Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 29/04/2020, 14:40

KỶ NIỆM 105 NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI - VỊ TỔNG THAM MƯU ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm sinh năm 1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đóng vai trò quyết định trong nhiều chiến dịch quan trọng trong Chiến tranh Việt Nam như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông cũng là một trong những nhân vật chính trị cao cấp của nước ta, từng giữ chức Thứ trưỏng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội khóa VII, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, IV, V.

Thân sinh của ông là cụ Hoàng Văn Thuật, từng làm Tổng sư của tổng Đại Hoàng. Chịu ảnh hưởng từ thân phụ, từ nhỏ ông có tiếng là một học sinh chăm học, ham hiểu biết. Tốt nghiệp bằng tiểu học Pháp Việt loại ưu, tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 13 tuổi, ông đã phải bỏ học đi làm thuê rồi đi cắt tóc. Năm 15 tuổi, chứng kiến cuộc nổi dậy của nhân dân Tiền Hải hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bắt đầu chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào cách mạng. Năm 18 tuổi, ông đi làm thợ mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh). Một thời gian sau, ông đến làm thợ tại mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Tại đây, ông được những người bạn phu mỏ giới thiệu tuyên truyền về chủ nghĩa Cách mạng. Do tham gia các hoạt động bãi công và chống lại sự bóc lột của chủ mỏ, ông bị đuổi việc và trở về quê hương vào năm 1936.

Bấy giờ, phong trào Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương đang phát triển rộng khắp. Lấy danh nghĩa mở lớp dạy âm nhạc, ông tập hợp các thanh niên tham gia hoạt động đoàn thể. Chỉ sau vài tháng số học viên trong làng phát triển nhanh. Hội tương tế lên tới 170 hội viên do ông Lương Thúy làm Hội trưởng, Hoàng Văn Xiêm làm Thư ký. Qua các hoạt động đó, ông cùng các bạn bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu bắt lính, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Do những hoạt động tích cực của mình, ông được chú ý và được giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trong tháng 3 năm 1938.

Tháng 4/1938, chính phủ Mặt trận bình dân (Pháp) đổ. Chính quyền thực dân Pháp đàn áp phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Những người hoạt động trong phong trào đều bị truy bắt hoặc phải rút vào hoạt động bí mật, trong đó có cả Hoàng Văn Xiêm. Tháng 9 năm 1940, do bị chỉ điểm, ông bị bọn thực dân Pháp bắt giải về phủ Kiến Xương giam giữ. Lợi dụng việc bảo lãnh tại ngoại chờ ngày xét xử, ông được tổ chức bố trí bí mật thoát ly khỏi địa phương, rút về hoạt động ở vùng Hiệp Hòa, Lạng Giang (Bắc Giang). Khi về đây, ông được bố trí tham dự lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày và được các ông Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh giảng về chính trị. Tháng 3/1941, ông được cử lên Bắc Sơn (Lạng Sơn) để tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn. Tháng 4/1941, ông được phân công làm chỉ huy một tiểu đội du kích Bắc Sơn.

Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, được thành lập. Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Để tăng cường đội ngũ cán bộ chỉ huy, tháng 9/1941, ông lấy bí danh là Quốc Bình cùng với các ông Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được tổ chức cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu, Trung Quốc. Thời gian học tập ở trường, ông được cử làm trưởng đoàn học viên Việt Nam tại đây. Cuối năm 1943, ông đã trực tiếp được gặp Bác Hồ, bấy giờ mới vừa được Tưởng Giới Thạch trả lại tự do. Cuối tháng 9/1944, Bác trở về Việt Nam, sau đó một tháng, Hoàng Văn Xiêm cũng về nước với bí danh mới: Hoàng Văn Thái.

Khi đó, các lãnh đạo Việt Minh quyết định thành lập một lực lượng vũ trang được tổ chức chặt chẽ và hiệu quả hơn. Một chỉ thị thành lập đã hình thành đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, với 34 đội viên là các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hoặc đội viên được chọn lọc từ các đơn vị Cứu quốc quân và các đội du kích đơn lẻ khác của Việt Minh mà Hoàng Văn Thái là một trong số đó. Tại buổi lễ thành lập ngày 22/12/1944, ông là người cầm lá cờ mà sau này trở thành Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 3/1945, ông chỉ huy nhóm đội viên hơn 100 người, tiến về xây dựng cơ sở ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Bấy giờ, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, lực lượng Pháp đồn trú tại đây bị tan rã và tìm cách đào thoát sang hướng Trung Quốc. Các cán bộ Việt Minh, với sự giúp đỡ của các đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đã nhanh chóng xây dựng chính quyền mới, tổ chức huấn luyện quân sự. Sau đó, ông nhận được lệnh của ông Võ Nguyên Giáp bàn giao địa bàn cho các cán bộ Việt Minh địa phương và tiếp tục đưa các đội viên chuyển xuống Chợ Chu (Tuyên Quang), hỗ trợ các cán bộ Việt Minh tổ chức chính quyền mới cấp xã, huyện, đồng thời huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ chiến đấu và các cán bộ đoàn thể.

Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự miền Bắc quyết định sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam Giải phóng quân, đồng thời cho thành lập Trường Quân chính kháng Nhật. Ngày 15/5/1945, Việt Nam Giải phóng quân ra mắt dân chúng tại Chợ Chu. Đến tháng 6/1945, trường Quân chính kháng Nhật được thành lập tại Tân Trào, ông được phân công làm hiệu trưởng, phụ trách công tác đào tạo cán bộ quân sự cho lực lượng vũ trang của Việt Nam Giải phóng quân, đặt nền móng hệ thống đào tạo cán bộ quân sự Việt Nam sau này.

Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó Đại tướng Hoàng Văn Thái là vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm khi ông mới 30 tuổi. Là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên, ông tập trung công sức xây dựng hệ thống tham mưu các cấp từ Tổng hành dinh đến các đơn vị chủ lực, địa phương. Ngay khi mới vừa thành lập, ông đã bắt tay vào việc đối phó với cuộc gây hấn quân sự của Pháp ở Nam bộ ngày 23/9/1945. Ông chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lực lượng chiến đấu, điều động cán bộ chỉ huy từ miền Bắc vào để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam chống cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Tiếp theo đó ông đã giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội từ ngày 19/12/1946 theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tướng Hoàng Văn Thái là ủy viên Trung ương Đảng khóa 3, khóa 5. Sau giải phóng miền Nam, ông được phong hàm Đại tướng năm 1980, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - độc trách chỉ đạo tổng kết chiến tranh, chỉ đạo công tác nhà trường quân đội và công tác tổ chức cán bộ. Trong lúc đang còn biết bao công việc quốc gia đại sự củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội chính quy hiện đại... Đại tướng Hoàng Văn Thái đã đột ngột từ trần vào sáng ngày 2/7/1986 sau một cơn đau tim, thọ 71 tuổi, để lại sự nghiệp với cuộc đời hơn 50 năm binh nghiệp vẻ vang cùng với nhiều tác phẩm nghệ thuật quân sự Việt Nam - trong đó có cuốn sách hồi ký Những năm tháng quyết định được ấn hành năm 1985 - một tác phẩm quân sự lớn về đề tài chiến tranh cách mạng.

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Đại tướng Hoàng Văn Thái, là dịp để chúng ta tôn vinh, ghi nhận những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, một trong những tướng lĩnh xuất sắc và tiêu biểu của quân đội ta trong thế kỷ XX.

         Tài liệu tham khảo

         12 vị Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam / Phạm Hùng. Nxb Đồng Nai.2011

 

Yên Yên

 

 

 


Số lượt người xem: 507 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày