Ngày 8/8/1967 tại Băng Cốc (Thái Lan) đã thành lập Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (viết tắt tiếng Anh là ASEAN) lúc đó có 5 nước thành viên là Thái Lan, Inđonexia, Philippin Xingapo và Malayxia. Ngày 28/7/1995, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được kéo lên tại Thủ đô Bandar Seri Begawan, đã diễn ra lễ trọng thể kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức của ASEAN. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên, bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Ngay từ khi mới ra đời, trong cương lĩnh của Đảng ta, vấn đề đoàn kết quốc tế được coi là điều kiện quan trọng cho thắng lợi của cuộc cách mạng Việt Nam. Đường lối mở rộng quan hệ Việt Nam – ASEAN trong thời kỳ đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam chính là sự tiếp nối truyền thống luôn coi trọng và giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, đặc biệt là đối với các nước Đông Nam Á trong điều kiện mới.
Mục tiêu của ASEAN là nhằm tạo điều kiện hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường và bảo vệ hoà bình khu vực, bảo đảm khu vực Đông Nam Á trở thành một khu vực thực sự hoà bình, tự do và trung lập.
Quan điểm của ASEAN đối với Việt Nam giai đoạn 1967 - 1986
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong lúc thế giới đang diễn ra cuộc chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương đang trong thời kỳ ác liệt. ASEAN chịu sự tác động mạnh mẽ của mâu thuẫn Xô – mỹ và mâu thuẫn giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Do vậy, vấn đề quan tâm hàng đầu của ASEAN trong thời kỳ này là sự hợp tác về chính trị và an ninh để ứng phó với những biến động của thời cuộc.
Những năm đầu của thế kỷ 70, tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến quan trọng: sự phát triển mạnh mẽ của cuộc các mạng khoa học công nghệ đã tác động sâu sắc tới sự phát triển của các quốc gia về kinh tế lẫn tư duy. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, các nước lớn điều chỉnh chiến lược của mình, ưu tiên phát triển kinh tế. Những sự việc trên đã tác động một cách tích cực đến chính sách đối ngoại của các nước ASEAN, biểu hiện ở việc ASEAN cố gắng bình thường hóa quan hệ với các nước. Họ bày tỏ thái độ hoan nghênh trước sự kiện Hiệp định Pari được ký kết và trong năm 1973 – 1974. ASEAN đã mời Việt Nam cử quan sát viên đến dự Hội Nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN.
Chiến thắng năm 1975 của Việt Nam làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan hệ các nước ASEAN – Việt Nam trong thời kỳ này có những quan điểm khác nhau. Những nước như Inđônêxia, Malaysia chủ trương tăng cường quan hệ với Việt Nam và Đông Dương, đẩy mạnh hợp tác giữa hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương, đặc biệt là tạo điều kiện để Việt Nam ngàv càng gắn bó hơn với ASEAN, tách dần ra khỏi ảnh hưởng của những nước lớn. Trong khi đó Philippin, Xingapo và Thái Lan tỏ ra lo ngại lập trường của các nước Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam trong quan hệ với họ chưa thật sự thoát ra khỏi mặc cảm của quá khứ. Nói chung ở thời kỳ này, các nước Đông Nam Á đều có chung một nguyện vọng là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển để tăng cường sức mạnh khu vực.
Từ cuối năm 1978, tình hình quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN lại diễn biến hết sức phức tạp. Việc Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ngày 03/11/1978 và việc Việt Nam giúp Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia lật đổ chế độ Pônpốt khiến các nước ASEAN lo ngại. Xuất phát từ những lý do này, cùng với việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam khiến cho quan hệ giữa các nước ASEAN với Việt Nam trở nên căng thẳng.
Về phía Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của tổ chức ASEAN đối với khu vực cũng như đối với Việt Nam . Đây chính là cơ sở cho việc xác định quan điểm, chủ trương của Đảng ta trong quan hệ Việt Nam - ASEAN.
Quan điểm chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta với khu vực và ASEAN từ năm 1967 đến 1986
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của công tác đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt tinh thần đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình giành độc lập dân tộc. Quan điểm trên của Đảng ta phù hợp với nguyện vọng của các nước ASEAN về việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, cùng tồn tại trong hòa bình. Ở giai đoạn này, Việt Nam đã kiên trì đấu tranh ngoại giao nhằm tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, tỏ rõ thiện chí của ta muốn góp phần xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. Từ tháng 1 năm 1980 đến tháng 8 năm 1986, tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Dương, Việt Nam đã đưa ra các đề nghị nhằm chủ động cải thiện quan hệ giữa Đông Dương với ASEAN, kêu gọi các nước ASEAN tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết những bất đồng giữa hai bên nhưng không thành.
Việt Nam gia nhập ASEAN
Trước năm 1986 quan hệ giữa Việt Nam ASEAN diễn biến phức tạp. Từ năm 1986, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nhà nước ta đã tiến hành nhiều biện pháp, tạo điều kiện cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại. Nổi bật là tuyên bố của Tổng bí thư Đảng ta Nguyễn Văn Linh tại Thành phố Hồ Chí Minh (1/1989) về việc Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN và Việt Nam tuyên bố tại Hội Nghị không chính thức về Campuchia JIM 2 (2/1989) về việc sẵn sàng tham gia Hiệp ước Bali của ASEAN. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao đầu những năm 90, các nhà lãnh đạo ASEAN đều bày tỏ sự ủng hộ nước ta tham gia Hiệp ước và ngày 28/1/1992 Hội nghị cấp cao ASEAN lần IV tại Singapo đã chính thức tuyên bố sự ủng hộ này. Việt Nam đã hoan nghênh lập trường trên của các nước ASEAN và ngày 22/7/1992, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 25 (AMM25) ở Manila, Việt Nam (cùng với Lào) đã ký văn kiện tham gia Hiệp ước Bali, mở đầu cho thời kỳ chính thức lập quan hệ với tổ chức ASEAN.
Với tư cách quan sát viên, Việt Nam đã thúc đẩy, quan hệ đa phương với cả tổ chức ASEAN. Từ đầu năm 1994, Việt Nam đã tham dự với tư cách quan sát viên các cuộc họp, của sáu Uỷ ban hợp tác chuyên ngành ASEAN là Khoa học - công nghệ, Môi trường, Văn hóa - thông tin, Phát triển xã hội, Phòng chống ma tuý và Các vấn đề công vụ. Việt Nam cũng tham gia vào 5 dự án cụ thể trong các lĩnh vực thủ công nghiệp, du lịch, phòng chống ma tuý. ASEAN đã mời Việt Nam tham dự với tư cách quan sát viên nhiều cuộc họp ở các cấp khác nhau như Hội nghị thường niên Ngoại trưởng ASEAN Hội nghị Bộ trưởng kinh tế, môi trường, các Tổng cục trưởng Hải quan, uỷ ban Thường trực ASEAN... để làm quen dần với cơ chế hoạt động của tổ chức này.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 27 ở Băng Cốc (7/1994), các nước ASEAN đã nhất trí tuyên bố sẵn sàng chấp nhận Việt Nam là thành viên của ASEAN. Sau một loạt các cuộc tham khảo ý kiến và thảo luận giữa Việt Nam và ASEAN, được sự chuẩn y của Nhà nước và chính phủ Việt Nam, ngày 17/10/1994, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta đã gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao Brunây, Chủ tịch đương nhiệm ủy ban Thường trực ASEAN chính thức đặt vấn đề Việt Nam mong muốn trở thành thành viên đầy đủ của Hiệp hội. ASEAN đã hoan nghênh quyết định quan trọng này của Việt Nạm. Ngày 12/1/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Brunây đã gửi thư cho Nhà nước ta thông báo lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN sẽ được tiến hành trong dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM28) tại Brunây tháng 7/1995.
Ngày 28/7/1995, lễ kết nạp trọng thể đã diễn ra tại Cung Hội nghị quốc tế Brunây, một ngày trước khi AMM28 chính thức khai mạc và Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhân kỷ niệm nước ta gia nhập tổ chức ASEAN, là dịp để chúng ta nhìn lại những bước thăng trầm của quan hệ Việt Nam với các quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á. 25 năm qua, Việt Nam tích cực hòa nhập vào cơ cấu và hoạt động của tổ chức này, góp phần tăng cường đoàn kết, hợp tác, nâng cao vị thế quốc tế của tổ chức ASEAN.
Tài liệu tham khảo
Tiến trình hội nhập Việt Nam - ASEAN/ Đinh Xuân Lý. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
Những ngày kỷ niệm và lịch sử / Nguyễn Thế Huân chủ biên, Đàm Chu Văn, Trần Quang Toại, Lê Đình Tương. Nxb Đồng Nai, 2000.
Yên Yên