Đối với toàn thể dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã chiến đấu kiên cường vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình, Bác Hồ là vị chỉ huy cao nhất và gần gũi nhất đem lại tin tưởng cho chiến sĩ và đồng bào. Đối với mỗi gia đình Việt Nam, Bác là một thành viên, thân thiết như cha với con. Đối với người Việt Nam, Bác là một ngôi sao sáng luôn thấu hiểu từ trong mọi ý nghĩ và nguyện vọng của họ.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước tại Nam Đàn Nghệ An – vùng đất hiếu học, gần gũi với nhân dân. Thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan, một phụ nữ giàu đức hy sinh, có nếp sống giản dị, thanh cao… Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Người là một nhà nho cấp tiến, có lòng yêu nước thương dân sâu sắc đặc biệt tư tưởng thương dân, chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho mọi cải cách chính trị xã hội của cụ Nguyễn Sinh Sắc và tấm gương tận tụy, yêu lao động… của bà Hoàng Thị Loan đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với nhân cách của Người.
Hồ Chí Minh luôn mang trong mình dòng máu của dân tộc. Từ lúc thiếu thời cho đến khi về cõi vĩnh hằng Người luôn coi Tổ quốc, đồng bào là trên hết, là lẽ sống của đời mình, mục đích của Người là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”. Cũng chính vì lẽ đó mà Người đã bôn ba ra nước ngoài để tìm ra con đường chân lý đưa dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của bọn phong kiến và thực dân bằng con đường cách mạng thông qua việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ Chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam cho hành động, kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930 và sự lãnh đạo của Đảng chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Từ một nước bị ngoại bang xâm lược, một dân tộc bị mất quyền sống, quyền làm người, lịch sử Việt Nam đã sang trang mới, thay da đổi thịt hoàn sinh đến nay đã 75 năm. Với 90 năm chiến đấu và trưởng thành của Đảng và toàn dân, chúng ta càng thấm thía công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng như những con người thật sự vĩ đại khác, Hồ Chí Minh không bao giờ cho mình là bậc vĩ nhân. Người chỉ ôm ấp một ham muốn, một ước nguyện, một đạo lý làm người: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cùng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học bành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa... không dính líu gì với vòng danh lợi”. Mácta Rôhát - Chủ nhiệm báo Granma - Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đã nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có một tâm hồn vĩ đại một con người nặng lòng yêu nước thương nòi và sự tận tụy hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Ham muốn của Bác Hồ đã thành hiện thực đất nước độc lập vào ngày 2-9-1945. Ngày 30-4-1975, Miền nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, nhân dân Việt Nam thật sự sống trong hoà bình, tự do. Với hiện thực này, nhà sử học Nhật Bản Sai To Gnen đã viết: Vấn đề dân tộc không còn là một khái niệm suông của phong trào cách mạng nữa, mà đã mang lại một sức sống mới, sức mạnh đấu tranh của bản thân mình như Lênin đã dự đoán về khả năng thắng lợi của các dân tộc yếu, bị áp bức đối với một kẻ địch mạnh và những kỳ tích của họ. Hồ Chí Minh cuối cùng đã thực hiện được những khả năng và kỳ tích ấy, và đã đặt việc giải phóng dân tộc vào quỹ đạo lịch sử chứ không phải chuyện thần thoại. Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã mang tới hệ tư tưởng và hành động cho giải phóng dân tộc. Mọi thắng lợi của đất nước trong những thập kỷ qua cũng như mỗi đổi thay trong từng con người Việt Nam: từ bát cơm, manh áo, quyền sống, quyền làm chủ của mỗi người dân; từ độc lập tự do và vị trí của nước ta trên trường quốc tế ngày nay đều gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Bác Hồ, làm rạng rỡ thêm trang sử vàng son của dân tộc.
Bản thân Người đã làm đúng như điều ước nguyện là làm một nhà sàn nho nhỏ, có vườn cây, ao cá. Nhà sàn Bác tại Phủ Chủ tịch đã đi vào huyền thoại, bởi vì nơi đó thể hiện nguyện vọng của Người, mà nguyện vọng đó làm cho Bác Hồ gắn bó sâu sắc và toàn tâm toàn ý vì nước, vì dân, vì nhân loại khổ đau mà không có cái gì là của riêng mình. Đứng trước ngôi nhà sàn đó, mỗi người chúng ta đều thấy rất rõ kế sách từ ngàn xưa mà nay Bác Hồ đã làm được là: Lập kế lâu dài trước là cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, sau là cho nhân dân được giàu mạnh. Nhà báo Berset đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng trong nhân dân thì không có ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một con người mà toàn bộ tâm huyết và cuộc đời gắn bó với vận mệnh dân tộc, với thân phận mỗi con người, bởi thế con người ấy, từ tên gọi cũng mang hình ảnh dân tộc: Nguyễn Ái Quốc. Ái Quốc là yêu nước. Mà nước là gì? Nước là dân. Vậy Ái Quốc có nghĩa là yêu dân”; Cho đến ngày sinh của Người cũng gắn liền với lịch sử dân tộc: ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, đó là Mặt trận:
“Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền...
Rồi ra sự nghiệp hoàn thành,
Rõ tên Nam Việt rạng danh Lạc Hồng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho Tổ quốc mình, cho một thời đại, vì Người là biểu tượng của thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa. Và một sự nghiệp, sự nghiệp cao cả nhất đưa đến tự do và hạnh phúc cho con người, mà vì sự nghiệp đó, Người luôn đấu tranh để biến cuộc sống thành sức mạnh. Nhân dân Việt Nam và bè bạn thế giới thường gọi rất thân thiết, rất trìu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ. Người đã để lại cho dân tộc những giá trị vĩnh hằng để chúng ta học tập: Học tập tinh thần phấn đấu không ngừng của Người cho sự nghiệp chính nghĩa. Suốt đời Người đấu tranh để giải phóng cho dân tộc. Vì mục tiêu này, Người đã phải bôn ba khắp bốn phương trời để tìm chân lý, tìm con đường cứu nước, cứu dân; Học tập phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là tình yêu thương đồng bào. Người có tình cảm vô cùng ấm áp đối với nhân dân Việt Nam và đối với nhân dân lao động trên toàn thế giới, Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hy sinh trọn đời mình cho đất nước. Người cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị giữ mối liên hệ thân mật không khoảng cách với quần chúng. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân. Suốt đời Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp “cần, kiệm, liêm, chính” và “chí công vô tư”. Đồng thời, Người luôn lấy tám chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân. Trong suốt cuộc đời mình, Người làm việc cần cù, học tập không mệt mỏi, chiếc máy chữ nhỏ chính là trợ thủ trung thực của Người. Những việc có thể làm được, Người không để người khác giúp, vì thế số nhân viên công tác ở bên Người có thể đếm trên đầu ngón tay. Điều đặc biệt cảm động là khi Người từ trần, Người vẫn mặc bộ quần áo kaki bạc màu và một đôi giày vải.
Trong suốt hơn 60 năm của một cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió, Bác Hồ giành được sự kính trọng và yêu mến rộng rãi, bởi chính Người là hiện thân của những phẩm chất, đạo đức cao đẹp. Khi đã làm chủ cuộc đời mình, đã có lý tưởng sống, hiểu mình, hiểu đời, Người chủ động, thảnh thơi không bao giờ bối rối trước những tình huống phức tạp và những hoàn cảnh éo le. Bác là một con người trọn vẹn, cả cuộc đời trong sáng tuyệt vời vì đất nước, vì dân tộc, một con người, một lẽ sống, một tấm gương của cả một dân tộc là như thế.
Thời đại cần những con người như thế, thế kỷ, dân tộc cũng cần sản sinh những con người như thế, con người của hôm nay và của cả ngày mai. Chúng ta, thế hệ con cháu Bác Hồ đã được Người dẫn dắt đi trong thế kỷ qua để thực hiện nghĩa lớn của truyền thống dân tộc: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Các thế hệ Việt Nam nối tiếp nhau sẽ mãi mãi truyền cho lớp con cháu mình tình cảm kính yêu đối với Bác.
Hồng Hạnh