Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 28/08/2020, 14:50

Kỷ niệm 90 năm phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2020)

Cao trào 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - viết Nghệ Tĩnh, là sự vùng dậy đầu tiên của quần chúng công nông sau khi Đảng ra đời. Nó thức tỉnh toàn thể nhân dân Việt Nam đi vào con đường chủ nghĩa cộng sản để giành lại độc lập cho dân tộc.

Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ tháng 5/1930. Ngày 1/5/1930 lần đầu tiên công nông và dân chúng Đông dương dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện rõ sự đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên toàn dân tộc, đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, các cuộc mít tinh, bãi công, biểu tình,… Các cuộc đấu tranh của công nhân đã tiên tục nổ ra trong các xí nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Gai, Cẩm Phả, Vinh - Bến Thủy, Sài Gòn - Chợ Lớn,…

Đặc biệt, Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh quyết liệt, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Mở đầu là cuộc biểu tình diễn ra trong ngày 1/5/1930, công nhân Nhà máy diêm, Nhà máy cưa Bến Thủy cùng hàng ngàn nông dân các vùng lân cận ở thị xã Vinh phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, thi hành luật lao động, chống khủng bố chính trị. Đế quốc Pháp cho binh lính xả súng vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và bắt đi hơn 100 người. Mặc dù bị địch khủng bố, nhưng các cán bộ, đảng viên vẫn ở lại cùng nhân dân đưa xác những người hy sinh về làng mai táng và dìu dắt những người bị thương về nhà cứu chữa.

Trong khi đó tại huyện Thanh Chương, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và Ban chấp hành nông hội đỏ, 3000 nông dân các làng Hạnh Lâm, Yên Lạc, Ma Lạc, Đức Nhuận…đồng loạt biểu tình phá đồn điền Ký Viễn cắm cờ búa liềm, tịch thu ruộng đất chia cho nông dân. Cùng ngày hôm đó, 100 học sinh tiểu học ở huyện Thanh Chương tập trung nghe đại biểu của Đảng giải thích về ý nghĩa ngày quốc tế lao động (1/5). Sau đó đồng loạt diễu hành qua huyện lỵ, hô vang khẩu hiệu đấu tranh.

Những ngày tiếp theo, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy bùng nổ cuộc tổng bãi công. Nhiều cuộc đấu tranh quy mô lớn của nông dân ở nông thôn Nghệ An và Hà Tĩnh, dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ. Ngày 10/5, chi bộ Đảng và Công hội nhà máy diêm vận động 500 công nhân đến gặp chủ nhà máy đưa yêu sách đòi ngày làm 8 giờ, thi hành luật bảo hiểm lao động. Chủ nhà máy gọi cảnh sát đến giải tán. Công nhân bỏ nhà máy kéo về làng Yên Dũng mít tinh phản đối và tuyên bố bãi công. Ngày 12/5, 360 công nhân nhà máy cưa SIFA; 400 công nhân bốc vác ở cảng Bến Thủy cũng đình công và với nông dân làng Yên Dũng biểu tình phản đối chính sách khủng bố của thực dân Pháp, đòi thả những người bị bắt, bồi thường cho gia đình những người bị bắn chết trong cuộc biểu tình.

Phong trào biểu tình từ Nghệ An lan sang Hà Tĩnh, đầu tiên là huyện Can Lộc, trung tâm lãnh đạo của tỉnh ủy Hà Tĩnh. Phong trào đình công của công nhân và phong trào biểu tình của nông dân phối hợp thúc đẩy lẫn nhau. Các cuộc bãi công, biểu tình đã lôi cuốn đông đảo quần chúng thuộc nhiều tầng lớp xã hội tham gia.

Đỉnh cao là cuộc đấu tranh bạo động của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Cuộc bãi công của công dân Vinh - Bến Thủy và làn sóng biểu tình của nông dân khắp các làng xã làm rung động toàn bộ bộ máy cai trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều ở Nghệ Tĩnh. Các cơ quan đầu não ở Vinh - Bến Thủy chìm ngập trong biển lửa đấu tranh của công nhân các nhà máy và bị vây chặt giữa vành đai biểu tình của nông dân các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ.

Trước tình hình đó, các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Lần đầu tiên nhân dân thực sự nắm chính quyền ở địa phương. Chính quyền cách mạng đã kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, phá bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến, tự tổ chức và quản lý xã hội mới. Về chính trị, Xô viết tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia các tổ chức chính trị như Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng, Hội cứu tề đỏ, Hội tán trợ cách mạng… và phát huy cao độ nhiệt tình cách mạng, vai trò làm chủ nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Xô viết. Về  kinh tế, bãi bỏ các thứ thuế đế quốc, phong kiến đặt ra và bắt hào lý phải trả lại cho dân các khoản thu gian lận trong các vụ thuế trước, đồng thời tịch thu các loại ruộng đất công, tiền, lúa công đem chia cho dân. Về văn hóa xã hội, quan tâm đến việc tổ chức cho nhân dân học chữ quốc ngữ. Với tinh thần người biết chữ dạy cho người còn mù chữ, người biết chữ đã hăng hái tham gia dạy học, kể cả cán bộ lãnh đạo và những cán bộ ở nơi khác đến công tác trong địa phương. Đồng thời tích cực vận động nhân dân bài trừ triệt để hủ tục mê tín dị đoan. Xô viết tuyệt đối nghiêm cấm tệ nạn nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, đánh bạc, trộm cắp…

Những việc làm trên của Xô viết đã làm tăng thêm lòng tin tưởng của nhân dân lao động đối với Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt nam, nhân dân lao động bị đế quốc, phong kiến áp bức và khinh rẻ, đã bước lên vũ đài chính trị với tư thế người làm chủ xã hội. Nhân dân được sống hạnh phúc dưới chế độ mới.

Trước bão táp cách mạng dồn dập khắp Nghệ Tĩnh, chúng thẳng tay khủng bố dã man phong trào cách mạng. Thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều ráo riết cưỡng bức dân cày ra đầu thú giữa lúc nạn đói đang diễn ra gay gắt ở Nghệ Tĩnh. Để giải quyết đời sống cho nhân dân và duy trì phong trào cách mạng, các cấp đảng bộ đã kịp thời phát động phong trào cứu đói. Trong 5 tháng cuối năm 1930, cả Nghệ Tĩnh có 593 cuộc đấu tranh, 5 tháng đầu năm 1931 lên tới 643 cuộc. Từ giữa năm 1931 phong trào tạm lắng xuống và cuộc đấu tranh chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn gây dựng lại các cơ sở tổ chức Đảng và quần chúng để khôi phục lại phong trào.

Xô - viết Nghệ Tĩnh không những là một sự kiện lớn trong bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn là một sự kiện vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, từ sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại. Sự ra đời của Xô - viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng Việt Nam đã đánh bại và đẩy lùi các xu hướng cách mạng quốc gia tiểu tư sản, giành toàn thắng cho đường lối cách mạng vô sản, đưa cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do của dân tộc ta dứt khoát đi vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới. Là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của quần chúng công nông nước ta sau khi có Đảng, Xô - viết Nghệ Tĩnh đã bước đầu góp phần khẳng định và làm phong phú thêm nhiều vấn đề cơ bản trong đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng ta. Đã để lại cho cách mạng Việt Nam những kinh nghiệm bước đầu quý báu.

 

Yên Yên

 

 

 


Số lượt người xem: 520 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày