Ngay từ khi giặc Pháp đặt chân lên đất Gia Định (1859) nhân dân Nam kỳ đã anh dũng vùng lên đánh quân xâm lược. Trong những ngày kháng chiến đầu tiên đó, đồng bào miền Nam đã tỏ rõ xứng đáng với truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta.
Phong trào đấu tranh của nhân dân nam kỳ dấy lên quy mô mạnh mẽ với lá cờ “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định đã mở đầu những trang sử vẻ vang chống thực dân xâm lược Pháp của toàn thể dân tộc ta.
Trong công cuộc đấu tranh anh dũng và gian lao đó, Trương Định đã được người đời biết đến không chỉ là một nhà chỉ huy sắc sảo, thông binh thư, giỏi võ nghệ, mà còn biết trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ. Ông được nhân dân và binh sĩ tôn kính và suy tôn là Trung Thiên tướng quân hay Bình Tây Đại Nguyên Soái – vị anh hùng của dân tộc.
Lúc sinh thời, cảm kích trước một vị tướng quân tài ba và nhân nghĩa trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết:
“Trong Nam tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn…”
Đó là những vần thơ mà ông đã dành tặng cho vị tướng quân tài ba và nhân nghĩa Trương Định. Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định (1820-2020), xin được nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của ông như một lời tri ân đến vị tiền bối, có công lớn đối với sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trương Định hay Trương Công Định, Trương Đăng Định, ông là một võ quan nhà Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859-1864. Ông sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.
Sinh ra tại một vùng quê nghèo, ngay từ tuổi ấu thơ, Trương Định đã bộc lộ là một cậu bé thông minh hơn người, hiếu động, đam mê võ nghệ. Tuổi thơ ông lớn lên trong hoàn cảnh xã hội phong kiến Việt Nam đang bế tắc, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra khắp cả Nam – Trung – Bắc, Trương Định đã sớm ý thức được tình yêu thương quê hương đất nước, và xác định hướng đi cho mình là đánh đuổi được bọn giặc ngoại xâm, giữ gìn bình yên cho quê hương, cho đất nước.
Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Sau khi cha mất, ông chọn Tân An làm nơi lập nghiệp. Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông, Tiền Giang ngày nay).
Năm 1848, ông bắt đầu chiêu mộ những nông dân lưu tán quanh vùng, bắt tay khai hoang lập ấp. Sống trong vùng đất mới tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, vốn có sẵn trong mình dòng máu võ nghệ, Trương Định đã xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo, lựa chọn một số thanh niên trai tráng vừa đi tiên phong khai khẩn đất hoang, vừa tranh thủ luyện tập võ nghệ.
Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang phát triển kinh tế vùng đất phương Nam của triều đình nhà Nguyễn, năm 1953, Trương Định đứng ra lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công) và được triều đình phong chức Phó quản cơ, rồi Quản cơ, hàm chánh lục phẩm. Từ đây, nhân dân trong vùng đã tìm thấy vị “chủ tướng” và thường gọi ông với tên thân mật Quản Định.
Tháng 2 năm 1859, quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem nghĩa binh của mình gồm những nông dân đồn điền lên đóng ở Thuận Kiều (Gia Định) quyết chiến và từng đánh thắng đối phương ở Cây Mai, Thị Nghè... Với uy tín và tài thao lược của Trương Định, nhân dân ủng hộ và theo ông rất đông (1861). Dưới trướng của ông quy tụ nhiều nhân tài như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt… Thanh thế và lực lượng của Trương Định vì thế mà phát triển rất nhanh, lúc ấy đã có hơn 6000 người đóng tại đồn Tân Hòa – Gò Công, tại đây, ông đã chia lực lượng ra làm 6 cơ, tranh thủ huấn luyện và sẵn sàng lâm trận. Từ đó, tiếng tăm của Trương Định nhanh chóng lan xa và dội về kinh thành Huế. Triều đình đã phong cho ông chức Phó lãnh binh Gia Định, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi, gây cho quân Pháp nhiều phen khốn đốn.
Đêm 23/2/1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai với quy mô lớn vào đại đồn Chí Hòa. Phó lãnh binh Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ và ngăn chặn bước tiến của địch. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đặc biệt là về hỏa lực nên Đại đồn Chí Hòa bị thất thủ và rơi vào tay quân Pháp. Trước tình thế, ông đã cho tướng quân lui về Gò Công củng cố, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường. Ở đây, Trương Định củng cố lại lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
Cuối năm 1861, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng quân Trương Định, nghĩa quân tiếp tục tổ chức nhiều trận đánh và một trong số đó là trận Cần Giuộc – trận làm nức lòng nhân dân trong vùng. Cảm phục trước tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của nghĩa quân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng lưu danh muôn đời.
Tháng 3/1862, Trương Định được vua Tự Đức cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định. Ngày 9/5/1862 (Nhâm Tuất), triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp. Theo đó, vua quan nhà Nguyễn đã yêu cầu Trương Định bãi binh và điều ông về làm lãnh binh Phú Yên. Vốn là một người tôn quân, lúc đầu ông định tuân lệnh vua, nhưng vì nhân dân và nghĩa quân tha thiết giữ người chủ tướng của mình ở lại, khi ấy trong các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa những người ứng nghĩa rủ nhau đoàn kết, tôn Trương Định làm Đại đầu mục, xin cho ra đánh, nên Trương Định đã không tuân lệnh triều đình mà quyết định ở lại tiếp tục kháng chiến. Trên thực tế, ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào và rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.
Với nhãn quan nhìn xa trông rộng, ông đã cho xây dựng Gò Công thành căn cứ kháng chiến lâu dài chống Pháp. Cuối năm 1862 đến đầu năm 1863, Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Hơn hai năm đứng chân tại căn cứ mới Phước Lộc, Trương Định tiếp tục cho củng cố lực lượng, bổ sung quân lương liên tiếp tổ chức nhiều trận tiến công quân Pháp ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông, vùng ven Sài Gòn…
Đêm 20/8/1864, trong lúc Trương Định đưa 25.000 nghĩa binh đi chuẩn bị cho một kế hoạch tiến công mới ở làng Tân Phước thì bị tên việt gian Huỳnh Công Tấn (Đội Tấn) phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Một trận chiến không cân sức đã diễn ra. Trương Định vừa tổ chức đánh trả, vừa tìm mọi cách mở đường máu để rút ra, song ông bị trúng đạn trọng thương. Để bảo toàn khí tiết, ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào rạng sáng ngày 21 tháng 8 năm 1864.
Hay tin Trương Định tuẫn tiết, vua Tự Đức sai truy tặng ông phẩm hàm. Năm 1871, lại cho lập đền thờ ông tại Tư Cung (Quảng Ngãi).
Thương tiếc người anh hùng, nhân dân đã mang thi hài ông về an tán rất trọng thể và xây dựng đền thờ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia ngày 6 tháng 12 năm 1989. 1995, tượng đài Trương Định được xây dựng tại thị xã Gò Công, Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra tại đây các ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch hàng năm và trở thành ngày hội của nhân dân trong vùng.
Trương Định xứng đáng được nhân dân tôn yêu và kính trọng, trước sự mất còn của Tổ quốc, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, ông đã không để cho hai chữ trung quân ràng buộc, khước từ trước mọi dụ dỗ, mua chuộc của kẻ thù, trước sau một lòng, một dạ đứng về phía nhân dân, cùng với nhân dân chiến đấu, kiên quyết chống lại sự nhu nhược đầu hàng giặc của triều đình nhà Nguyễn.
Ôn lại cuộc kháng chiến chống Pháp đầu tiên của nhân dân Nam kỳ, của người anh hùng Trương Định, chúng ta càng thêm tự hào về dân tộc Việt Nam đã sinh ra người anh hùng dân tộc, một dân tộc có truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất, càng có thêm động lực phấn đấu cống hiến trí, sức của mình cho sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định / Tô Minh Trung, Nguyễn Xuân Huy. - H. : Quân đội nhân dân, 1965. -88 tr.
2. Đám lá tối trời : Truyện dã sử về cuộc khởi nghĩa của Trương Định / Nguyễn Đạt. - Tp. HCM. : Nxb.Tp. HCM, 1993. -295 tr.
Đinh Nhài