Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912 tại Thanh Hóa. Cha ông qua đời khi ông mới được ba tháng tuổi, và năm đó mẹ ông đưa gia đình về Huế sinh sống. Xuất thân trong một gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn, là dòng dõi của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhưng ông sớm gạt bỏ ý tưởng truyền thống “học để ra làm quan” mà rẽ sang một hướng khác là học nghề y để chữa bệnh cứu người. Từ đó, ông đã sống trọn vẹn với nghề y bằng tất cả tài năng và tình yêu thương con người.
Giáo sư Tôn Thất Tùng là một nhà khoa học mẫu mực, ông đã mô tả chính xác các mạch máu trong gan khi ông 23 tuổi. Ở tuổi 27, ông trở thành “cha đẻ của cắt gan có kế hoạch” - phương pháp mổ gan mới mà sau này được các nhà khoa học trân trọng gọi là“phương pháp Tôn Thất Tùng”. Suốt cuộc đời khoa học của mình, ông đã góp cho nền y học Việt Nam và thế giới hơn 120 công trình nghiên cứu y học xuất sắc; được nhận nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương phẫu thuật quốc tế Lannelongue, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạnh Nhất, Huân chương Chiến sỹ hạng Nhất, Anh hùng Lao động… Ông đã có những cống hiến lớn lao cho y học Việt Nam và y học thế giới.
Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, hình ảnh Bác sĩ Tôn Thất Tùng với cây súng kíp trên vai vượt núi băng rừng từ Bình Đà - Ba Thá -Chiêm Hóa - Tuyên Quang đến Điện Biên Phủ, ông vừa tận tình cứu chữa thương, bệnh binh, xây dựng các tuyến mổ xẻ, vừa giảng dạy đội ngũ kế cận, ở đâu ông cũng gắn điều trị với nghiên cứu khoa học, và đào tạo sinh viên phát triển ngành y tế. Cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất thành công penicilline phục vụ thương, bệnh binh.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông trở về Hà Nội, làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Ông bắt đầu tổng kết, công bố những công trình nghiên cứu của mình với việc xuất bản cuốn sách “Cắt gan” và nhiều công trình khác. Ông được cả thế giới biết đến với phương pháp mổ gan Việt Nam. Ngoài nghiên cứu các bệnh lý về gan - mật - tiêu hóa, cũng là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam năm 1958. Năm 1964, Việt Nam lần đầu tiên mổ tim phổi máy thành công thúc đẩy cho các lĩnh vực khác phát triển. Ông là người đặt nềnmóng cho phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác. Giáo sư luôn coi trọng việc tiếp thu y học phương Tây để xây dựng phát triển nền y học của nước ta và trở thành người tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam. Dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của ông, một thế hệ đầu đàn của các chuyên ngành ngoại khoa đã trưởng thành: Tiêu hóa gan mật có Giáo sư Nguyễn Văn Vân, Giáo sư Nguyễn Đình Hối, Giáo sư Đỗ Kim Sơn, Giáo sư Đỗ Đức Vân; tim mạch - lồng ngực có Giáo sư Đặng Hanh Đệ… Giáo sư là người thầy mẫu mực nhất là trong ứng dụng kỹ thuật. Quan điểm của ông là phải khởi đi từ thực nghệm, thảo luận, trao đổi kỹ lưỡng với chuyên gia và sau đó mới có có thể ứng dụng phẫu thuật trên người. Đặc biệt trong cuộc mổ, ông rất chú ý đến từng động tác của các học trò: từ cách buộc một mũi chỉ cho đến cầm kéo cắt chỉ.
Đối với ông, một nhà ngoại khoa, một phẫu thuật viên không chỉ có đôi bàn tay mổ xẻ hàng loạt… mà còn phải có kiến thức sâu rộng về các chuyên ngành khác. Việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, suốt cuộc đời. Một di sản vô cùng quan trọng của Giáo sư Tôn Thất Tùng chính là tư duy nghiên cứu khoa học. Đó chính là sáng tạo khoa học phải dựa trên nền tảng thực tế, lấy thực tế làm thước đo lý luận. Và thành quả sáng tạo có được không chỉ từ trí tuệ và tư duy mà còn nhờ vào sự lao động chuyên cần không mệt mỏi.
Giáo sư Tôn Thất Tùng còn là một thầy thuốc sáng ngời y đức, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân, các bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, sinh viên. Mặc dù luôn bận rộn nhưng ông rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên Bệnh viện Việt - Đức. Gần 30 năm làm Giám đốc bệnh viện, ông đã có công lao to lớn xây dựng lề lối làm việc trong khám bệnh và chăm sóc bệnh nhân.
Nhưng trên tất cả, ông là một nhà tri thức yêu nước chân chính. Ông đã đến với cách mạng bằng “ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”, quyết tâm bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc. Ông đã cống hiến tuổi xuân và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc và sự nghiệp cao cả của người thầy thuốc; trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, một thầy thuốc tài năng kiệt xuất.
Là một tri thức, người thầy thuốc sớm được Đảng, Bác Hồ giác ngộ và giáo dục, Giáo sư Tôn Thất Tùng là tấm gương của sự kiên cường phục vụ nhân dân, phục vụ bộ đội trong hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm; kiên trì đấu tranh cho phong trào bảo vệ quyền con người bằng những nỗ lực nghiên cứu về tác hại của hóa chất diệt cỏ - chất độc màu da cam (chứa điôxin), là người có công lớn trong việc thành lập và điều hành Ủy ban Quốc gia điều tra về hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam.
Năm 1982, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã qua đời ở tuổi 70. Ông đã sống cuộc đời của người thầy thuốc cứu nhân độ thế, để lại cho hậu thế một di sản khoa học vô giá với nhiều thế hệ học trò xuất sắc, một phẩm chất yêu nước tuyệt vời, một tấm gương lao động kính nể.
Yên Yên