Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 14/07/2020, 14:45

Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950-15/7/2020)

Cách đây tròn 70 năm (15/7/1950), Lực lượng Thanh niên xung phong Việt  Nam được Trung ương Đảng và Chính phủ thành lập theo chủ trương của Bác Hồ kính yêu, nhằm đáp ứng tình hình thực tế của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước đó, vào đầu năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng, đòi hỏi huy động lực lượng dân công phục vụ và đảm nhận những công việc quan trọng như mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí. Thực tế cho thấy không phải việc gì bộ đội cũng có đủ lực lượng tham gia mà phải huy động nhân dân, dân công hỏa tuyến… Tuy vậy, những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi phải có lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, có tổ chức quản lý và lãnh đạo chặt chẽ mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề. Do đó, ý kiến của Bác về việc thành lập một lực lượng thanh niên xung phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ nhất trí thành lập.

Vào đúng ngày thành lập, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là “Đội Thanh niên xung phong công tác” cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Gồm 03 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng.

Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương gồm có 20 Liên phân đội với  gần 3.000 cán bộ, đội viên (tháng 2/1953) đã phối hợp với các đơn vị Thanh niên xung phong địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch từ Thu Đông 1950 đến Thượng Lào 6/1953.

Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”, tháng 3/1954, Đoàn xung phong bổ sung thêm lực lượng biên chế thành 05 đội với trên 18.000 cán bộ, đội viên.

Ngày 26/3/1953, Đội Thanh niên xung phong kiểu mẫu được thành lập. Tháng 12/1953, hai đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương và Đội Thanh niên xung phong kiểu mẫu hợp nhất, thành lập. Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương do đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác làm Đoàn trưởng.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị mở chiến dịch Điện Biên Phủ. 18.500 cán bộ, hội viên công tác làm nhiệm vụ vận tải lương thực vũ khí, đảm bảo giao thông suốt các tuyến đường trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài… 1000 quả bom được rà phá; 8000 thanh niên xung phong chuyển sang bổ sung cho quân đội; 100 cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh; mở hàng chục kim đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường. Kết thúc chiến dịch, lực lượng Thanh niên xung phong đã được Bác Hồ tặng cờ thi đua; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Cũng trong kháng chiến chống Pháp, gần 5 vạn cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng nhưng đã có gần 200 cán bộ, đội viên đã anh dũng hy sinh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, đã có trên 28 vạn nam nữ thanh niên tình nguyện tham gia Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tại miền Bắc tập trung với trên 14 vạn cán bộ, chiến sĩ; mở 102 con đường chiến lược với 4.130 km tổng chiều dài; vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực; trực chiến chốt giữ 3000 trọng điểm chiến lược giao thông; phục phụ 1000 trận đánh; bổ sung 16.000 người sang quân đội; 15.000 người được kết nạp vào Đảng khi làm nhiệm vụ; có 52 Dũng sĩ diệt Mỹ và 1.432 Dũng sĩ Quyết thắng trên các chiến trường.

Trên chiến trường miền Nam, với tinh thần “Năm xung phong”, đã có 641 trận đánh được phục phụ; 1.135 km hầm hào được đào; xây dựng 8 bệnh viện; 272 kho quân dụng; vận chuyển 23.117 tấn hàng; 9.538 thương binh và 18.000 bộ đội được đưa qua sông; 2.077 thương binh được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bên cạnh việc tham chiến trên các mặt trận miền Bắc, miền Nam, Thanh niên xung phong còn tham gia chiến tranh Biên giới bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Cả nước có trên 5 vạn nam nữ Thanh niên xung phong tiếp bước cha anh lên đường phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đó, gần 13.000 Thanh niên xung phong tham gia phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (5/1975-8/1988); trên 36.000 Thanh niên xung phong phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979-12/1988).

Trong giai đoạn xây dựng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) và phát triển kinh tế - xã hội, Thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN ở miền Bắc (1955-1964). Với nhiệm vụ thu dọn chiến trường; mở đường chiến lược và khai thông mở, đóng Nậm Na; tiếp quản thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng; khôi phục các tuyến đường sắt; tham gia xây dựng các công trình công nghiệp… Bước vào giai đoạn xây dựng XHCN ở miền Bắc (1958-1964), Đoàn Thanh niên tiếp tục thành lập các đội Thanh niên xung phong xây dựng XHCN, đảm nhận xây dựng các công trình kinh tế lấy tên là Công trình thanh niên… Các công trình thanh niên gồm có 34 dự án Làng thanh niên lập nghiệp và Khu kinh tế Thanh niên xung phong; 10 dự án phát triển thủy sản ở các xã nghèo; 6 đảo Thanh niên được xây dựng; 395 cầu xây dựng thí điểm; 1.000 cầu nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu long; có 3.000 hộ gia đình trẻ đến lập nghiệp và nhiều cây trồng vật nuôi.

Trong 70 năm qua, đã có trên 65 vạn nam, nữ thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động, sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới đã có gần 39 vạn Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có 6.735 người đã hy sinh, gần 6.460 liệt sĩ; 40.451 người bị thương (trên 36.153 thương binh); trên 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; 51.000 thanh niên xung phong tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Với những thành tích và sự cống hiến, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, năm 2010; Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1978; Huân chương Hồ Chí Minh, năm 1997; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, năm 1997; 43 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; 40 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động; nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong được tặng thưởng Huân, Huy chương và các danh hiệu thi đua cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong, nhằm tri ân, tưởng nhớ và tự hào với những cống hiến của lực lượng Thanh niên xung phong cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, khơi dậy truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, bồi dưỡng lý lưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, sẵn sàng phấn đấu, vươn lên đạt được những ước mơ, hoài bão, góp phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả XHCN Việt Nam mà cha ông ta đã dày công gìn giữ và vun đắp.

Tài liệu tham khảo:

Bác Hồ với cựu chiến binh và thanh niên xung phong Việt Nam / Tạ Hữu Yên, Nguyễn Văn Đệ, Hoài Phương, Văn Tùng. -Thanh niên, 2009.-190 tr.

Không có việc gì khó : Những kỷ niệm về Lực lượng Thanh niên Xung phong thời chống Pháp và giai đoạn đầu xây dựng miền Bắc XHCN. -Tp. HCM. : Trẻ, 2001. -281 tr.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 465 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày