Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 22/01/2021, 09:20

Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung ương Cục miền Nam (23/01/1961-23/01/2021)

Là thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình và thống nhất, tuy không được chứng kiến thời khắc hào hùng của đất nước, nhưng qua những trang sách, trang sử vẻ vang của dân tộc, tôi biết ơn sâu sắc những cống hiến của Trung ương Cục miền Nam  cho đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam. Ngược dòng lịch sử 60 về trước, tri ân về sự kiện năm ấy, trong kháng chiến chống Mỹ, sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tình hình cục diện đấu tranh cách mạng ở miền Nam chuyển biến rất nhanh: từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; phong trào đấu tranh ở miền Nam chuyển thành cuộc chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III xác định nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ở miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Tháng 1/1961, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ, được thành lập tháng 10 năm 1954.

 

 

Theo quy định của Trung ương Đảng, về tổ chức, Trung ương cục miền Nam là bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương, gồm một số Ủy viên Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương cử ra và được ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam. Trung ương cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, do Bộ Chính trị thường xuyên thay mặt Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Trung ương cục miền Nam có một một bí thư và không quá hai phó bí thư do Hội nghị Trung ương Cục bầu cử. Ngoài ra, tùy theo tình hình và yêu cầu công tác, Trung ương cục miền Nam sẽ tổ chức các cơ quan giúp việc như các Ban: Quân sự, An ninh, Tuyên huấn, Hậu cần… Trung ương cục thường lệ sáu tháng họp một lần. Tuy nhiên có thể họp sớm hoặc muộn hơn, tùy vào tình hình cụ thể.

Về nhiệm vụ: Căn cứ vào nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng và những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác và chỉ đạo thực hiện cụ thể ở miền Nam. Đối với vấn đề có quan hệ đến toàn quốc và kế hoạch chung của toàn miền Nam thì phải xin chỉ thị của Trung ương và Bộ Chính trị. Trong trường hợp đặc biệt cấp bách không kịp xin chỉ thị của trung ương, Trung ương Cục có quyền đề ra những chủ trương, chính sách lớn để đối phó kịp thời với tình hình và phải báo cáo ngay với Trung ương và Bộ Chính trị. Trung ương Cục miền Nam thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý và phân phối cán bộ của Đảng ở miền Nam, thành lập các Đảng đoàn trong các tổ chức quần chúng, quản lý và phân phối tài chính của Đảng ở miền Nam.

Người dân trên mảnh đất Đồng Nai thật tự hào, bởi lẽ nơi đây đã ghi lại một cột mốc lịch sử lớn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta cho thế hệ mai sau. Đó là Lễ thành lập Trung ương Cục miền Nam được tổ chức tại Mã Đà, căn cứ đóng tại Suối Nhung (chiến khu Đ), tỉnh Đồng Nai. Tuy thời gian Trung ương Cục miền Nam đóng chân trên mảnh đất này không lâu nhưng lại có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Đây chính là nơi ra đời và thành lập Trung ương Cục miền Nam đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ, là nơi Trung ương cục đã quyết định xây dựng chiến khu Đ mở rộng thành khu A, nơi thành lập cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu của Trung ương Cục miền Nam. Đầu năm 1962, căn cứ chuyển về Chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến ngày 30/4/1975.  Và tại đây, trong khoảng thời gian 15 năm (1961 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.

Trung ương Cục miền Nam đã trực tiếp đương đầu với những mưu đồ và thủ đoạn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” do đế quốc Mỹ tiến hành, tiếp đó là các chiến lược “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trong tất cả các bước phát triển của chiến tranh cách mạng, đều thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường miền Nam để đánh thắng các chiến lược đó của kẻ thù. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, đất nước ta đã làm rạng rỡ thêm những bài học quý giá của quá khứ. Cũng như những người con của dân tộc Việt Nam, với tôi, Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân, đặc biệt về bài học xây dựng Đảng. Từ cuối năm 1961, Trung ương Cục miền Nam đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của Đảng tại miền Nam, hệ thống tổ chức Đảng tiếp tục được củng cố và phát triển. Nhiệm vụ xây dựng chi bộ hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở được đặc biệt coi trọng theo tiêu chuẩn chi bộ “bốn tốt”. Công tác xây dựng Đảng trải qua những chặng đường thử thách rất ác liệt do chính sách “tố cộng, diệt cộng” và “quốc sách” lập ấp chiến lược chống phá tổ chức Đảng cùng nhiều thủ đoạn tàn bạo mà quân địch tiến hành. Do xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo công tác về xây dựng Đảng về tổ chức và tư tưởng, chính trị nên Trung ương Cục miền Nam đã bảo vệ thành công tổ chức Đảng trước sự khủng bố khốc liệt của đối phương. Đồng thời, Đảng bộ còn phát triển, trưởng thành về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trên các chặng đường đấu tranh giải phóng miền Nam.

Đánh thắng đế quốc mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam là chiến công oanh liệt của cả dân tộc. Trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam là rất lớn. Điều đó có nghĩa là việc thành lập Trung ương Cục miền Nam là một trong những chủ trương đúng đắn và sáng suốt của Đảng và cách mạng Việt Nam để đi đến thắng lợi chung. Với tầm vóc lịch sử của mình, năm 1990, căn cứ Trung ương Cục được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa và được đầu tư trùng tu, tôn tạo hai giai đoạn (1994  và  2005). Và ngày 10/5/2012,Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Thật tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tỉnh của Đảng ta. Từ sự mưu trí, dũng cảm, biết lợi dụng yếu tố địa lý và tự nhiên nên mặc dù trong chiến tranh nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt nhưng căn cứ Trung ương Cục vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, trí thông minh, tài thao lược của quân và dân Việt Nam. Truyền thống đó, mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi nguyện phát huy và tiếp bước.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 357 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày