Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 31/03/2020, 10:00

Kỷ niệm Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch)

Những thành tựu tiêu biểu của nền văn hóa thời đại Hùng Vương

 

Thời đại Hùng vương là thời đại có thật, mở đầu lịch sử dân tộc, là thời kỳ đỉnh cao của một nền văn minh cổ xưa mà người Việt đã xây dựng. Tất cả những gì tốt đẹp nhất, đặc sắc nhất của nền văn hóa Việt Nam, của con người Việt Nam đều bắt nguồn từ đó và chúng ta cùng những thế hệ cháu con phải đời đời biết ơn, ghi nhớ, khắc ghi.

Những thành tựu của nền văn hóa thời đại Hùng Vương có rất nhiều, nhưng tiêu biểu và rực rỡ nhất phải nói đến là hệ thống chữ viết, lịch pháp thiên văn và nghệ thuật đúc đồng, mà trống đồng chính là sản phẩm đặc trưng.

1. Hệ thống chữ viết

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, thời kỳ đầu của nước Văn Lang, tổ tiên ta đã sử dụng những sợi dây thắt nút để làm phương tiện truyền đạt và thống kê. Những sợi dây có to, có nhỏ, dài, ngắn khác nhau, mỗi nút thắt thể hiện một con số hay một thông tin nào đó; còn sợi dây có thể chỉ đối tượng, điều đó giống như sự kết hợp của các chữ cái để tạo thành những từ chỉ ý nghĩa của sự vật.

Dấu vết một loại chữ của người Việt cổ đã được tìm thấy trên một số di vật thuộc văn hóa Đông Sơn như trên qua đồng, trống đồng, lưỡi, cày đồng… đó là những ký hiệu có đường nét khác nhau, không đối xứng và có những ký hiệu được lặp lại, đứng ở những vị trí khác nhau trong dòng, đó là những chữ viết chứ không phải những hoa văn trang trí. Loại chữ viết này có cấu tạo gồm 2 bộ phận: bộ phận hình tuyến với số lượng các vạch các đoạn cong và vị trí sấp, ngửa của các đoạn cong tạo nên các ký hiệu khác nhau, tức những chữ khác nhau. Bộ phận thứ hai là bộ phận tượng hình vẽ lại những hình ảnh thực tế biểu hiện khái niệm như hình mặt trời hoặc mang ý nghĩa biểu thị với những ký hiệu quy ước.

Hệ thống chữ viết thời đại Hùng Vương đã được khẳng định dựa trên ghi chép của sử sách và các di vật nói riêng. Từ thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông cũng đã đặt vấn đề về một hệ thống chữ viết thời quốc sơ. Trong cuốn Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh thời Nguyễn đã dẫn ra bằng chứng về chữ Mường và lập luận: “Người ta thường nói rằng nước ta không có chữ, tôi nghĩ rằng không phải. Thập châu vốn là đất nước ta. Trên châu có chữ, lẽ nào dưới chợ lại không? Lối chữ châu là chữ nước ta đó…”; Nhà  bác học Trương Vĩnh Ký trong sách mẹo An Nam cũng khẳng định rằng trước thời Bắc thuộc, cha ông ta có chữ viết riêng, đó là thứ chữ ghi âm.

   Thực tế, phần lớn các dân tộc ở phía Bắc nước ta đều có chữ viết riêng, trong đó có người Mường, tộc người có nguồn gốc gần gũi nhất với người Việt. Vì vậy, nếu nói một dân tộc với nền văn hóa phát triển cao như dân tộc Việt (Kinh) không có chữ viết là điều không hợp lý chút nào. Những gì mà chúng ta thu thập được hiện nay đã là minh chứng rõ nhất, xác thực nhất về một hệ thống văn tự riêng của của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương dựng nước.

2. Hệ thống lịch pháp, thiên văn

Trong hoạt động sản xuất, nhất là trong nông nghiệp rất cần biết đến những biến động của khí hậu, thời tiết, vòng quay bốn mùa, vì vậy mọi nền lịch pháp đều là sản phẩm của các vùng văn hóa nông nghiệp với ba loại lịch: lịch âm, lịch dương và lịch âm dương.

Nước ta nằm ở khu vực có hoạt động nông nghiệp, trồng lúa nước sớm nhất trên thế giới, vì vậy có thể nói rằng, thời Hùng Vương đã có một hệ thống lịch riêng của mình mà hiện nay vẫn để lại một số dấu ấn. Lịch của chúng ta là loại lịch thuộc thứ lịch âm dương, có sự kết hợp cả chu kỳ mặt trăng và mặt trời.

Dấu ấn của loại lịch cổ này thể hiện ở cách gọi tên tháng: Một, chạp, giêng, hai… hay như những từ chỉ ngày như: “mồng” (mồng một, mồng hai…), “rằm”. “Mồng”, “rằm” là từ chỉ những ngày đầu tháng và giữa tháng trong tiếng Việt cổ, ngày nay chúng ta vẫn quen dùng nhưng không còn hiểu rõ nghĩa nữa. Lịch cổ của người Việt còn thể hiện qua cách gọi bằng hệ đếm can chi.

Loại lịch này được xây dựng trên cơ sở một trình độ thiên văn cao. Chiếc rìu đá tìm thấy ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) có niên đại từ 6000 năm TCN có khắc hình chòm sao Vũ Tiên, ở núi Hương Tích thuộc dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) còn dấu tích một đài quan sát thiên văn của người Việt cổ mà dân gian quen gọi là đài Trang Vương. Ngoài ra, các họa tiết trên trống đồng tiêu biểu như trống đồng Hoàng Hạ (Hà Tây cũ) được các nhà nghiên cứu đánh giá là một loại lịch thời Hùng Vương, là bức thiên đồ cho phép xác định được các ngày tiết trong năm…

Về đặc điểm chính: Hệ thống lịch pháp thời Hùng Vương được xây dựng do nhu cầu tính toán thời tiết để trồng trọt, vì vậy nó là sản phẩm của vùng văn hóa nông nghiệp, mà Việt Nam là nước có hoạt động nông nghiệp từ sớm.

Cấu tạo của loại lịch này, phản ánh rõ lối tư duy tổng hợp và biện chứng của văn hóa nông nghiệp với sự kết hợp cả chu kỳ mặt trăng lẫn mặt trời; đồng thời phản ánh sự biến động thời tiết có tính chu kỳ của vũ trụ. Đây là loại lịch dùng hệ can chi để chỉ thứ tự và gọi tên các đơn vị thời gian, nó được xây dựng trên cơ sở các quan sát thiên văn đạt đến một trình độ cao; phản ánh đúng các diễn biến thời tiết, gắn bó mật thiết với các hiện tượng liên quan đến mặt trăng như: thủy triều, khí triều, sự sinh trưởng của tự nhiên… gắn liền với phương thức canh tác nông nghiệp ở vùng Bách Việt (kéo dài từ nam sông Dương Tử đến bắc Việt Nam).

3. Nghệ thuật đúc đồng

Qua các di vật đồng thau được phát hiện với số lượng lớn tại các di tích khảo cổ, đã khẳng định sự tồn tại của một nền văn hóa đồng thau phát triển rực rỡ ở Việt Nam, đó là văn hóa Đông Sơn.

Nền văn hóa đồng thau này là sự kế thừa phát triển tiếp nối liên tục qua các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên chỉ tìm thấy những mẩu xỉ đồng hay gỉ đồng, sang những giai đoạn sau các công cụ bằng đồng được tìm thấy ngày càng nhiều.

Người Việt thời Hùng Vương đã làm ra rất nhiều vật dụng bằng đồng thau. Công cụ lao động có lưỡi cày, lưỡi liềm, rìu là những công cụ rất phổ biến, ngoài ra còn rất nhiều công cụ sản xuất cỡ nhỏ như dùi, đục, dao khắc, nạo, giũa, lưỡi câu… Dụng cụ sinh hoạt có ấm đồng, thố đồng, chậu đồng, thau đồng, đồ trang sức và các loại nhạc khí: trống đồng, chuông… Vũ khí bằng đồng cũng rất đa dạng, phong phú, có loại dùng cho đánh xa, đánh gần, mỗi loại có nhiều kiểu khác nhau: giáo, lao, kiếm, qua, mũi tên đồng, dao găm các loại… Với một khối lượng đồ đồng lớn như vậy cho thấy việc sản xuất lên tới quy mô lớn đòi hỏi việc khai mỏ và luyện kim cũng phát triển theo.

Sản phẩm đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn:

Nền văn hóa Đông Sơn có niên đại cách nay khoảng 2.500-2.800 năm, là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của thời kỳ đồ đồng ở nước ta. Trong số nhiều loại hình như công cụ, vũ khí, đồ trang sức… được chế tác bằng bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta, thì trống đồng chính là hiện vật tiêu biểu nhất. Số lượng trống đồng tìm thấy ở nước ta không chỉ nhiều về số lượng, tinh vi về mỹ thuật, kỹ năng chế tác mà còn độc đáo về kiểu dáng; đa dạng về hình thức, phong cách trang trí, cách sắp xếp hoa văn.

Dựa trên nhiều tiêu chí, các nhà khoa học đã chọn ra 10 chiếc trống đẹp nhất, cổ nhất và tiêu biểu nhất trong tất cả các trống đã được phát hiện ở Việt Nam: Trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam); Trống đồng Hoàng Hạ (Hà Nội); Trống đồng Sông Đà (Hòa Bình); Trống đồng Cổ Loa (Hà Nội); Trống đồng Đền Hùng (Phú Thọ); Trống đồng Miếu Môn (Hà Nội); Trống đồng pha Long (Lào Cai); Trống đồng Phú Xuyên (Hà Tây cũ); Trống đồng Quảng Xương (Thanh Hóa); Trống đồng Vũ Bị (Hà Nam). Tất cả các loại trống đồng nêu trên đều có kích thước khác nhau, đường kính từ 50 – 93cm, chiều cao từ 29- 61cm.

Như vậy, tất cả những thành tựu nói trên đã biểu thị rõ nét của một nền văn hóa rực rỡ, nó cho thấy óc tư duy và tài nghệ của tổ tiên chúng ta… đã có tác động sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế, tạo những thay đổi lớn của xã hội thời Hùng Vương bấy giờ. Mặc dù, trải qua hàng ngàn năm với sự thăng trầm của đời sống xã hội, thiên tai địch họa, nhưng những dấu ấn, di sản, văn hóa, tinh thần của thời đại đó vẫn được lưu truyền và phát huy đến tận mai sau.

Nhân kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, xin được nhắc đến những thành tựu tiêu biểu của nền văn hóa thời đại Hùng Vương như một sự tri ân đối với tổ tiên. Là thế hệ hậu sinh, chúng tôi luôn thể hiện niềm tự hào và ý thức cội nguồn dân tộc giống nòi “con cháu Quốc Tổ Hùng Vương”; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến bậc anh hùng đã có công khai sáng lịch sử và văn hoá dân tộc, anh hùng dựng nước. Nguyện trân trọng, gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa quý báu của tổ tiên, tiếp tục có những nghiên cứu dựa trên sự kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương để lại, góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) đề ra.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 538 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày