Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 19/11/2020, 21:00

Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/2020)

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, tháng 11 năm 1940 nhân dân Nam Kỳ đã nhất tề nổi dậy đánh vào hệ thống chính trị của đế quốc Pháp và bọn tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của địch và nắm chính quyền ở một số vùng nông thôn Nam Kỳ. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc nổi dậy kế tục và phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng có rất nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, chứa đựng những bài học kinh nghiệm, có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta. Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện lịch sử như vậy, cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng “Thành đồng Tổ quốc”.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Ở Ðông Dương, thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, chĩa mũi nhọn vào Ðảng Cộng sản. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng diễn ra từ ngày 6 đến 8-11-1939, tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh) đã xác định: Trong hoàn cảnh mới, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Nghị quyết của Hội nghị được phổ biến tới các địa phương, như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước.

Từ tháng 7 đến tháng 10-1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo các tầng lớp nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ðến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cùng với việc kéo quân vào Bắc bộ, thừa cơ hội quân Pháp bối rối, tháng 11 năm 1940, phát xít Nhật ra lệnh cho bọn quân phiệt Thái Lan tiến hành đánh Cămpuchia. Thực dân Pháp vội vã bắt lính người Khơme và người Việt đưa sang Cămpuchia làm bia đỡ đạn cho chúng. Anh em binh lính hết sức bất bình. Ở Nam kỳ lúc này có phong trào cách mạng mạnh mẽ hơn các nơi trong cả nước. Được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn khí thế cách mạng lại càng sôi sục.

 Tháng 3-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm bí thư đã vạch ra Đề cương chuẩn bị bạo động, đưa các hoạt động lẻ tẻ vào phong trào chống đế quốc Pháp và tay sai, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Cả Nam bộ rạo rực không khí chuẩn bị. Các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra. Các đội tự vệ, du kích ở các xí nghiệp lớn và hầu hết các làng, xã Nam Kỳ được hình thành tích cực tập luyện, rèn đúc vũ khí.

Tháng 7 năm 1940 Xứ ủy Nam kỳ họp mở rộng thông qua Đề cương chuẩn bị khởi nghĩa do Thường vụ Xứ ủy khởi nghĩa và được đồng chí Phan Đăng Lưu đại diện Trung ương ra báo cáo Hội nghị TW lần thứ 7. Ngày 22-11-1940 đồng chí Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì bị địch bắt. Lệnh khởi nghĩa lúc này cũng đã phát đi không thể thu hồi lại được. Trước đó ít ngày kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ. Đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và một số đồng chí khác trong Thành ủy Sài Gòn sa lưới mật thám. Thực dân Pháp ra lệnh cấm trại binh lính người Việt và tước vũ khí của số phản chiến. Kế hoạch định lấy tiếng súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn vào lúc 24 giờ ngày 24 tháng 11 năm 1940 làm súng lệnh không thành.

Mặc dù vậy, đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, khắp Nam kỳ cuộc khởi nghĩa vẫn bùng nổ với khí thế và quy mô chưa từng có. Cả nông thôn Nam bộ rung chuyển. Từ Biên Hòa đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền. Nhiều đồn bốt của  địch bị hạ, nhiều quận bị tiến công, nhiều quãng đường, nhiều cầu bị phá... Chính quyền của địch ở một số quận, xã hoang mang tan rã. Ở Mỹ Tho, 54 trong số 56 xã được giải phóng. Ở Chợ Lớn ta giành được nhiều tổng. Ở Tân An, các xã hai bên Vàm Cỏ Tây, hữu ngạn Vàm Cỏ Đông đều về tay nhân dân. Chính quyền cách mạng ở những nơi này được thành lập, thực hiện những quyền dân chủ; bảo vệ trị an, xét xử bọn phản cách mạng... Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong các cuộc biểu tình thị uy và trước nhà làm việc của chính quyền cách mạng.

Quần chúng khởi nghĩa đã chiến đấu rất dũng cảm. Nhưng vì chưa có đủ điều kiện chủ quan và khách quan, bọn tay sai đế quốc lại chui vào hàng ngũ cách mạng, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ cho nên cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Thực dân pháp điều động lục quân Pháp kể cả lính lê dương ở ngoài Bắc Kỳ vào đàn áp hết sức dã man. Chúng dùng 20 máy bay ném bom triệt hạ những vùng có quần chúng nổi dậy. Nhiều làng mạc bị đốt, hàng vạn người bị chết. Chỉ trong 40 ngày, riêng bốn tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Long Xuyên và cần Thơ có tới 5.640 người bị giặc lấy dây thép xâu tay rồi phơi nắng cho đến chết khô, hoặc chất lên sà lan đưa ra biển nhận chìm. Thực dân Pháp đã xử tử, đưa đi đày Côn Đảo, hoặc giam trong các nhà tù khác hàng vạn chiến sĩ cách mạng. Sau khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa; Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Thông báo khẩn cấp chỉ thị cho các địa phương chia lửa với Nam Kỳ.

Tháng 12-1940, Đảng bộ Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười. Cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt nhưng đế quốc Pháp vẫn chưa hết hoảng sợ. Ngày 28-8-1941 tại trường bắn được dựng lên vội vã ở Hóc Môn (Gia Định) các đồng chí lãnh đạo - những người con ưu tú của dân tộc: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã bị chúng tàn sát.

Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp vô cùng tàn bạo, nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đẽ để lại nhiều bài học vô cùng quý giá, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta. Ngay nay, trong công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục phấn đấu để xây dựng và giữ gìn một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thực hiện những lý tưởng và hoài bão của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

Năm tháng sẽ qua đi nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và chiến sĩ trong Khởi nghĩa Nam kỳ mãi mãi vang vọng trong lòng mỗi chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong lúc toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Bối cảnh lịch sử và những nhiệm vụ cụ thể trong mỗi thời kỳ khác nhau, song trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của Ðảng đối với dân tộc không thay đổi. Chủ trương tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng mà Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tới đây định hướng cho toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá của thế hệ chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú tận tụy với nhân dân thời “Nam Kỳ khởi nghĩa” đã để lại cho thế hệ trẻ hôm nay.

 

Mai Mai

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 350 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày