Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
Tôi may mắn là một người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Đồng Nai có nhiều thành tựu đáng tự hào, và ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Nam bộ. Nơi đây đã được ghi dấu nhiều trong những áng thơ, văn về người và đất mà tôi đã được đọc từ Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai của Hội văn học nghệ thuật Đồng Nai. Nam bộ là vùng đất phát triển sau này của Tổ quốc, là nơi ghi dấu những bước chân cuối cùng trong hành trình tiến về phương Nam của những di dân tiên phong từ ba, bốn trăm năm trước…Trong tiến trình mở cõi ấy, những người Việt đã làm nên sự nghiệp to lớn trên miền đất mới Nam bộ sau này, làm cho bản đồ địa lý – văn hóa trở nên hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi nói về Nam bộ chính là nói tới những con người phương Nam mang tâm hồn bình dị, tính cách bộc trực, thẳng thắn, hào phóng, giàu đạo nghĩa và lòng yêu nước nồng nàn. Đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhân dân miền Nam đã đứng lên quyết chiến với quân xâm lược với tinh thần quật khởi trên mảnh đất “Thành đồng tổ quốc”. Những anh hùng đó có những người vừa là anh hùng lực lượng vũ trang vừa là nhà thơ, nhà văn… mà tên tuổi của họ đã sống mãi trong lòng người dân nước Việt. Liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân. Ngày 5/6/2020 là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của anh, cũng nhân kỷ niệm tròn 45 năm ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975-30/4/2020 nhắc nhở con cháu chúng ta noi theo những tấm gương anh hùng bất khuất chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và dâng hiến trọn cả tấm lòng cho non sông thể hiện qua các tác phẩm: Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội, Gửi miền Bắc,... được độc giả yêu mến. Bài thơ cuối cùng của ông sáng tác năm 1968: Dáng đứng Việt Nam được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về người lính Quân đội Nhân dân Việt nam.
Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến sinh ngày 5/6/1940 tại thị xã Bến Tre, quê ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha ông là giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học. Xuất thân trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu văn học nghệ thuật, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về sáng tạo thi ca. Các thành viên trong gia đình ông cũng đều là những nhà giáo, nghệ sĩ được biết tới. Anh trai ông là nhạc sĩ Ca Lê Thuần, em gái là nữ đạo diễn Ca Lê Hồng nguyên hiệu trưởng trường Nghệ thuật Sân khấu II thành phố Hồ Chí Minh, em trai là họa sĩ Ca Lê Thắng. Ông sớm tiếp xúc với văn thơ từ nhỏ, năm 12 tuổi bắt đầu vừa học văn hóa, vừa học việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam bộ trong chiến khu. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam, Trường phổ thông trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội), rồi vào học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ đầu tiên ra mắt bạn đọc. Nhớ mưa quê hương với dòng cảm xúc thương nhớ da diết miền Nam, đã chiếm được cảm tình của độc giả và đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ năm 1960 của tạp chí Văn nghệ. Bài thơ đã thực sự khích lệ ông tự tin hơn để dấn thân vào nghiệp thi ca.

Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Sử và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng ông từ chối để trở về quê hương chiến đấu. Cuối năm 1964, ông vượt Trường Sơn vào miền Nam, làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Trong thời gian này, ông bắt đầu sử dụng bút danh Lê Anh Xuân. Năm 1966, ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài làm thơ, ông còn viết cả văn xuôi. Những chiến thắng và khí thế tiến công của chiến dịch xuân Mậu Thân (1968) đã dội vào thơ ông những âm hưởng hùng tráng: Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng. Dựng lại hình ảnh của những anh hùng, Lê Anh Xuân thường có ý thức phát hiện và khái quát những phẩm chất cao đẹp của dân tộc. Bài thơ Dáng đứng Việt Nam được viết trong cảm hứng ấy và cũng là tác phẩm cuối cùng mà anh đã để lại cho chúng ta.
Những năm tháng vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tác ông làm việc ở Tiểu ban Giáo dục, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng. Đây là thời kỳ ông thực sự cọ sát với hiện thực cuộc chiến tranh đầy cam go quyết liệt, nhưng cũng đầy khí phách anh dũng hào hùng của dân tộc, nên tính tư tưởng trong thơ ông được nâng lên một tầm cao mới. Thơ ông giai đoạn này, không còn là những ưu tư hoài niệm trữ tình lãng mạn như thời “Nhớ mưa quê hương” nữa, mà đã hằn sâu dấu ấn một hiện thực khốc liệt hơn của cuộc chiến với sự sống và cái chết của những người lính trận chỉ trong gang tấc. “Trở về quê nội” lần này lòng ông quặn đau khi tận mắt chứng kiến: “Làng ta mấy lần bom giội nát/ Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre”.
Lê Anh Xuân tham gia đợt 2 Tổng công kích Mậu Thân cùng một số văn nghệ sĩ khác. Trên đường tiến vào Sài Gòn, ngày 21-5-1968, đến ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ông hy sinh trong một trận càn của giặc Mỹ. Ngày 24/5/1968 ông đã hy sinh tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, khi vừa tròn 28 tuổi đời. Sự nghiệp sáng tác văn thơ của ông tuy không nhiều về số lượng tác phẩm, nhưng đã để lại cho độc giả bao thế hệ nhiều ấn tượng với những sáng tác mang đậm tính nhân văn sâu sắc về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam rất kiên cường, anh dũng trong cuộc chiến khốc liệt, đầy đau thương hy sinh mất mát dù đã lùi vào quá khứ 45 năm qua. Trong đó, bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” như một tượng đài bi tráng được tạc bằng ngôn ngữ thi ca trong thế kỷ 20.
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Lê Anh Xuân đã sáng tác khá nhiều bài thơ chủ yếu thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, đặc biệt là vùng quê Bến Tre của mình với những tác phẩm tiêu biểu: Tiếng gà gáy (Thơ, 1965); Không có đâu như ở miền Nam (thơ, in chung, 1968); Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968); Hoa dừa (thơ, 1971); Thơ Lê Anh Xuân (tuyển thơ, 1981); Giữ đất (tập văn xuôi, 1966). Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhiều nhà lý luận phê bình văn học nhận xét, ông là người ghi chép lại lịch sử bằng thơ. Đó là lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được ông phản ánh qua những câu thơ thật sinh động “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Khoảnh khắc hy sinh của người chiến sĩ Giải phóng quân không tên: “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ” ấy thật bi tráng, nó đã tạc vào thế kỷ một “dáng đứng Việt Nam” “như bức thành đồng”. “Anh tên gì hỡi Anh yêu quý/ Anh vẫn lặng im như bức thành đồng/ Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị sáng trong/ Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước”.
Hồng Hạnh