Đồng chí Phạm Văn Đồng là người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa lớn của dân tộc, là người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, hạnh phúc của nhân dân.
Phạm Văn Đồng (bí danh là Tô), là một trong những cán bộ tiền bối, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện,
trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông sinh ngày 01 tháng 03 năm 1906 tại làng thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi là nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá lớn của dân tộc Việt Nam.
Sinh thời, đồng chí Phạm Văn Đồng thường nói “chọn hướng đi đúng” là điều quyết định cho bước vào đời của mỗi con người, sinh ra trong một gia đình trí thức quan lại phong kiến có nhiều triển vọng cho cuộc sống thành đạt, an nhàn, có thể thăng tiến trong xã hội thực dân phong kiến, nhưng người thanh niên trẻ tuổi ấy đã từ bỏ con đường đó để chọn cho mình con đường đấu tranh, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ở tuổi 18-20, Phạm Văn Đồng tham gia các hoạt động yêu nước và được là học trò của Nguyễn Ái Quốc trong những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam đã có những cống hiến quan trọng trong thời dựng Đảng. Bị địch bắt, kết án 10 năm cầm cố và đày ra địa ngục Côn Đảo. Chính địa ngục này đã trở thành nơi rèn luyện và trường học cách mạng để Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí của mình trưởng thành.
Tháng 7-1936, Từ địa ngục Côn Đảo trở về, Phạm Văn Đồng lại tiếp tục hoạt động trên mặt trận báo chí công khai, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng thời kỳ Mặt trận dân chủ. Đồng chí được Đảng cử sang Nam Trung Quốc (5-1940) được gặp Nguyễn Ái Quốc lần thứ hai, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và sinh hoạt trong Chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Kể từ thời điểm đó Phạm Văn Đồng được làm việc bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người chỉ dẫn và trở thành một trong những cộng sự đắc lực trong quá trình xây dựng căn cứ địa Việt Bắc như: Tham gia đào tạo cán bộ của mặt trận Việt Minh, phụ trách báo Việt Nam độc lập, chỉ đạo xây dựng Khu giải phóng, chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, được Quốc dân đại hội Tân Trào cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.
Đầu năm 1942, ông được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Tháng 8-1945, Phạm Văn Đồng dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và được vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Quốc hội khóa I bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946). Đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo kháng chiến ở Nam Trung Bộ, được bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trong những ngày công tác tại đây, Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến to lớn và sáng tạo trong việc xây dựng vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú; chỉ đạo cuộc kháng chiến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, phát triển mối quan hệ hợp tác, đoàn kết chiến đấu với lực lượng cách mạng các nước bạn Lào và Campuchia, xây dựng và củng cố căn cứ địa kháng chiến với khẩu hiệu Tự lực cánh sinh, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc trường kỳ kháng chiến.
Đầu năm 1949, ông được điều về chiến khu Việt Bắc được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao. Tháng 5-1954, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương. Từ tháng 9-1954, ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Phạm Văn Đồng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, được cử làm Ủy viên Bộ chính trị và giữ trọng trách này liên tục đến năm 1986. Từ năm 1955-1987, Phạm Văn Đồng được giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Từ 1986-1997, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VI, VII, VIII, cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động, ở bất cứ hoàn cảnh nào Phạm Văn Đồng cũng luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, tương lai của đất nước, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Với trọng trách của mình, ông hết sức quan tâm tới công tác củng cố bộ máy chính quyền nhà nước. Đồng chí thường nói: “Việc tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân là một nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”
Để thực hiện quá trình đó, Phạm Văn Đồng luôn nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn cách mạng nhằm xây dựng tiền đề và từng bước hoàn thiện chính quyền của dân, do dân và vì dân, xứng đáng với những giá trị tinh thần và lý tưởng mà đồng chí hằng ấp ủ và theo đuổi. Với cương vị là người đừng đầu Chính phủ, Đồng chí vui mừng trước những thành quả mà nhân dân ta đã đạt được trong xây dựng kinh tế, nhưng ông cũng rất trăn trở trước những yếu kém, những khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý vĩ mô.
Ngày 6-7-1987, Hội đồng Bộ trưởng họp thường kỳ để kiểm điểm tình hình công tác 6 tháng đầu năm theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VI. Đây là phiên họp cuối cùng do đồng chí Phạm Văn Đồng chủ trì trên cương vị Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng. Phát biểu tại cuộc họp, với tinh thần trách nhiệm cao trước những khó khăn, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt Đảng và Nhà nước, đồng chí cũng rất quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, đồng chí cho rằng, Đảng phải chăm sóc cán bộ, đảng viên như người làm vườn, vừa vun xới cho cây, cho hoa, vừa phải nhổ cỏ trừ sâu, và nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, diệt sâu phải diệt từ trứng. Có như thế hoa mới càng đẹp, quả mới càng ngon. Đồng chí rất đau lòng khi tệ quan liêu tham nhũng, ăn cắp phát triển và trở thành quốc nạn. Trên những cương vị và trọng trách của mình, tài năng và cống hiến của ông còn thể hiện rất rõ nét trong lĩnh vực đối ngoại. Đồng chí rất xứng đáng được suy tôn là Nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng, nhà nước và cách mạng Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi và phong phú của đồng chí Phạm Văn Đồng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cộng sản về học tập và thực hiện tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí được nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới yêu mến và nể trọng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước. Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của ông đẹp mãi và luôn tỏa sáng cho các thế hệ mai sau!
Phạm Văn Đồng mất ngày 29-4-2000, ông đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Ông đã sống trọn nghĩa, trọn tình với vợ con và các cháu, để làm niềm thương nhớ, kính trọng trong lòng những người thân, trong lòng đồng bào, đồng chí và bè bạn gần xa.
Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng ta hãy cùng nhớ đến những đóng góp lớn lao của cố Thủ tướng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Để noi gương đồng chí, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tăng cường đoàn kết nhất trí, tranh thủ thời cơ, sáng tạo và tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khẩn trương triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” quyết tâm phấn đấu để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Mai Mai