Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 05/05/2020, 15:45

KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH GIÁO SƯ CAO XUÂN HUY (28/5/1900 – 28/5/2020)

Nhắc tới Cao Xuân Huy, nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội tại các Viện, các trường Đại học hiện nay, đều tưởng nhớ tới ông với một niềm mến mộ, cảm phục sâu sắc. Cả cuộc đời Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983) hết lòng theo đuổi sự nghiệp rèn luyện và dạy dỗ con người, đào tạo cho xã hội những nhà khoa học chững chạc, những cán bộ nghiên cứu giảng dạy xuất sắc. Ông cũng là người vinh dự được Nhà nước ta truy tặng đợt đầu giải thưởng cao quí nhất dành cho một nhà khoa học - Giải thưởng Hồ Chí Minh(1996) - do những cống hiến xuất sắc của ông trong hoạt động khoa học và giáo dục đào tạo.

Giáo sư Cao Xuân Huy sinh ngày 28 tháng 5 năm 1900, tại làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đinh khoa bảng, giàu truyền thống hiếu học của xứ Nghệ, ông nội là Cử nhân Cao Xuân Dục (1842-1923), Thượng thư bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán. Cha ông là Phó bảng Cao Xuân Tiếu (1865-1939) cũng nối chí cha làm quan đến Thượng thư kiêm Tổng tài Quốc sử quán Nam triều, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ân (1880-1955), con một nhà nho người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưa, Nghệ An. Cả ông nội và cha ông đều là những người có công lớn trong việc trước tác sách sử và thành lập các thư viện: một cho nhà nước như Thư viện của Quốc sử quán và một cho gia đình là Long Cương thư viện. Với những mối quan hệ đó, Cao Xuân Huy dễ dàng tiếp cận với các thư khố lớn và quý giá nhất của đất nước thuở bấy giờ, đặt nền móng cho vốn học vấn uyên bác của ông.

Mới khoảng 6, 7 tuổi, Cao Xuân Huy đã theo học chữ Hán dưới sự rèn luyện và dạy dỗ của bố và ông nội. Đến năm 15 tuổi (1915), ông đi thi Hương, nhưng không đỗ vì phạm trường quy (làm hộ bài người khác). Năm 18 tuổi (1918), ông lại vào Huế dự thi Hương, nhưng giữa đường bỏ dở và quay trở lại xứ Nghệ.

            Năm 1922, Cao Xuân Huy đỗ Thành chung tại Huế, sau đó theo học Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Năm 1925 ông tốt nghiệp trường này và được phân bổ về dạy trường Quốc học Huế. Năm sau, 1926, ông gia nhập Đảng cách mạng Tân Việt lại Huế. 1927-1928: Cao Xuân Huy bị bắt và bị đày di Lao Bảo, sau đó bị giải về Nghệ An.

Từ 1929 đến 1945, ông ra tù sống lận đận, vất vả, phải đi làm công cho nhà in Đắc Lập ở Huế rồi đi dạy tư ở nhiều nơi: Biên Hoà, Sài Gòn, Huế. Đó là những năm tháng ông đi vào học thuật, tích luỹ để trở thành một nhà giáo, một nhà triết học uyên thâm.

Đến cuối năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, ông mới thực sự bước chân lên bục giảng đại học khi được mời làm Giáo sư chính thức của Trường Đại học Việt Nam. Nhưng rồi không được bao lâu vì tình hình chiến cuộc, Giáo sư  Cao Xuân Huy trở về quê ở Diễn Châu làm Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Xuân Ôn, đến năm 1949 sang giảng dạy tại Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Đô Lương. Cũng vào năm 1949, Bộ Giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định mở lớp Đại học Văn khoa đầu tiên ở vùng tự do Liên khu IV và Giáo sư Cao Xuân Huy được mời làm Giáo sư triết học. Vốn kiến thức ông tích luỹ suốt những năm tuổi trẻ đến lúc này mới thực sự được phát huy.

Năm 1951, Giáo sư Cao Xuân Huy chuyển sang Trường dự bị Đại học Việt Nam tại Thanh Hoá, từ đó môi trường hoạt động khoa học của ông được mở rộng. Sau hoà bình lập lại một thời gian, từ năm 1957 Giáo sư Cao Xuân Huy giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp, rồi ở Trường Đại học Sư phạm. Chủ yếu ông giảng các môn triết học, logic học, tâm lý học, Pháp ngữ và một phần bộ môn giáo dục. Ông đã để lại trong các thế hệ học trò những ấn tượng sâu sắc về một phong cách tư duy triết học, truyền thụ cho họ những cơ sở triết học đầu tiên để mang theo trong hành trang suốt cuộc đời khoa học của mình.

            Năm 1959, Ông chuyển về công tác tại Viện Văn học và dù thời gian này không còn thuộc Trường Đại học, Giáo sư Cao Xuân Huy vẫn tiếp tục tham gia dạy chữ Hán, dạy triết học và nhiều vấn đề về văn học cổ Phương Đông cho các khoá 1960-1970 của Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và lớp Hán ngữ năm 1961-1963 của Viện Văn học. Trong thời gian đó, ông được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1960.

Từ năm 1965 đến năm 1968 ông là Giáo sư chính của lớp Đại học Hán học do Viện Văn học mở. Đây là lớp Đại học Hán học đầu tiên ở nước ta. Sau đó từ năm 1968 đến năm 1972 ông còn dạy lớp Bổ túc Hán học nâng cao và trong kỳ thi tốt nghiệp của khoá này (1972) ông được cử làm Chánh chủ khảo. Khi chuyển sang làm Uỷ viên Ban Hán Nôm của Ủy ban Khoa học xã hội, Giáo sư Cao Xuân Huy tiếp tục được giao trách nhiệm đào tạo lớp chuyên tu Hán Nôm trên Đại học. Vào các năm 1973, 1974, 1975 Giáo sư Cao Xuân Huy còn được thỉnh giảng liên tục tại các khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm và tại Trường Đại học Y dược khoa, Viện nghiên cứu Đông y…Ngày 22 tháng 10 năm 1983, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 84 tuổi.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Cao Xuân Huy, là dịp để chúng ta tưởng nhớ công lao của nhà giáo dục, nhà triết học, nhà nghiên cứu văn học, vị sư biểu của nền Hán học Việt Nam. Có thể nói trong suốt 50 năm từ 1925 đến 1975 Giáo sư Cao Xuân Huy liên tục đứng trên bục giảng nhà trường, mà quá nửa là giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học. Đó là một quá trình cống hiến rất đáng khâm phục và trân trọng. Một Giáo sư đại học mẫu mực xét trên các phương diện tư chất con người, trình độ kiến thức và phương pháp giảng dạy. Những người thầy như ông đã để lại cho thế hệ các thầy, các cô đang đứng trên bục giảng bậc Đại học hôm nay tấm gương tận tụy vì sinh viên, vì tương lai.

Tài liệu tham khảo

Giáo sư Cao Xuân Huy Người thầy – Nhà tư tưởng / Vũ Thanh giới thiệu và biên soạn. Nxb Văn hóa Thông tin, 2001.

 

                                                                                                Yên Yên

 

 

 


Số lượt người xem: 675 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày