Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 19/12/2020, 14:05

Đôi điều về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu

(Kỷ niệm 35 ngày mất của nhà thơ Xuân Diệu 18/12/1985 – 18/12/2020)

 

Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào thơ mới. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và cả tiếng Pháp với cha, năm 1927 xuống học ở Quy Nhơn, đỗ bằng thành chung năm 1934, sau đó học ở trường Bưởi (Hà Nội) và trường Khải Định (Huế). Năm 1940, Xuân Diệu đỗ tham tá Nha Thương chính vào làm ở Thương chính Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).  Nhờ vậy, nhà thơ được sống  ngót bốn năm ở đất Nam kỳ và có vốn sống để sau này viết Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam. Sau 4 năm làm công chức, ông thôi việc, ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Xuân Diệu là một con người dám sống hết mình với nghiệp văn chương cao đẹp. Ông viết nhiều viết khỏe ở cả hai thời kỳ trước và sau cách mạng.

Năm 1945, Xuân Diệu cho ra đời tập thơ văn xuôi Trường ca và tập thơ Gửi hương cho gió (Nhà xuất bản Thời đại). Tháng 2/1945, Xuân Diêu làm cuộc diễn thuyết đầu tiên trong đời mình với bài Sinh viên với quốc văn do Tổng hội sinh viên Việt Nam tổ chức, bài này sau đó được xuất bản với tên mở rộng Thanh niên với quốc văn.

Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ. Những đảng phái phản động, núp sau quân chiếm đóng Tưởng Giới Thạch mưu đồ biểu tình chống Chính phủ Cách mạng lâm thời... Xuân Diệu cho đăng những bài thơ Môt cuộc biểu tình, Tổng bất đình công, Vịnh cúi cờ,... và đã cho xuất bản anh hùng ca Ngọn Quốc kỳ ca ngợi lá cờ đỏ sao vàng và để cổ động Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946, Xuân Diệu đã cho xuất bản tráng khúc Hội nghị non sông. Cách mạng tháng Tám đã đem lại những giá trị tinh thần hết sức lớn lao và màu nhiệm. Từ đâu trong hoạt động sáng tạo văn nghệ, con đường lớn dẫn đến tương lai đã mở ra với một lý tưởng cao đẹp, hiện lên trong hình ảnh và sức sống vững vàng của nước cộng hòa trẻ tuổi ngay từ trong những ngày đầu Cách mạng, ở Ngọn quốc kỳ tự hào và kiêu hãnh bay lượn trên bầu trời Tổ quốc, và trong lá phiếu mà hàng triệu người đang cùng dơ cao để biểu thị quyền làm chủ và lòng quyết tâm đi theo cách mạng. Ngọn Quốc Kỳ Hội nghị non sông nói lên một cách vui mừng sự có mặt của thơ ca trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. từ một nhà thơ lãng mạn, thoát ly, ông đã trở thành nhà thơ thời sự.Tháng 5/1946, Xuân Diệu sang thăm hữu nghị nước Pháp với tư cách đại biểu các nhà báo Việt Nam trong phái đoàn ; sau chuyến đi này, Xuân Diệu đã đăng trên báo Cứu quốc thiên phóng sự Từ trường bay đến trường bay và cho xuất bản tập Việt Nam nghìn dặm, viết về đời sống và cuộc đấu tranh của Việt kiều lính chiến và lính thợ tại Pháp từ 1940 đến 1946.

Kháng chiến toàn quốc, Xuân Diệu ở suốt chín năm trong chiến khu tại Việt Bắc. Ông đã đi theo Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1947 và phụ trách mỗi tuần nói một “câu chuyện văn hoá” ở đài, các tuỳ bút này về sau xuất bản thành tập Việt Nam trở dạ. Ông là uỷ viên chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam kháng chiến ; ông đã đãng trên tạp chí Văn nghệ một loạt bài Tiếng thơ, giới thiệu và cổ vũ phong trào thơ của công nông binh.

Năm 1949, Xuân Diệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam do hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu. Trong giảm tô và cải cách ruộng đất, ông là đội viên các “đội phát động” ở làng Còng (Thanh Hoá) và xã Cát Văn (Nghệ An), đã cho xuất bản tập thơ mỏng Mẹ con về đề tài nông dân và ruộng đất. Cũng từ năm 1949, ông bắt đầu đi nói chuyện thơ trong quần chúng, cho đến nay ông đã trải qua ngót năm trăm cuộc bình thơ. Tháng 9 và tháng 10-1981, ông đươc mời sang nói chuyện về thơ Việt Nam tại Pháp Sau Hội nghị Giơnevơ 1954, đất nước tạm chia làm hai miền, từ chiến khu trở về Hà Nội, Xuân Diệu lại vào cuộc chiến đấu mới. Một phần quan trọng trong các tập thơ ông là đề tài đấu tranh thống nhất, chống Mỹ - ngụy và chuyên đề này chiếm toàn bộ tập Mũi Cà Mau (1962). Khi nhóm Nhân văn - Giai phẩm đi theo đường lối chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội trong văn nghệ, Xuân Diệu đã viết một loạt bài tiểu luận ứng chiến, in thành tập Những bước đường tư tưởng của tôi (1958).

Năm 1958, ông là diễn giả trong kỷ niệm 138 năm ngày mất của Nguyễn Du, và đây cũng là khởi điểm của một loạt công trình nghiên cứu của Xuân Diệu về các nhà thơ lớn truyền thống của dân tộc. Xuân Diệu đã viết khoảng 450 bài thơ tình, 30 bài đã được in trong tập Cầm tay (1962), một số khác in xen kẽ trong các tập thơ xuất bản và số còn lại chưa in.

Cùng với 15 tập thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn với tập truyện ngắn Phấn thông vàng, tập thơ văn xuôi Trường ca, những bút ký chính trị, những tuỳ bút viết dọc theo năm tháng của đời sống đất nước và nhân dân, đồng thời là một nhà viết nhiều tiểu luận và phê bình văn học, đặc biệt là về các nhà thơ cổ điển lớn Việt Nam.

Xuân Diệu đã nhiều lần thăm Liên Xô, ông đã dịch Trường ca Vlađinìia Ilích Lênin của Maiacốpxki, thơ Puskin, Exênhin, Ximônốp, Antôcônxki, Lôcusin, Đôniratốpxki, Éptuxenkô, Matuxốpki.  Xuân Diệu đã dự hội nghị trù bị các nhà văn Á châu ở Niu Đêli (1958) và thăm Ấn Độ hai tháng, giới thiệu và dịch thơ Rabinđranát Tago (1961). Năm 1980, ông dự và phát biểu trong Hội nghị các nhà văn thế giới bảo vệ hoà bình lần thứ hai ở Xôphia. Ông cũng là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật Cộng hoà dân chủ Đức (từ năm 1983).

Ngày 18/12/1985 ông từ trần vì một cơn đau tim đột ngột tại Hà Nội.

Kỷ niệm 35 ngày ông mất, là dịp để tôn vinh những đóng góp lớn  của ông đối với nền văn học nước nhà. Xuân Diệu đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị lâu dài về nhiều thể loại : thơ, văn xuôi, nghiên cứu phê bình, dịch thuật... Với nhà văn tài năng này, ở thể loại nào ông cũng đạt được những thành tựu, in đậm dấu ấn riêng. Trong văn xuôi giàu chất thơ, trong thơ giàu chất sinh động của hiện thực đời sống, trong nghiên cứu phê bình tinh tế tài hoa mà không kém phần sắc sảo. Ớ một người cầm bút như ông, tính cả về số lượng và chất lượng thì ở mỗi thể loại đều cần thiết phải có những chuyên luận, nghiên cứu một cách công phu và đầy đủ. Một số bài viết được tuyển chọn trong tập sách này đã phần nào thực hiện được yêu cầu đó và sẽ còn tiếp tục nhiều công trình nghiên cứu về Xuân Diệu. Suốt cuộc đời của mình ông luôn là một người say mê lao động nghệ thuật và không ngừng suy nghĩ và sáng tạo. Với tất cả những gì đã làm được, phần đóng góp của ông cho văn học thật là to lớn.

 

Thu Cúc

 

 

 

 


Số lượt người xem: 552 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày