuật tân kỳ trực thăng vận và thiết xa vận của Mỹ - ngụy, qua đó xác định khả năng dùng chiến tranh cách mạng chống lại được chiến tranh xâm lược. Tiếp theo là chiến dịch Bình Giã ở khu vực rừng núi, chứng tỏ năng lực quân sự của nhân dân và Quân giải phóng có thể thắng địch bất cứ chúng là ai.
Tiếp đó từ “chiến tranh đặc biệt” qua “chiến tranh cục bộ” là một cuộc leo thang ghê gớm của máu và lửa, một thách thức với ý chí và tài năng, một cuộc đọ sức thần kỳ giữa lương tri và tàn bạo. Chiến tranh mở rộng ra cả nước, toàn quân, toàn dân từ Nam chí Bắc đều ra trận.
Rồi sau trận Mậu Thân, Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt vô điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc để ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Pari. Nhưng mộng xâm lăng đế quốc chưa bỏ. Mỹ cố kéo dài hòa đàm để có thì giờ cho ngụy gượng dậy đủ sức chống lại Việt cộng. Tại Pari, Kissinger lại còn thách thức Lê Đức Thọ: “Các anh đã có mảnh đất nào hoàn chỉnh ở miền Nam đâu” Quân gỉải phóng phải giải đáp sự mong đợi của Kissinger vậy.
Đầu năm 1975, lần đầu tiên Quân giải phóng miền Nam đã giành được một chiến thắng lớn, giải phóng hoàn toàn một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng không xa Sài Gòn: tỉnh Phước Long. Đây là một vùng đồi núi rộng lớn nối liền với căn cứ cách mạng bắc Đồng Nai (khu A), cửa ngõ tiến về Sài Gòn đã được mở rộng. Đây lại là vùng nằm sát phía nam Tây Nguyên, cắt Tây Nguyên với Sài Gòn khiến Tây Nguyên của địch chỉ còn thông với ven biển miền Trung và mở rộng đầu cuối đường Trường Sơn của ta. Ngụy quyền đành làm trò: để bảy ngày quốc tang cho Phước Long thất thủ. Tang cho Phưóc Long cũng là tang cho chế độ ngụy sắp đến vậy! Thắng lợi của Quân giải phóng ở Phước Long rõ ràng là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược vì nó là một trận đòn trinh sát chiến lược. Sự kiện giải phóng Phước Long giống như một máy đo chính xác nhất sức mạnh và khả năng của đôi ba bên tham chiến, cho phép các bên hiểu rõ mình, hiểu rõ địch và tự phán đoán được tình hình chiến tranh cho đến lúc đó và là căn cứ để hạ quyết tâm tiếp theo.
Tưởng có thể cố thủ ở khu vực Nam Bộ, ngụy ra sức phòng ngự ở khu vực Sài Gòn do quân đoàn 3 và lực lượng tổng trù bị của chúng đảm nhận. Các đơn vị còn tương đối sung sức của ngụy quân tập trung giữ Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông của Sài Gòn, xem “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” theo sự hướng dẫn của chủ Mỹ. Tiền tiêu phòng ngự cho điểm then chốt này là ở Phan Rang. Chiến dịch đánh chiếm thủ đô quân ngụy là chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân giải phóng đã hình thành bao vây chặt Sài Gòn từ mọi phía. Trận Xuân Lộc là một trận quyết chiến, trận đẫm máu. Quân ngụy đã phải dùng đến bom uy lực mạnh, giết người hàng loạt là bom CBU mà Mỹ đã để lại khi quân rút về nước.
Nhưng khi tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc bị tiêu diệt và rút chạy, Xuân Lộc mất thì một cửa ngõ chính vào Sài Gòn đã bị phá vỡ. Chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân lớn tiến vào Sài Gòn đã toàn thắng. Sự quyết định là do quân và dân ta đã đổ máu suốt 30 năm chinh chiến. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở thành ngày lịch sử vẻ vang nhất, giải phóng vĩnh viễn dân tộc Việt Nam khởi ách đô hộ ngoại bang. Quân giải phóng miền Nam tức là Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì dân, vì nước. Hồ Chí Minh, vị Cha già dân tộc, người vạch ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn nhất, người sáng lập ra quân đội cách mạng Việt Nam, giáo dục và chỉ đạo theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đã từng nói: “Quân giải phóng là người anh em oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Hồng Hạnh