Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 23/01/2021, 15:00

Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941 - 28/1/2021)

Đối với dân tộc Việt Nam, mùa xuân năm 1941 thực sự là một mùa xuân kỳ diệu, bởi đó là mùa xuân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã mang theo sắc xuân bất diệt cho đất nước Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất, nhà tan, các thế hệ người dân Việt Nam lúc bấy giờ đều mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một ý chí với quyết tâm cháy bỏng đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Phải cứu nước bằng con đường nào? Đó là câu hỏi ray rứt trong lòng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Giữa xã hội phong kiến thuộc địa, coi khinh lao động chân tay, người thanh niên ấy đã bỏ nghề dạy học, từ Phan Thiết vào Sài Gòn, tự nguyện đi vào nghề thợ máy để được tiếp xúc với kỹ thuật công nghệ và được sống chan hòa đời thợ với giai cấp công nhân? Cuộc sống lao động thợ thuyền góp phần đưa Bác Hồ đi tìm chân lý cách mạng.

Trưa ngày 2 tháng 6 năm 1911. Bác Hồ với tên mới là Anh Ba đã ra Bến Nhà Rồng lên thẳng tàu “Đô đốc La Tútsơ Tơ-rê-vin” để xin việc làm. Bác được chấp nhận với chân phụ bếp, hàng ngày phải khiêng chảo, rửa nồi, cào lò, xúc than…Sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ đã bắt đầu tuổi thanh xuân hăm hở lăn mình vào cuộc sống của quần chúng vô sản. Và chính nhờ vậy mà Bác đã tạo ra trong lòng mình ý thức giác ngộ giai cấp. Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1911, tàu “Đô đốc La Tútsơ Tơ-rê-vin” nhổ neo. Giữa đêm đen nô lệ, Bác ra đi một mình không một ai đưa tiễn, chỉ với hai bàn tay trắng và một chí lớn: Tìm đường cứu nước.

Bác đã đi rất nhiều nơi, qua Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ; qua các thuộc địa của Pháp ở châu Phi, Bác đã sống và tiếp xúc với nhiều lớp người từ những người thợ ở Pa-ri, Luân Đôn, Thượng Hải đến những người nô lệ châu Phi, người dân cùng khổ ở Ấn Độ, Trung Quốc, người phu đào kênh ở Pa-na-ma. Là một người dân mất nước, lại là một công nhân cùng khổ, Bác dễ dàng thông cảm sâu sắc với nhân dân các nước, yêu đồng bào, yêu giai cấp càng sục sôi trong lòng Bác. Bác đã gặp các nhà hoạt động cách mạng, các chính khách, các nhà khoa học có tên tuổi ở các nước, Bác đã đến các Thư viện quốc gia với một tinh thần khiêm tốn học hỏi, cố tìm ra ánh sáng mới để cứu dân, cứu nước.

Tiếng súng của Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng quyết định đến đời hoạt động của người. Người đã đến với chủ nghĩa Lênin khác nào người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn. Lúc đó, Bác lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Bác đã viết trong bài “Con đường dẫn đến chủ nghĩa Lê-nin” như sau: “Luận cương của Lênin” làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên được. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”

Từ đó, Bác khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Công lao đầu tiên lớn nhất của Bác Hồ là đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử. Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất. Người đã vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu đương thời, sớm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và đi vào con đường cách mạng vô sản. Người đã dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn chặt phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân và phong trào cộng sản Quốc tế.

Từ một người yêu nước, Bác Hồ đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, tạo ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử cách mạng nước ta.

Chính con đường cách mạng vô sản mà Bác tìm ra, đã đưa dân tộc ta đến Cách mạng Tháng tám năm 1945, đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đến đại thắng mùa xuân năm 1975 và đến một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa như ngày nay. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc như núi cao, như biển cả. Người đã sáng lập và rèn luyện đảng ta thành một đảng Mác-xít Lê-nin-nít chân chính, già dặn, có uy tín và ảnh hưởng ngày càng lớn ở trong nước và trên thế giới. Người đã cùng Đảng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình. Người đã cùng Đảng thành lập mặt trận dân tộc thống nhất tiêu biểu cho khối đại đoàn kết vững như sắt thép của dân tộc ta.

Người đã cùng Đảng tổ chức và giáo dục quân đội ta thành một quân đội nhân dân anh hùng, bách chiến, bách thắng.

Người đã cùng Đảng đưa dân tộc ta lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới, làm vẻ vang cho non sông Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam khác nào một ngọn hải đăng kỳ diệu trên Trường sơn hùng vĩ, đã rọi sáng biển đông bao la, đưa con thuyền dân tộc vượt hết giông tố này đến giông tố khác. Ngày 28/1/1941 Bác về nước đúng vào mùa xuân – mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước.

            Nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động của Bác, nhắc nhở ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước để chúng ta cùng biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hãy cùng nhau suy nghĩ lại những chặng đường đã qua, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941 – 28/1/2021) gắn liền với các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930-03/2/2021). Tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận độngHọc tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời phát động các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước càng thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên Chủ nghĩa Xã hội.

 

Mai Mai

 

 

 

 


Số lượt người xem: 339 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày