Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 05/05/2020, 15:30

KỶ NIỆM 45 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (30/4/1975 – 30/4/2020) CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc. Chiến dịch Hồ Chí Minh được hình thành và triển khai trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975.

Chuẩn bị chiến dịch

Ngày 8/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy: Phạm Hùng, các Phó tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện. Ngày 12/4, bổ sung thêm Trung tướng Lê Trọng Tấn Phó tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa - Phó chính ủy.

Ngày 9 đến 20/4/1975, chiến dịch Xuân Lộc, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch tiến công thị xã Xuân Lộc, khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu), tiêu diệt lực lượng địch phòng giữ ở phía đông Sài Gòn tạo thuận lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng địch có Sư đoàn bộ binh 18 (Quân đoàn 3), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp, 9 tiểu đoàn bảo an, được máy bay, pháo binh chi viện hỏa lực. Trong quá trình chiến đấu được tăng viện Lữ đoàn dù 1, Trung đoàn bộ binh 8 (Sư đoàn 5), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp. Lực lượng ta tham chiến gồm Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9), Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7), 1 trung đoàn tăng thiết giáp, 1 trung đoàn pháo binh, cuối chiến dịch được tăng cường trung đoàn 95 (Sư đoàn bộ binh 325) và 1 đại đội xe tăng. Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Khu ủy Khu 7 trực tiếp chỉ huy chiến dịch.

Mở màn chiến dịch (ngày 9 tháng 4), ta đồng loạt đột phá Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh nhưng không thành công. Ở ngã ba Dầu Giây, Sư đoàn 6 tập kích chiếm 5 chốt của địch làm chủ đường 1A (đoạn Hưng Nghĩa - đèo Mẹ Bồng Con). Sáng ngày 10/4, ta tiếp tục đột phá Xuân Lộc, chiếm sân bay, đánh Lữ đoàn dù số 1 vừa đổ quân xuống Tân Phong. Theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu trên hướng Xuân Lộc, nắm chắc quá trình phát triển tiến công trên hướng khác, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch thay đổi cách đánh, chuyển đội hình tiến công sang bao vây Xuân Lộc và đánh viện. Trong các ngày từ 15 đến 17 tháng 4, ta lập kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở ngã ba Dầu Giây, đánh lui các đợt phản kích của địch từ Biên Hòa đến. Bị thiệt hại nặng, ngày 18 tháng 4, địch phải bỏ thị xã Xuân Lộc tháo chạy. Trong chiến dịch này, ta đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, uy hiếp tuyến phòng thủ của địch ở Biên Hòa - Hố Nai.

 Ngày 15 đến 20/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho các quân đoàn và lực lượng vũ trang địa phương:

        Hướng tây bắc Sài Gòn: Quân đoàn 3 do Thiếu tướng Vũ Lăng (Tư lệnh), Đại tá Đặng Vũ Hiệp (Chính ủy) chỉ huy. Hướng bắc và đông bắc Sài Gòn: Quân đoàn 1 do Thiếu tướng Nguyễn Hòa (Tư lệnh), Thiếu tướng Hoàng Minh Thi (Chính ủy) chỉ huy. Hướng đông và đông nam Sài Gòn: Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng cầm (Tư lệnh), Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (Chính ủy) chỉ huy ; Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An (Tư lệnh), Thiếu tướng Lê Linh (Chính ủy) chỉ huy. Hướng tây và tây nam Sài Gòn: Đoàn 232 do Trung tướng Lê Đức Anh (Tư lệnh), Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (Chính ủy) chỉ huy cùng lực lượng vũ trang Quân khu 8 có nhiệm vụ cắt đường số 4, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy.

Ngày 23/4/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 66/QP-QĐ giao Tổng cục Kỹ thuật tiếp quản căn cứ Cam Ranh để tổ chức thành căn cứ liên hợp bảo đảm kỹ thuật và hậu cần khu vực trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật.

Ngày 24/4/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 70/QP-QĐ thành lập Trung đoàn ô tô vận tải cơ động 526 trực thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, làm nhiệm vụ vận chuyển quân sự phục vụ chiến đấu.

Ngày 26 đến ngày 30/4 Chiến Dịch Hồ Chí Minh

Lực lượng địch có Quân đoàn 3 (4 sư đoàn bộ binh 22, 25, 5 và 18), 3 liên đoàn biệt động quân, sư đoàn thủy quân lục chiến, 3 lữ dù, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 19 tiểu đoàn pháo, hơn 800 máy bay, 862 tàu hải quân, tàn quân các quân đoàn 1, 2 và lực lượng dự bị chiến lược, các đơn vị cảnh sát và phòng vệ dân sự trên địa bàn Quân khu 3. Địch tổ chức phòng thủ Sài Gòn bằng 3 tuyến: Tuyến ngoài cách Sài Gòn 30 - 50km do 5 sư đoàn, 2 lữ đoàn đóng giữ. Tuyến ven đô (Hóc Môn, cầu Bông, Vĩnh Trạch...) do biệt động quân và bảo an, dân vệ đóng giữ. Tuyến nội đô do lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự, các lực lượng bảo vệ căn cứ, các lực lượng thuộc Biệt khu Thủ đô đảm nhiệm.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch, bộ đội chủ lực có các quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) với 15 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn, 4 tiểu đoàn và một số đại đội đặc công, biệt động, 3 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh, các đơn vị binh chủng khác, một bộ phận không quân, hải quân. Lực lượng vũ trang địa phương có 2 trung đoàn và nhiều tiểu đoàn, đại đội bộ binh, 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động với 60 tổ, dân quân tự vệ và nhân dân trong địa bàn chiến dịch.

Cách đánh của ta là chia cắt chiến lược, bao vây chặn, diệt chủ lực ở tuyến ngoài, tổ chức binh đoàn binh chủng hợp thành tiến sâu vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu chiến lược then chốt là: Bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia, dinh Độc Lập, trong đó có dinh Độc Lập là hợp điểm chiến dịch, kết hợp với nổi dậy của nhân dân giành chính quyền ở cơ sở. Hướng chủ yếu bắc và tây bắc, đặc biệt là tây bắc. Hướng hiểm yếu và quan trọng đông và đông nam.

Sau các chiến dịch và đợt chiến đấu tạo thế (bắt đầu từ ngày 9/4 đến 26/4/1975), ta bao vây áp sát Sài Gòn trên năm hướng: Hướng bắc là Quân đoàn 1, tây bắc là Quân đoàn 3, đông là Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2, tây nam là Đoàn 232, nam là chủ lực Quân khu 8. 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh Bắt đầu.

Ở hướng đông và đông nam, từ ngày 26 đến 28 tháng 4, ta chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài, đập tan sự chống cự của các sư đoàn địch. Trên hướng khác, ta tiêu diệt các lực lượng địch ngăn chặn, chiếm lĩnh các địa bàn quan trọng. Chiều ngày 28 tháng 4, Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn mất hiệu lực chỉ huy. Địch rối loạn về chiến lược. Ngày 29, ta tổng công kích trên toàn mặt trận, tiêu diệt các lực lượng địch ngăn chặn chiếm tuyến ven đô. Sáng 30, ta thọc sâu vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu kế hoạch. 11giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta chiếm và cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cùng với đòn tiến công quân sự, nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Nắm vững thời cơ chiến lược, ngày 1/5, quân và dân Khu 8, Khu 9 tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại cùa địch ở đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Kết quả của chiến dịch

Quân ta tiêu diệt và làm tan ra khoảng 250.000 tên địch, gồm 7 sự đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn dù, kỵ binh thiết giáp, pháp binh, 4 sư đoàn không quân… Thu 500 khẩu pháp, trên 400 xe tăng, xe bọc thép, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 3.000 xe quân sự, 270.000 khẩu súng các loại; đập tan hệ thống chính quyền Sài Gòn từ trung ương tới cơ sở, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định và các tinh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu... tạo điều kiện cho các Quân khu 8 và 9 giải phóng đồng bằng sông Cửu Long, các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình về sự đoàn kết, chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh. Chiến dịch thể hiện sự chỉ đạo chỉ huy thống nhất của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

10 Trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam / Đặng Việt Thủy. Nxb Hồng Đức. 2018

                                                                                                                              

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Yên Yên

 

 

 


Số lượt người xem: 751 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày