Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 29/07/2020, 14:00

Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2020)

Hàng năm cứ mỗi độ mùa thu Tháng Tám trở về, người dân Việt Nam lại xốn xang với những cung bậc cảm xúc yêu thương và rất đỗi tự hào khi nhớ về ngày tháng lịch sử 19-8-1945.  Mùa thu năm ấy, cả dân tộc Việt Nam muôn người như một. Với ý chí căm thù giặc sâu sắc, đã nhất tề đứng lên chống lại thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cách mạng Tháng tám là một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước ta, đã lật đổ chế độ thực dân, đế quốc hàng trăm năm,  xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, dành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nước Việt Nam lên một vị trí mới, một tầm vóc mới, một thế đứng mới.

Sau khi hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tình hình trong nước và thế giới có sự chuyển hóa mới: Nhật vào Đông Dương. Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ bảy tháng 11-1940 ra nghị quyết nhận định: Việc Pháp đầu hàng Nhật, nước ta rơi vào tình cảnh “một cổ đôi tròng”  vừa bị đế quốc Pháp đàn áp, vừa bị phát xít Nhật hành hạ, vì vậy kẻ thù của nhân dân Đông Dương lúc này là đế quốc Pháp và phát xít Nhật.

Ngày 8-2-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, ở hang Cốc Bó, thôn Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Với tư cách đại diện Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập Hội nghị Trung ương tám (5-1941) trực tiếp đặt vấn đề khởi nghĩa trong toàn quốc và quyết định thành lập mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội).

Tháng 2-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp ra nghị quyết, nhận định “Kẻ thù số một của các dân tộc Đông Dương lúc này không phải là tất cả chủ nghĩa đế quốc mà chỉ là đế quốc-phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật -Pháp”. Hội nghị chỉ rõ toàn bộ công tác của Đảng trong lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 3-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp (mở rộng) ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nếu như trước đó Trung ương Đảng xác định kẻ thù chính là Pháp-Nhật, rồi Nhật-Pháp xâm lược thì trong chỉ thị này, xác định “Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương”. Khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật-Pháp” được thay bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”.

Tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất lực lượng vũ trang, cướp kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói, đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc, mở đường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, phát động chiến tranh du kích ở những nơi có điều kiện, giải phóng tầng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng.

Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đến lúc này, trên cả nước đã hình thành 7 chiến khu khá rộng lớn (4 ở Bắc bộ, 2 ở Trung bộ, 1 ở Nam bộ). Phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở nhiều vùng thuộc thượng du và trung du. Các lực lượng vũ trang cách mạng đã phối hợp với quần chúng giải phóng được một loạt xã, châu, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cuộc khởi nghĩa cũng đã diễn ra ở một số vùng thuộc Bắc Giang, Quảng Ngãi. Các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Sơn La, Nghĩa Lộ, Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột…cũng nắm thời cơ vượt ngục về tiếp sức cho phong trào.

Ngày 9-5-1945, phát xít Đức phải đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và chỉ sau 1 tuần đã tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật, đẩy phát xít Nhật vào thế thất bại không thể tránh khỏi. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc

Ngày 16 và 17-8-1945, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập tại Tân trào, nhất trí với chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng “Kịp thời lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương tước vũ khí Nhật, ta đứng ở địa vị làm chủ đất nước mình mà đón tiếp quân Đồng Minh”. Đại hội Quốc dân đã cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và Đại hội Quốc dân, nhân dân cả nước ta triệu người như một đã nhất tề vùng lên giành độc lập tự do. Sau Đại hội Quốc dân Tân Trào hai ngày, ngày 19-8-1945, nhân dân Hà Nội sôi sục khí thế cách mạng vùng lên khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 23-8-1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25-8-1945, thắng lợi ở Sài Gòn. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng Tám cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn trong phạm vi cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thực sự thuộc về nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh khổng lồ hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời!

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Mùa thu Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng nhất suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. 75 năm đã trôi qua, tinh thần cách mạng tháng Tám đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Dòng chảy ấy sẽ còn chảy mãi từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau. Tự hào về mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp nối hào khí, tiếp bước con đường vinh quang của cách mạng tháng Tám, bằng ý chí và trí tuệ Việt Nam, nhân dân ta đã làm nên những thành tựu to lớn, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.

Để Phát huy tinh thần đó Thư viện tỉnh Đồng Nai luôn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lần thứ XVI của Đảng đã đề ra và thực hiện tốt chuyên đề “Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đó cũng là món quà quý giá có ý nghĩa nhất để kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mùa thu Tháng Tám năm 2020.

Mai Mai

 

 

 


Số lượt người xem: 501 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày