Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên bao chiến công oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng Hồ Chí Minh, đã xuất hiện rất nhiều nữ anh hùng tiêu biểu của chủ nghĩa cách mạng anh hùng. Nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người con anh hùng tiêu biểu nhất của quê hương Đồng Khởi - Bến Tre nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bà là nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, là người phụ nữ được Bác Hồ và cả thế giới ngợi ca về tài năng và tấm lòng nhân hậu.
Đến nay, vừa tròn 100 năm ngày sinh và gần 20 năm ngày mất của nữ Tướng Nguyễn Thị Định, để tỏ lòng tôn kính, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến lớn lao của nữ Tướng cho cách mạng Việt Nam và cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Xin cho thế hệ sau được gọi nữ Tướng Nguyễn Thị Định với tên gọi thân thương nhất mà thế hệ trước hay gọi – “cô Ba”. Cái tên thân thương trìu mến ấy đã đi vào lòng bao chiến sĩ giải phóng quân bởi tấm lòng nhân hậu, đảm đang, kiên cường và bất khuất.
Cô Ba Định sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sinh ra và lớn lên ở miền quê giàu truyền thống cách mạng, khi vừa tròn 16 tuổi (1936), Cô Ba Định đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 10 năm 1938, khi mới 18 tuổi, Cô Ba đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1938, Cô kết hôn với người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Năm 1940, cô Ba sinh con trai được 3 ngày thì người chồng thân yêu bị bắt và kết án 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ. Đau đớn đến tuột cùng, Cô vẫn gắng gượng từng ngày, từng ngày kiếm cớ sinh nhai, chăm con và chờ chồng trở về.
Đầu tháng 7 năm 1940, Cô bắt liên lạc với tổ chức Cách mạng, dự định ngày 21 tháng 7 sẽ gửi con trai ở nhà để Cô thoát ly đi hoạt động cách mạng. Nhưng ngày 19/7/1940, Cô và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con về Khám Lá, Bến Tre và buộc cô gửi con về nhà trước khi đi đày đến Bà Rá. Ba năm ròng sống trong sự giam cầm và cuộc sống hà khắc tại nhà lao kiến cho cơ thể cô Ba bị suy kiệt. Cô lâm bệnh nặng, kẻ địch buộc phải thả cô về quản thúc tại địa phương. Sức khỏe chưa hồi phục thì cô nhận được tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo. Tim Cô như có người bóp ngẹt, người hóa điên dại, lúc vui, lúc buồn, lúc căm thù giặc đến tận cùng. Một thời gian sau, bình tâm trở lại, nén đau thương, Cô tự nhủ: Phải sống để nuôi con và trả thù cho chồng, cho các đồng chí.
Năm 1944, cô Ba Định bắt liên lạc với phong trào Việt Minh và lao vào hoạt động cách mạng. Trong cách mạng tháng Tám, cô Ba Định cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng chiếm thị xã Bến Tre.
Năm 1946, cô Ba Định là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bến Tre và là thành viên Đoàn đại biểu Khu VIII được cử ra miền Bắc báo cáo với Trung ương về tình hình của địa phương sau Hiệp định Sơ bộ 6-3. Sau đó cô Ba đã tham gia tổ chức đường dây và trực tiếp chuyển 12 tấn vũ khí từ miền Bắc tiếp viện cho chiến trường Tây Nam Bộ, tạo tiền đề hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển Đông trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ năm 1947 đến 1951, cô Ba Định là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre; Trưởng đoàn Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bến Tre; Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ; Tỉnh ủy viên, Phó bí thư Huyện Mỏ Cày; Chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện,… dù là ở cương vị nào, cô Ba Định đều tận tâm, tận lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cô luôn được bà con tin tưởng, đồng chí, đồng đội thương yêu.
Đầu năm 1960, cô Ba Định là một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng khởi tỉnh Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp phong trào Đồng khởi đợt I (17/1/1960) với nòng cốt là các chị em phụ nữ. Cuộc Đồng Khởi thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng khởi trong tỉnh và toàn miền Nam sau này. Bác Hồ đã gọi đội quân của cô Ba Định là “đội quân tóc dài”. Sau này, trong buổi mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác đã tuyên dương người con gái anh hùng của quê hương Bến Tre: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.
Trong những năm sau đó, cô Ba Định được giao những trọng trách mới. Và Cô đã khẳng định tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Cô đã chỉ huy các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch, đẩy trận càn Giônxơn City - trận càn lớn nhất của Mỹ ngụy vào tháng 2/1967,... và rất nhiều trận khác tại tiền tuyến ác liệt đạn bom.
Ngoài vai trò là một nữ Tướng mưu trí, anh hùng, gan dạ, bất khuất, cô Ba Định còn được biết đến như người chị, người mẹ, người cô đôn hậu, đảm đang, nhân từ. Cô luôn đồng cam cộng khổ với chiến sĩ cách mạng, thương yêu và chăm sóc chiến sĩ như người thân của mình. Mỗi lần đến thăm các doanh trại bộ đội, trong túi của cô Ba lúc nào cũng có sẵn cây kim sợi chỉ để khâu vá quần áo cho các chiến sĩ; có chai dầu, miếng đường, viên thuốc phòng khi có chiến sĩ nào đó lên cơn sốt; những gì tốt nhất, Cô đều để dành cho các chiến sĩ, thương bệnh binh; nơi nào có Cô đến bếp lửa thêm hồng hơn, bữa ăn được cải thiện, đời sống tinh thần tăng cao;… Không chỉ vậy, cô Ba Định cũng là hiện thân của người vợ, người mẹ miền Nam thủy chung, son sắt một lòng, một dạ vì chồng, vì con.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, cô Ba Định đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách như: Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, dù ở cương vị nào bà cũng xử lý công việc đầy trách nhiệm và tình người.
Trong lòng bạn bè thế giới, bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc; là trung tâm đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bà từng được Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn.
Đối với các thế hệ cán bộ Hội Phụ nữ được làm việc, trưởng thành dưới sự dìu dắt của bà thì mãi mãi bà là người lãnh đạo Hội có tầm nhìn chiến lược; có tài năng tham mưu với Đảng, Nhà nước. Bà cũng là người đã sáng tạo nên những phong trào vận động phụ nữ hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời thống nhất đất nước và những năm đầu đổi mới.
Ngày 26-8-1992, sau 56 năm miệt mài hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Cô Ba Định đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cô được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân huy chương cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, 2 huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, 2 huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin,…v.v.
Sau ngày mất, ngày 30-8-1995, cô Ba Định được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân. Khu lưu niệm được xây dựng tại quê hương Cô tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, nhân dân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng lập bàn thờ của Cô trong đền thờ Hai Bà Trưng như một vị nhân thần mới, để những người anh hùng lại gặp anh hùng. Tên Nguyễn Thị Định cũng được đặt cho một làng ở Cu Ba và nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nhiều phụ nữ trên thế giới cũng hâm mộ mà đặt tên cô cho con của mình.
Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ Tướng Nguyễn Thị Định là hiện thân của tấm lòng nhân hậu, vị tha nhưng cũng hết mực kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Trước những gian lao, vất vả của thời cuộc, cô Ba Định đã chứng tỏ bản lĩnh, ý chí của một người phụ nữ thông minh, mưu trí, quả cảm trong đấu tranh cách mạng, đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và vững vàng trên con đường xây dựng đất nước. Cô mãi là bông hoa tươi thắm, tỏa hương thơm ngát cho cuộc đời đơm bông hạnh phúc, kết trái tự do. Đời đời thế hệ sau luôn ghi nhớ những cống hiến của cô Ba Định nói riêng và lớp lớp thế hệ cha ông nói chung đã chiến đấu, hi sinh cho cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Thế hệ trẻ chúng ta sẽ luôn cố gắng đoàn kết, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hăng say lao động để dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp và phát triển hơn nữa.
Đào Thanh