Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 14/04/2020, 19:40

12 ngày đêm khói lửa trên mặt trận Xuân Lộc

Diễn ra từ ngày 9 đến ngày 21 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Xuân Lộc đã phá tan phòng tuyến cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa ở phía đông Sài Gòn, tạo đà để quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Sau thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, chính quyền Sài Gòn đứng trước tình thế muôn vàn khó khăn buộc phải tìm mọi cách để bảo vệ cơ quan đầu não của mình tại Sài Gòn.

Để bảo vệ Sài Gòn, địch quyết định tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc cho đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng”, là “cánh cửa thép” để bảo vệ Sài Gòn, đây là chốt chặn cuối cùng và quan trọng không thể để mất. Vì vậy, chúng đã tập trung một lực lượng lớn lực lượng, vũ khí, trang thiết bị hiện đại để phòng thủ tại Xuân Lộc.

Nhận định cục diện tình hình chiến trường đang có nhiều chuyển biến tích cực cho quân ta. Ngày 31 tháng 3 năm 1975, tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp và ra quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa,với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975 không thể chậm”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc nhằm đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, nơi được ví như cánh của thép của quân đội Việt Nam cộng hòa để bảo vệ chính quyền Sài Gòn.

Đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9 tháng 4, quân ta bắt đầu tấn công dồn dập vào cứ điểm cuối cùng của địch, pháo 130 ly gầm vang, báo hiệu một trận mở màn quyết liệt. Ngay từ phút đầu tiên quân ta đã bắn đổ cột ăng ten trong tiểu khu Long Khánh. Trong khi đó, hướng bắc các chiến sĩ biệt động Long Khánh đã hướng dẫn sư đoàn 341 đánh chiếm các mục tiêu bên trong tỉnh lỵ. Đến 7 giờ 45 phút ta đã chiếm được dinh tỉnh trưởng Long Khánh.

Hướng nam tiểu đoàn 445 phối hợp cùng tiểu đoàn 9 trung đoàn 209 sư đoàn 7 đánh viện binh địch từ Suối Cát, làm tiêu hao nặng sinh lực 2 tiểu đoàn địch, bắt sống nhiều tù binh và giải phóng nhanh chóng ấp Bảo Toàn.

Hướng đông tỉnh lỵ Long Khánh, do địa hình khá trống trải, địch lại dùng nhiều xe tăng và đạn pháo tấn công dữ dội nên quân ta không thể triển khai đội hình theo kế hoạch.

Hướng tây có sư đoàn 6 cùng dân quân du kích đã đánh chiếm đèo Mẹ bồng con, ấp Trần Hưng Đạo, ấp Hưng Lộc.

Sau một ngày bị tấn công bất ngờ và dồn dập bởi quân giải phóng và quân dân địa phương, quân địch bị tiêu hao nặng nề, hệ thống bố phòng bị phá vỡ, quân ta đã làm chủ Ty cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, trụ sở tình báo CIA, dinh tỉnh trưởng và nhiều địa điểm khác.

Trước tình hình đó, địch lập tức điều chỉnh lực lượng và đề ra các phương án khẩn cấp như điều ngay tiểu đoàn 1 chiến đoàn 48 từ Tân Phong về, tiểu đoàn 3 chiến đoàn 48 chốt tại Tân Phong. Chiến đoàn 52 từ Túc Trưng về Kiệm Tân, tiểu đoàn 2 chiến đoàn 52 về tiếp ứng cho tỉnh lỵ Long Khánh, lập tuyến phòng thủ vững chắc trước sự tấn công của quân ta.

Ngày 10 tháng 4, tiểu đoàn 7 trung đoàn 33 cùng du kích ấp Trần Hưng Đạo tiến công và làm chủ phân khu quân sự Dầu Giây. Hướng bắc sư đoàn 341 cùng biệt động thị xã Long Khánh đánh địch ở khu vực nhà thờ, quân địch tấn công liên tục và chiếm lại ngã tư đường sắt. Hướng nam tiểu đoàn 445 đại đội 41 và K8 Xuân Lộc đánh và chia cắt địch ở Tân Phong, Suối Cát. Tại trung tâm thị xã, chiến sự cũng nổ ra vô cùng ác liệt giữa ta và địch, chúng cho kéo giãn đội hình và kết hợp dùng pháo bắn phá các mục tiêu mà ta đã chiếm được.

Ngày 11 tháng 4 địch tăng cường 1 chiến đoàn bộ binh và 3 thiết đoàn cho Xuân Lộc nhưng bị ta chặn đứng tại Hưng Lộc.

Ngày 12 tháng 4, ta làm chủ hoàn toàn ngã ba Dầu Giây và đánh bại hầu hết các đợt tấn công của địch chi viện cho thị xã.

Các mũi tiến công phía bắc và phía đông tình hình chiến sự ngày càng diễn ra ác liệt, quân ta bị tổn thất lớn về người và của do địch dùng phi pháo và máy bay ném bom tấn công vào các mục tiêu quân ta đã chiếm cũng như đánh vào phía sau đội hình của ta. Đặc biệt, vào chiều ngày 12 tháng 4 địch đã ném 2 quả bom CBU (loại bom hơi ngạt có thể giết người bằng bức xạ đốt cháy oxy) làm quân ta thương vong tới hơn 1000 người.

Chúng cũng đổ lữ đoàn 1 dù xuống chốt tại ngã ba Tân Phong, đồng thời nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã, đưa lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động quân đến chốt giữ Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động quân đến chốt ở Bàu Cá và điểm cao 122, đưa trung đoàn 8, sư đoàn 5 từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá. Các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất tập trung máy bay chiến đấu để chi viện cho các mũi phản kích ở Xuân Lộc. Như vậy, để cố thủ Xuân Lộc - Long Khánh, địch đã tập trung rất đông lực lượng bộ binh, pháo binh và hầu hết xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 - Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.

Sau 4 ngày chiến đấu liên tục, mặc dù ta đã chiếm được một số mục tiêu, đẩy lùi được nhiều đợt phản kích của địch nhưng quân ta vẫn chưa làm chủ được tình hình. Trong khi đó quân địch ngày càng điên cuồng tấn công dữ dội vào các mục tiêu của ta, gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất lớn về lực lượng. Trước tình thế đó, đồng chí Hoàng Cầm đã trực tiếp đi thị sát tình hình và chỉ đạo: Tạm thời rút lực lượng chủ lực khỏi trung tâm thị xã Long Khánh để củng cố; sử dụng lực lượng dự bị bất ngờ tấn công bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu sinh lực địch.

Rạng sáng ngày 15 tháng 4, ta chuyển hướng tiến công tập kích vào sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 6 có sự tăng cường của Trung đoàn 95B đã tiến công tiêu diệt chiến đoàn 52, 1 tiểu đoàn pháo, 1 chi đoàn thiết giáp, thu giữ nhiều vũ khí, bắt sống hàng trăm tù binh, giải phóng chi khu Kiệm Tân, cô lập hoàn toàn tỉnh lỵ Long Khánh. Du kích tự vệ khẩn trương hỗ trợ công nhân chiến đấu và nổi dậy giải phóng các cơ sở, ấp Cao su.

Ngày 19 tháng 4 quân ta đã giải phóng Suối Tre.

Ngày 20 tháng 4 tiếp tục giải phóng Cốc Rang, An Lộc cùng nhiều địa điểm khác.

Cũng trong ngày 16 tháng 4, tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang cũng bị tiêu diệt, đại quân ta từ miền Trung trên đà chiến thắng thần tốc tiến vào Nam.

 

Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân ta, địch nhận thấy không thể đủ sức giành lại Dầu Giây và bảo vệ Xuân Lộc, chúng cũng không còn hy vọng về sự cứu viện của Bộ tư lệnh quân đoàn 3 và Sài Gòn. Vì vậy, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ra lệnh rút quân khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Theo đó, vào lúc 22h ngày 20/4, lợi dụng trời mưa lớn, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Quân ta không phát hiện được ý đồ rút quân của địch, nên chỉ chặn đánh và tiêu diệt được bộ phận phía sau.

Rạng sáng ngày 21 tháng 4 năm 1975 quân ta mở đợt tiến công cuối cùng vào Xuân Lộc, nhưng toàn bộ sư đoàn 18 và tiểu khu Long Khánh đã rút chạy khỏi Xuân Lộc từ đêm hôm trước. Trên hướng liên tỉnh lộ số 2, đại đội 41 đã chặn đánh và bắt sống hàng trăm tên địch, trong đó có tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh đại tá Phạm Văn Phúc.

Như vậy, đến khoảng 8 giờ sáng ngày 21 tháng 4 năm 1975 tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Long Khánh bị sụp đổ hoàn toàn, Long Khánh hoàn toàn được giải phóng, “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn, thành trì cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa bị đập tan, mở đường cho cánh quân phía đông tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Chiến thắng Xuân Lộc không chỉ đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn mà còn làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn, làm lung lay tinh thần binh lính địch, đồng thời tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến lịch sử “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài ra, chiến thắng Xuân Lộc cũng mang lại giá trị vô cùng to lớn đó là: Chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quân và dân ta vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng và thắng lợi của chiến tranh giải phóng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; Chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần động viên, cổ vũ quân và dân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, kiên quyết tiến công tiêu diệt nhanh, gọn quân địch, giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; Chiến thắng Xuân Lộc đã dập tắt tia “hy vọng” cuối cùng của đế quốc Mỹ để cứu chính quyền Việt Nam cộng hòa.

45 năm đã trôi qua nhưng những giá trị tinh thần mà chiến thắng Xuân Lộc đem lại vẫn còn nguyên vẹn trong thời đại của chúng ta. Tiếp tục kế thừa, phát huy và lan tỏa giá trị tinh thần của chiến thắng Xuân Lộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng, phát huy những thành quả đã đạt được trong hơn 30 năm đổi mới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Trần Thủy

Tài liệu tham khảo: Địa chí Đồng Nai

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1035 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày