Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được thành lập ngày 18-11-1930. Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam - một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra rầm rộ khắp cả nước, ngày 18 -11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Sự ra đời của Mặt trận gắn liền với sự ra đời của Đảng và ngay từ đầu đã định ra được những vấn đề cơ bản về chủ trương, chính sách, phương pháp để tổ chức và xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất rất đúng đắn và sáng tạo. Mặt trận ra đời đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, đã giúp quần chúng đấu tranh giành được những quyền lợi thiết thực như tăng lương, giảm giờ làm, hoãn thuế, giảm thuế... Phong trào Phản đế đã ăn sâu vào các tầng lớp quần chúng công nông và tiểu tư sản, xây dựng được khối liên minh công nông chặt chẽ, mở đầu trang sử vẻ vang của mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đảng kịp thời xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939 chủ trương tiếp tục tạm gác khẩu hiệu ruộng đất và quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương nhằm tập hợp lực lượng chống đế quốc và tay sai, lôi kéo những phần tử tiến bộ trong giai cấp địa chủ.
Nhận rõ sự biến chuyển của tình thế, chủ tịch Hồ chí Minh đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tháng 5- 1941 xác định cách mạng Việt Nam lúc này là cách mạng dân tộc giải phóng. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Đây là thời kỳ chính sách Mặt trận được đề ra cụ thể và được áp dụng sinh động và có kinh nghiệm phong phú nhất. Nhờ chính sách Mặt trận đúng đắn, phong trào lan rộng, cơ sở Mặt trận được tổ chức khá mạnh mẽ từ nông thôn đến thành thị. Khi thời cơ đến, Việt Minh đã ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đứng trước tình thế vô cùng hiểm nguy, Đảng ta chỉ rõ cần phải có những hình thức và biện pháp về tổ chức để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh để giữ vững chính quyền non trẻ. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1946 Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Hội Liên Việt được thành lập đã thu hút thêm nhiều tầng lớp nhân dân kể cả một số nhân sĩ, địa chủ yêu nước, một số người trong các tôn giáo, dân tộc thiểu số vì lẽ này, lẽ khác còn đứng ngoài Việt Minh. Đến ngày 3-3-1951, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên Việt.
Sau Hiệp định Giơnevơ, hai miền Nam Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau song đều có nhiệm vụ chung là chống Mỹ cứu nước. Ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Để mặt trận không ngừng phát huy vai trò của mình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi và chỉ đạo công tác Mặt trận. Tại lớp huấn luyện cán bộ Mặt trận (8-1962), chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng. Các cán bộ, đảng viên ta cần nắm vững và chấp hành đúng nghị quyết của Đại hội Đảng và nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn về Mặt trận Dân tộc Thống nhất” .
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời với bản Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.
Ngày 20-1-1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp để đoàn kết và tranh thủ một số người ở thành thị, mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước.
Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu nhân dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời và hội đồng cố vấn. Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ, từ đây mặt trận trở thành vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng. Mặt trận không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Sau khi thống nhất nước nhà, ngày 31-1-1977, Đại hội mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất ba tổ chức Mặt trận lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua chương trình chính trị và Điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để cùng nhau phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa và tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Quá trình lịch sử ấy khẳng định Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam là vũ khí chính trị không thể thiếu được để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dành lại độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mặt trận Dân tộc Thống nhất không ngừng được củng cố và mở rộng còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, cũng cố giữa liên minh và giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 90 năm cũng là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, để chúng ta tự hào và tin tưởng hơn về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để phát huy truyền thống vẻ vang đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công dân Việt Nam nêu cao lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết nhân nghĩa, tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, ra sức làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Mai Linh