Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, sự xuất hiện của “Đội quân tóc dài” như một huyền thoại độc nhất vô nhị, có thể đương đầu với các loại vũ khí tối tân, làm câm họng những khẩu đại bác đang nhả đạn, chặn đứng cả đội quân hùng dũng… và đã trở thành một điểm sáng trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Không chỉ thế, với nhiều hình thức đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng của những “Nữ tù chính trị” trong cảnh gông cùm, xiềng xích cũng góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta, dành lại độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong những bông hoa tươi thắm ấy, có một bông hoa rực rỡ mang tên Trần Thị Hòa – Nữ tù chính trị kiên cường, bất khuất của quê hương Đồng Nai xưa.
Cô Trần Thị Hòa sinh ngày 7 tháng 10 năm 1947 tại xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, tỉnh Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn thơ bé, cô sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và mong muốn được đi thoát ly. Cô sung sướng vì được mấy anh tin tưởng, giao nhiệm vụ dò la tình hình địch hay mua giúp pin, đèn, thuốc tây, dây điện cho tổ chức.
Tháng 8/1961, khi chưa đầy 15 tuổi, cô Ba Hòa tham gia Hội phụ nữ giải phóng và làm tổ trưởng phụ nữ. Cô vận động, thuyết phục chị em đóng tiền nguyệt liễm, làm giao liên đưa thư từ cho mấy chú du kích. Cuối năm 1963, cô được tổ chức cách mạng địa phương chấp nhận cho cô được đi thoát ly. Năm 1964, cô Ba Hòa móc nối với cơ sở ở Bình Châu để nắm dân, làm công tác dân vận.
Ngày 02/7/1965, khi cô đang đi vận động một số thanh niên tham gia cách mạng thì bị tụi lính chặn lại tra hỏi giấy tờ. Biết không xong, cô ngược tay ra sau, thò vô túi xé nát giấy tờ tài liệu mang theo, tiện thể rút chốt trái lựu đạn M26 định bụng “cưa đôi” với tụi lính. Ngay lập tức, một tên lính táng cô hai bạt tai làm cô hoa mắt, rồi chúng trói cô lại. Tụi lính lôi cô về nhà hội đồng xã, trên đường đi gặp một vài thanh niên đã đồng ý đi thoát ly cùng cô, ai nấy đều lo sợ. Biết mọi người đang lo lắng nên cô thầm nhủ: “chết thì chết, nhất định không khai, không làm ảnh hưởng đến niềm tin của đồng bào với cách mạng!”
Về tới tiểu khu, cô bị chúng tra tấn rất dã man, nào là dùng kềm rút móng tay, dùng đục nhổ răng, dùng dùi cui, ma trắc, búa, roi điện, máy quay điện để tra tấn lên cơ thể cô. Chưa hết, chúng còn bắt cô uống nước xà bông kèm ớt bột, trói tay cô ra sau và treo ngược lên trần nhà hay bỏ cô vào thùng phi nước, đậy nắp kín rồi dùng chày đập bên ngoài thùng,... Tra tấn nhiều tháng liền, nhưng cô Hòa vẫn kiên trung, bất khuất không khai lấy nửa lời. Bọn địch khiếp sợ trước tinh thần kiên cường, bất khuất của cô. Đòn ròn không lại, kẻ thù lấy mật ngọt hòng mua chuộc cô, nhưng cô thầm nghĩ: Một đời cô đi theo Cách mạng, chức tước, tiền vàng có xá gì.
Cuối năm 1966, chúng đưa cô về Trại giam Thủ Đức, ở đó cô chống chào cờ, khi chúng hát chào cờ là cô ngồi xuống quay mặt đi, có lần cô bị chúng đánh đến gãy tay, người mềm oặt như sợi bún, cả thân thể không cử động được nữa.
Giữa năm 1967, chúng đưa cô ra tòa án Sài Gòn, xử cô với hai tội danh: Phản nghịch và cố sát. Chúng kêu án là 7 năm khổ sai và 5 năm lưu đày biệt xứ. Luật sư bào chữa do chúng chỉ định đã xin với tòa khoan hồng giảm án, cho rằng cô chỉ là con nít bị dụ dỗ. Cô đanh thép phản bác lại: “Tôi đánh Mỹ, vì Mỹ cướp nước tôi, không có ai dụ dỗ tôi hết. Tôi không cần các ông giảm án…”.
Đầu năm 1968, cô bị đưa xuống trại biệt giam D trại giam Thủ Đức. Đầu năm 1969, cô cũng những nữ tù nhân ở Trại D, đấu tranh lớn đòi quyền thăm nuôi, mở cửa cho xách nước, đục thêm lỗ thông hơi trong phòng. Đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực không hiệu quả, cô Ba Hòa xin là người đầu tiên mổ bụng thị uy kẻ thù. Bọn địch thấy cô bày dụng cụ chuẩn bị mổ bụng, chúng hốt hoảng và đồng ý tất các các yêu sách của tù nhân đưa ra.
Ngày 21/8/1969, Cô Ba Hòa và hàng ngàn nữ tù nhân tại trại giam Thủ Đức nổi dậy, chiếm trại giam, làm chủ tình hình suốt 3 ngày (từ ngày 21 – 23/8/1969). Sau đó, chúng kêu mấy tiểu đoàn cảnh sát dã chiến đàn áp dã man cuộc nỗi dậy. Chúng bắt cô Hòa và các chị em về nhà tù Chí Hòa. Chưa đầy 2 tuần, sau khi cô bị chuyển tới lao Chí Hòa, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã ra đi mãi mãi. Với cô và các chị em trong tù, Bác Hồ là niềm tin, hy vọng và là niềm động viên tinh thần để các chị em có thể chống lại cảnh tù đầy, xiềng xích và những trận đòn roi thấu xương. Nghe tin Bác mất, cô cùng các chị em đau sót khôn cùng. Để thể hiện niềm tôn kính vô tận, các chị em đã để tang và tổ chức truy điệu Bác Hồ ngay tại nhà lao trong thời gian 7 ngày. Dù trong cảnh lao tù xiềng xích, lá cờ đỏ hiện ra giữa khán phòng, trước cửa, băng tang trắng phủ rèm, trên bàn hương án trang nghiêm, hiên ngang “mọc giữa trái tim kẻ thù”.
Ngày 29/11/1969 bọn quản ngục Chí Hòa đàn áp và lưu đày Cô Ba Hòa cùng 342 nữ tù đi Côn Đảo. Qua đấu tranh quyết liệt của các chị em, ngày 30/10/1970 chúng đưa cô và hơn 200 chị trở về nhà lao Tân Hiệp. Ở đây, Cô Ba kết hợp cùng chị em tại thực hiện tuyệt thực chống chào cờ, chống ly khai, chống luật lệ của địch. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nữ tù nhân, địch đã đàn áp rất dã man. Sau này, chúng còn đầy cô Ba Hòa ra trại giam Côn Đảo thêm lần nữa.
Gần 10 năm tù đày, biệt giam, trải qua nhiều trại giam, nếm đủ mùi tra tấn dã man của kẻ thù xâm lược, mãi đến tháng 3 năm 1974, khi hiệp định Pari được ký kết, hai bên trao trả tù binh, cùng với 5.081 tù nhân khác, cô Ba Hòa mới thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”. Sau khi được trả tự do, hòa bình lặp lại, cô Ba Hòa tham gia công tác tại Trường Đào tạo cán bộ ở Bà Rịa. Sau đó, cô làm thư ký cho Cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Nai lúc đó. Trải qua nhiều vị trí công tác, cô về nghỉ chế độ khi đang là Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Đồng Nai năm 2002.
Dù đã nghỉ chế độ, song với bản tính năng nổ cô tham gia nhiều hoạt động như: Thường vụ Hội Khuyến học, Thường vụ Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai; nhóm trưởng Câu lạc bộ vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu; Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tỉnh Đồng Nai; Trưởng ban đại diện câu lạc bộ “Tiếp nối truyền thống”,…v.v. Không chỉ vậy, cô luôn tham gia các hoạt động tri ân đến người có công với cách mạng, chăm lo đến phần mộ liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà đến những đồng đội của cô và nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Hiện cô đang sống tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Với những công hiến lớn lao ấy, Cô Ba Hòa được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến hạng nhì, huân chương lao động hàng nhì, huân chương giải phóng hạng nhì, huân chương sao vàng, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng,… và rất nhiều huân huy chương, bằng khen của trung ương và địa phương.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình - độc lập, đời sống nhân dân được ấm no - hạnh phúc, song tấm gương đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất và hết lòng trong công việc của cô Trần Thị Hòa, sẽ mãi là những bài học lịch sử chân thực, sâu sắc để các thế hệ trẻ luôn nhắc nhớ. Từ đó, tiếp bước truyền thống hào hùng của cha anh, ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức, dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.
Đào Thanh