Bà Hồ Thị Bi tên thật là Hồ Thị Hoa, sinh năm 1916, dân tộc kinh, quê ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Mất cha từ năm 6 tuổi, mẹ lại bệnh nặng bà phải kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em bằng nhiều cách như bán chè, nước, ở đợ. Sau khi lập gia đình, chịu ảnh hưởng từ chồng, bà sớm tham gia hoạt động trong Hội Ái hữu tương tế Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Thị Bi là Trưởng ban công tác Đội 12 kiêm Đại đội trưởng đại đội 2804 Hóc Môn, sau là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935, Trung đoàn 312, Gia Định. Trong chống Mỹ, Hồ Thị Bi liên tục tham gia công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngay từ năm 1936, bà đã tham gia “Hội Ái hữu”. Và cũng năm ấy, mới 20 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó bà tham gia công tác binh vận, đấu tranh bãi thị, đòi giảm thuế chợ, bênh vực chị em nghèo khổ bị áp bức, bất công.
Năm 1941, bà tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc Hóc Môn. Để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám, bà được Quận ủy Hóc Môn giao nhiệm vụ làm Trưởng ban tiếp tế và chỉ huy Đại đội nữ binh thị trấn Hóc Môn, làm Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc. Ngày 23/8/1945, Hồ Thị Bi cùng đoàn biểu tình từ Hóc Môn kéo về Sài Gòn giành chính quyền. Bà đã tham gia Hội phụ nữ Cứu quốc Hóc Môn, với vai trò Đoàn phó, Trưởng ban tiếp tế và Đội trưởng Đội nữ binh sĩ của quận. Giặc Pháp quay trở lại, bà khi ấy là mẹ của 3 đứa con nhỏ nên tổ chức không yên tâm khuyên bà trở về làm ăn, nuôi con.
Bị từ chối, tấm lòng người mẹ lúc ấy có biết bao suy tư trăn trở. Với ý chí đánh thắng giặc mình mới có độc lập, mới có hạnh phúc, gia đình mới được sum họp, các con mới được sung sướng, bà buộc lòng phải xa con. Bà đứng ra tập hợp, động viên 6 đồng chí có cùng hoàn cảnh như bà, thành một đội vừa sản xuất tự túc nuôi thân, vừa đánh giặc. Đó là lực lượng tiền thân do bà gây dựng, tiền thân của Ban công tác số 12, của đại đội 2804 sau này do bà chỉ huy.
Nhập ngũ từ năm 1946 đến 1950, bà được cử làm Trưởng ban Công tác số 12 (Biệt động thành), chỉ huy Ðại đội 2804 kiêm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935 (thuộc Trung đoàn 312 của tỉnh Gia Ðịnh). Với sự mưu trí, dũng cảm và tài thao lược, bà đã nhiều lần khiến cho bọn tay sai của thực dân Pháp ở Hóc Môn phải khiếp đảm. Nhiều trận đánh đầy mưu trí của Biệt động thành do bà tham gia đã làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Trận đánh đầu tiên làm cho địch hoang mang, là trận vào chợ Hóc Môn, nơi giặc đóng quân tại chùa Ông. Đây là trận đánh nhằm nhằm hạ uy thế địch, cảnh cáo tề ngụy, nâng cao uy thế của bộ đội để nhân dân ta phấn khởi yên tâm chờ đợi. Nhân dân Hóc môn vẫn còn nhớ trận đánh vào đồn Chợ Cầu trên đường số 9 Hóc Môn đi Sài Gòn. Bà đã phối hợp binh vận, dùng nội công ngoạn kích. Trận đánh diễn ra chưa đầy 10 phút, không tốn một viên đạn. Đơn vị bà còn thu được 1 khẩu FM đầu bạc, 1 khấu Thomson, 2.000 viên đạn. trong hoàn cảnh thiếu vũ khí trầm trọng của ta khi ấy, những chiến lợi phẩm thu được đúng là vô giá. Tiếp theo là trận pháo kích chia lửa chống lại cuộc tấn công của địch vào Bộ Tư lệnh Khu 7 ở Giồng Dinh – Quéo Ba, buộc địch rút về bảo vệ hậu cứ. Đơn vị của Hồ Thị Bi ngày càng lớn mạnh. Bà chọn Rỗng Ông Hồ làm căn cứ địa, là địa điểm sinh hoạt bí mật, vừa giữ được an toàn cho nhân dân.
Căn cứ của bà được xây dựng trên hai chiêc ghe cũ, có mái che ken lại như một mái nhà. Chia căn cứ của mình ra thành từng cụm, từng tuyến, có vòng ngoài, vòng trong canh gác cẩn thận, cũng có những tín hiệu, ám hiệu để nhận biết, phân biệt người lạ mặt. Ban công tác số 12 ngày càng lập nhiều chiến công vang dội, làm kẻ địch ăn không ngon, ngủ không yên.
Năm 1951, bà được giao nhiệm vụ đứng đầu Tiểu đoàn 999 đi gây dựng căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) trên tuyến địa vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Vượt qua muôn vàn gian khó, vượt qua rào cản “cầm quân” của một tiểu đoàn trưởng, bà cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên tuyến biên giới đặc biệt quan trọng này.
Khi mới tiếp nhận quân số, bà thực sự nản lòng bởi các chiến sĩ của Đoàn 999 có hơn 30 anh chị em ốm yếu, thương tật, có cả người già. Ngoài số súng đạn cần thiết, trên lưng họ còn có thêm cuốc, xẻng, hai bịch hạt giống: bí, bầu, mướp, cải xanh… Đoàn quân ngày càng dấn sâu vào cánh rừng, chân trần giẫm lên gai góc, rắn rết, tay vạch đầy vắt mà đi. Vừa luồn theo rừng vừa đánh lạc hướng địch, đoàn quân di chuyển rất chậm. Để lập nghiệp, nữ chỉ huy quyết định đi tìm nguồn nước. Bà chỉ biết được tên dòng suối ấy trên bản đồ, còn trước mặt họ tứ bề là rừng. Cuối cùng Đoàn 999 cũng tìm ra được suối Sa Mát. Họ đã lấy dòng suối thiên nhiên này nuôi sống mình, nuôi sống đơn vị. Đơn vị bà kết hợp với bộ đội nước bạn chống càn, chống biệt kích. Bà đi sâu vào các phum, sóc tắm rửa cho trẻ em. “Lục thum Bi, bà Tư lệnh Tà Nốt” trở thành cái tên đầy trìu mến trong lòng người dân Campuchia lúc ấy.
Năm 1953, bà được điều động ra Việt Bắc, vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dành nhiều lời khen tặng với danh hiệu Nữ kiệt miền Ðông. Năm 1956, bà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Năm 1959, bà được phong quân hàm Đại úy. Năm 1965, Bà được thăng quân hàm Thiếu tá, trở thành nữ quân nhân đầu tiên có cấp bậc quân hàm cao nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1973, tuy sức khỏe không còn như trước, bà vẫn được Trung ương tin tưởng phái vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ công tác. Trong hai năm 1974, 1975, bà đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1978, bà được phong quân hàm Thượng tá. Những năm 1978 - 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, với cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM, bà vẫn lăn lộn khắp nơi, vận động hỗ trợ cho hậu phương ổn định và tiếp lửa cho tiền tuyến. Mặc dù ngoài 60 tuổi, bà vẫn được giữ lại làm công tác chính sách cho cán bộ, chiến sĩ và các cựu chiến binh cũng như gia đình của họ.
Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục hoạt động xã hội, là một trong những sáng lập viên của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, là Ủy viên Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Vì những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng đất nước, năm 1995, bà được Đảng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hồ Thị Bi qua đời ngày 12/10/2011 tại TP. HCM, hưởng thọ 95 tuổi. Bà là tấm gương mẫu mực về một người con ưu tú, xuất sắc trong lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc Việt Nam. Phần thưởng cao quý nhất đối với cuộc đời Nữ kiệt miền Đông, vượt lên trên mọi huân, huy chương lấp lánh trên ngực áo là tấm lòng của nhân dân đã âm thầm, lặng lẽ che chở, đùm bọc bà trên mọi nẻo đường đất nước.
Yên Yên