Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 16/04/2020, 18:45

Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020):

Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Tổng tiến công

và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

 

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết quả cuối cùng của cả một quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ, quyết chiến, quyết thắng của quân và dân trên cả hai miền Nam Bắc nhằm đánh bại từng chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đó là thắng lợi của bản lĩnh Việt Nam, văn hoá Việt Nam; thắng lợi của sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự tiên tiến vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam mà nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng; vận dụng cách đánh chiến dịch sáng tạo; kết hợp tiến công nổi dậy, phối hợp tác chiến của ba thứ quân;… là những nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

- Nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng

Trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Trị - Thiên – Huế, chiến dịch Đà Nẵng, xét về tổng thể, lực lượng ta và địch tương đương, ta chỉ có ưu thế hơn địch về đơn vị chủ lực; ở chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài gòn được xác định là thủ đô, nơi trú, đóng các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa; chúng sẽ tập trung binh lực ngoan cố chống cự quyết liệt, mặc dù tinh thần sĩ quan, binh sĩ đã hoang mang, dao động cực độ. Vì vậy, ta tập trung lực lượng mạnh, áp đảo địch…

Với nghệ thuật tạo ưu thế về lực lượng hợp lý, khoa học đã hình thành nên các binh đoàn chủ lực cơ động có sức tiến công  rất mạnh, tốc độ tiến công cao, đánh địch với ưu thế hơn hẳn và hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch với thời gian ngắn nhất.

- Vận dụng cách đánh chiến dịch sáng tạo:

Cách đánh thứ nhất: lần lượt tiêu diệt từng sư đoàn địch, đánh chiếm từng mục tiêu chiến dịch, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng toàn bộ không gian chiến dịch. Cách đánh này được vận dụng trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Trị - Thiên – Huế và chiến dịch Đà Nẵng.

Cách đánh thứ hai: đồng loạt tiêu diệt các sư đoàn địch phòng ngự vòng ngoài, đồng thời, thọc sâu đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu ở bên trong, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tập đoàn phòng ngự chiến dịch của địch, giải phóng không gian chiến dịch trong thời gian ngắn. Cách đánh này được vận dụng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đánh địch có tổ chức phòng ngự về chiến dịch nhưng trong thế đang tan vỡ về chiến lược.

- Nghệ thuật phát huy sức mạnh hiệp đồng của các quân, binh chủng

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta đã sử dụng và phát huy tốt tác chiến hiệp đồng các quân, binh chủng trên quy mô lớn, nhằm phát huy sức mạnh tác chiến của các binh đoàn chiến lược, đưa khả năng đánh tiêu diệt trên trình độ cao, tiêu diệt và đập tan từng sư đoàn, quân đoàn chủ lực địch, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng.

- Nghệ thuật kết hợp tiến công và nổi dậy, phối hợp tác chiến của ba thứ quân

Dưới sự chỉ đạo của cán bộ cơ sở, từ ngày 29-4 đến sáng 30-4-1975, đã có 107 điểm nổi dậy của nhân dân (76 điểm ở nội thành và 31 điểm ở ngoại thành). Thực tiễn chứng minh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công để làm tan rã và đánh bại toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất, có lợi nhất. Sự nổi dậy của quần chúng có tác dụng căng kéo, phân tán địch, giành dân, giành đất, mở ra thế trận tiến công mới, tạo ra thuận lợi mới, làm cho lực lượng vũ trang ta càng tăng thêm sức mạnh, có điều kiện và thời cơ tiến lên đánh tiêu diệt, giành thắng lợi lớn. Sự kết hợp đó là kết quả tất yếu của quá trình phát triển, kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự; hai phương thức tiến hành chiến tranh là chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy.

            - Nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo

            Đây là nghệ thuật chỉ đạo vận dụng linh hoạt, sáng tạo và thành công các loại hình chiến thuật như điều khiển địch, lừa địch, nhử địch vào kế của ta mà đánh; đánh địch cả trong công sự và ngoài công sự, trên các loại hình rừng núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị, đánh địch co cụm hoặc rút chạy; đánh địch trong điều kiện có chuẩn bị, hoặc chuẩn bị gấp; đánh địch trong thế chúng tổ chức phòng thủ từ xa và đánh địch trên các hải đảo; đánh các sư đoàn địch bố trí ở vòng ngoài, đánh thọc sâu bằng các binh đoàn cơ giới vào các trung tâm đầu não địch trong các thị xã, thành phố; đặc biệt là sự thành công của tác chiến hiệp đồng binh chủng đánh vào thành phố, thị xã và căn cứ quân sự lớn với các hình thức: tiến công địch trong các căn cứ, thị xã, thành phố lớn, tiến công hành tiến, vận động tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, truy kích địch trong điều kiện có thời gian chuẩn bị và không có thời gian chuẩn bị đã phát triển vượt bậc và đạt hiệu suất chiến đấu cao…

            - Nghệ thuật khuếch trương chiến quả

Trong chiến dịch Tây Nguyên, trận then chốt mở màn chiến dịch ở Buôn Ma Thuột thành công, buộc sư đoàn bộ binh 23 ngụy phải ra phản kích vào đúng nơi ta đã dự kiến, để ta đánh trận then chốt thứ hai, đẩy địch đến sự sai lầm rút bỏ Tây Nguyên, tạo thời cơ để ta đánh trận then chốt thứ ba (địch rút chạy trên đường số 7), giải phóng Tây Nguyên; tại chiến dịch Trị - Thiên – Huế, ta thắng lớn, tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Bắc đèo Hải Vân, làm cho địch ở Huế không co cụm được, địch ở Đà Nẵng kinh hoàng,… được xem như trận then chốt mở đầu chiến dịch đã tạo thời cơ để ta kịp thời đánh thắng trận then chốt quyết định ở Đà Nẵng; Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, các trận then chốt chủ yếu diễn ra vừa kế tiếp vừa song song, có thể coi trận đột phá tiêu diệt 5 sư đoàn bộ binh địch phòng ngự vòng ngoài không cho chúm co cụm về Sài Gòn đã mở đường cho các binh đoàn thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu chủ yếu trong nội đô Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Với nghệ thuật chiến dịch và chiến lược được xác định đúng ngay từ đầu và thực hành hết sức linh hoạt sáng tạo trong điều kiện thực tế tương quan lực lượng giữa ta và địch diễn biến từng ngày, ta đã thực hành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, quân và dân ta đã tiến công bằng một chiến dịch hiện đại quân binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất (tương đương 5 quân đoàn tăng cường, không kể lực lượng địa phương), kết hợp chặt chẽ với cao trào nổi dậy của quần chúng nhân dân để giải phóng một thành phố lớn có tầm cỡ quốc tế trong một thời gian kỷ lục (không đầy 5 ngày đêm).

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, là trận quyết chiến chiến lược kết thúc toàn thắng công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Sự kiện lịch sử vẻ vang này, đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta đã phát huy đến cao độ sức mạnh tổng hợp của cả nước, kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc với việc tiếp thu tinh hoa quân sự trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968 và mùa xuân 1975 / Thùy Linh chủ biên,.. sưu tầm, tuyển chọn và thực hiện. - H. : Lao động , 2012. 439 tr.

2. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ tổ quốc / Hoàng Minh Thảo. - In lần thứ 2. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. -180 tr.

3. Đại thắng mùa xuân 1975 sức mạnh của ý chí thống nhất tổ quốc và khát vọng hòa bình. - H. : Chính trị Quốc gia , 2015. - 822 tr.

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 571 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày