Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 19/03/2020, 14:05

KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HÀ NỘI (17/3/1930 – 17/3/2020)

Kể từ khi thành lập, Đảng bộ Hà Nội đã đi qua chặng đường 90 năm . Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Hà Nội đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh quật cường của nhân dân, nổi lên các phong trào các mạng, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa Thủ đô tiến những bước dài trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng cuộc sống mới

Hà Nội từ xưa đã là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của đất nước. Vị trí trung tâm của Hà Nội đối với cả nước đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Một đầu mối giao thông quan trọng hàng đầu của cả nước luôn nhạy cảm trước sự thay đổi của tình hình, đã sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Cuối năm 1924 đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt dộng, trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam. Tháng 6/1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước tiến bộ ở Việt Nam có xu hướng Cộng sản chủ nghĩa và mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho phong trào. Những thanh niên tiên tiến ở trong nước và Hà Nội đã lần lượt lên đường sang dự lớp huấn luyện. Riêng ở Hà Nội, số học sinh bãi khóa sang Quảng Châu học khá đông. Trong đó có các đồng chí Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Tự, Trần Tích Chu, Trần Đăng Huyến, Phạm Văn Đồng, Trịnh Đình Cửu…

Dưới tác động của các điều kiện mới, hòa cùng với phong trào cả nước, từ những năm 1919, 1920 trở đi, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra dồn dập với quy mô ngày càng rộng. Từ trong phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, nhiều tổ chức yêu nước đã hình thành, ở Hà Nội, đầu năm 1925, Việt Nam nghĩa đoàn, một tổ chức yêu nước của nhóm sinh viên trường Cao đẳng sư phạm ra đời; tháng 12/1927, Việt Nam Quốc dân đảng, một tổ chức chính trị có xu hướng dân tộc của giai cấp tư sản cũng được thành lập. Trong các tổ chức yêu nước đó, vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có ảnh hưởng quyết định đến xu hướng và sự phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Nội.

Cuối năm 1926, sau khi học xong lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Công Thu được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước lập đường dây liên lạc đưa đón cán bộ đi Quảng Châu và chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức Thanh niên ở Hà Nội. Sau một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Công Thu đã thành lập Chi hội (lúc đó gọi là chi bộ) Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của Hà Nội gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư, tại một địa điểm ở làng Dịch Vọng (Từ Liêm).

Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hà Nội được thành lập, gồm 3 người: Nguyễn Danh Đới, Mai Lập Đôn và Nguyễn Phong sắc. Đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư Kỳ bộ Bắc kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội. Đầu năm 20 của thế kỷ XX, tình hình chính trị xã hội ở nước ta cũng như ở Hà Nội có những chuyển biến rất quan trọng. Phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Nội chuyển động theo xu hướng mới. Đó là những điều kiện trực tiếp để Hà Nội bước vào những năm cuối của thập kỷ với những sự kiện sôi động hơn, quyết liệt hơn trong quá trình đi đến bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Trên địa bàn Hà Nội, Việt Nam Quốc dân đảng xây dựng được tổ chức và lực lượng khá mạnh, tăng cường hoạt động tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngày 28/9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đã họp Đại hội đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất đã bầu ra Ban chấp hành Kỳ bộ mới gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu... Đồng chí Trần Văn Cung được phân công làm Bí thư, hai đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh chịu trách nhiệm phụ trách vận động công nhân toàn kỳ. Sau Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, đầu năm 1929, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã tiến hành tổ chức Đại hội để kiểm điểm hoạt động của Tỉnh bộ, thảo luận phương hướng hoạt động và kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo Đồng chí Nguyễn Phong sắc ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ được cử làm Bí thư Tỉnh bộ.

Năm 1928 cũng là năm tổ chức Thanh niên ở Hà Nội nhận được nhiều tài liệu của Đảng Cộng sản Pháp gửi sang Việt Nam, trong đó có các văn kiện quan trọng của Đại hội lần thứ sáu của Quốc tế Cộng sản, đặc biệt là bản “Đề cương về cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa”. Ánh sáng của bản “Đề cương”, cùng với thực tiễn đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng lao động trong cả nước, trong đó phong trào công nhân ngày càng thể hiện tính chất độc lập của mình... đã tác động trực tiếp vào tư tưởng và nhận thức của bộ phận Thanh niên ở trong nước, trước tiên vào hàng ngũ những người lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên ở Bắc kỳ, trong đó có Tỉnh bộ Hà Nội.

Nhận thức được những đòi hỏi của lịch sử và xu hướng phát triển tất yếu của phong trào cách mạng nước ta, tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập tổ chức cộng sản - Chi bộ 5D Hàm Long, gồm 8 người: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong sắc, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính.

Ngày 28-29/3/1929, Đại hội đại biểu Thanh niên toàn Bắc kỳ lần thứ hai họp tại đồn điền Kim Đái, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Dự họp có khoảng 20 đại biểu của các tỉnh thành. Đại biểu Hà Nội là Nguyễn Phong sắc và Trần Tư Chính. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản và giao cho 4 đại biểu là Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân, có nhiệm vụ đấu tranh trước Đại hội Thanh niên toàn quốc về việc thành lập Đảng Cộng sản.

Ngày 1/6/1929, tại chùa Hương Tuyết (Bạch Mai), Đoàn đại biểu Thanh niên Bắc kỳ ra tuyên bố nêu rõ lý do bỏ Đại hội ra về và đề nghị xúc tiến ngay việc thành lập Đảng Cộng sản.

Ngày 7/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cộng sản mới được thành lập ở các tỉnh Bắc kỳ đã họp, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Như vậy, Chi bộ 5D Hàm Long và Đông Dương Cộng sản Đảng là những tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước được thành lập tại Hà Nội. Sự ra đời của những tổ chức cộng sản đó là kết quả của sự tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là thắng lợi quan trọng của cuộc đấu tranh giữa xu hướng tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản và tiểu tư sản trong phong trào dân tộc và trong nội bộ tổ chức Thanh niên lúc đó; là một nhân tố tích cực góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào cộng sản Việt Nam tiến lên.

Ở Hà Nội, ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội cũng được thành lập gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam.

 Do những hoạt động rất tích cực của mình, chỉ trong một thời gian ngắn, ảnh hưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng lan rộng khắp cả nước. Trong nội bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có sự phân liệt ngày càng sâu sắc. Mùa thu năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng tuyên bố thành lập. Chịu ảnh hưởng của những sự kiện trên, những người tiên tiến trong Tân Việt cách mạng đảng cũng tự tổ chức thành các chi bộ cộng sản và đến tháng 1/1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn tuyên bố thành lập. Sự ra đời của các tổ chức cộng sản thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ. Nhưng tình trạng phân tán của các tổ chức cộng sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự đi lên của phong trào cách mạng. Một yêu cầu thực tế đặt ra trước lịch sử là phải sớm thống nhất các tổ chức cộng sản đó thành một chính đảng duy nhất của giai cấp vô sản. Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hương cảng), Hội nghị hợp nhất Đảng đã họp, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

 Sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đổng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam.

Đảng bộ Hà Nội là một Đảng bộ được thành lập sớm một địa bàn liên tục diễn ra cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp gay gắt. Quá trình thành lập Đảng bộ là một quá trình đấu tranh gian khổ, những chiến sĩ cách mạng phải vượt qua và chiến thắng nhiều khó khăn, đặc biệt là sự khủng bố ác liệt của kẻ thù. Những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội là nhũng thanh niên nồng nàn yêu nước, lăn lộn và trưởng thành trong từng bước đi lên của cách mạng. Trong số đó, nhiều người sau này trở thành những lãnh đạo xuất sắc, những đảng viên ưu tú có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp chung của Đảng và của dân tộc ta.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 543 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày