Đồng chí Lê Thanh Nghị - Người có công lao lớn đối với Đảng và Nhà nước ta
Trên mảnh đất Hải Dương, có một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, với lý tưởng cách mạng cao đẹp, đã sẵn sàng hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng, giữ gìn hòa bình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân... đó là đồng chí Lê Thanh Nghị, người đã có công lao to lớn đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam ta.
Theo sử liệu, đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng được biết đến là một chính khách Việt Nam, đồng chí từng giữ chức Phó Thủ tướng, kiêm Tổng Thư ký hội đồng Nhà nước Việt Nam từ 1960-1980.
Sinh ra trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, hiếu học tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, có cha là cụ Nguyễn Năng Việt (đời thứ 12) làm nghề dạy học.
Khi mới 16 tuổi, Nguyễn Khắc Xứng ra Hải Phòng làm thợ điện, sau khi thất nghiệp, đồng chí ra vùng mỏ làm ở Nhà máy Điện Cọc 5, rồi trở về Vàng Danh làm phu mỏ
Sớm được giác ngộ cách mạng, năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng, gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đồng chí cùng chi bộ, lãnh đạo công nhân đấu tranh với bọn chủ mỏ, đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống. 19 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đây, đồng chí lấy bí danh là Lê Thanh Nghị.
Vài tháng sau (5/1930), đồng chí bị địch bắt, giam tại nhà tù Hải Phòng cùng với các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Lương Khánh Thiện. Đồng chí Nghị bị tòa án thực dân tuyên án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Tuy cuộc sống trong nhà tù vô cùng hà khắc, các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù thành trường học, rèn luyện ý chí và phẩm chất của người cộng sản. Cũng từ đây, đồng chí được học tập về chủ nghĩa cộng sản, văn hoá và ngoại ngữ, chờ thời cơ trở về hoạt động.
Năm 1936, Mặt trận dân chủ Pháp lên cầm quyền, ân xá tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được trở về quê nhưng vẫn bị quản thúc. Địch cho đồng chí vào làm bàn giấy ở tòa sứ để dễ quản lý, nhưng đồng chí không nhận, mà xin làm ở Nhà máy nước Ninh Giang để có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn. Không bao lâu sau, đồng chí bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, hoạt động bí mật ở Hải Dương và Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở Đảng, rồi tham gia Thành ủy Hà Nội. Cuối năm 1937, đồng chí được cử về hoạt động ở Hải Dương.
Giữa năm 1939, công tác ở Xứ uỷ Bắc kỳ, tham gia Ban cán sự liên tỉnh B. Đầu năm 1940, đồng chí bị bắt lần thứ hai, địch kết án 5 năm tù, đày tại Sơn La và đầu năm 1945, ra tù, trở về đúng lúc cao trào cứu nước do Đảng lãnh đạo thông qua Mặt trận Việt Minh dâng cao. Ngày 09/03/1945, đồng chí được bầu bào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang tại khu III. Ngày 12/03, Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh đã phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại xã Xuân Biểu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí trở thành Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ, quản lý miền duyên hải, năm 1946 làm Thường vụ Xứ ủy. Khi Toàn quốc kháng chiến, Lê Thanh Nghị làm Bí thư Khu ủy Khu 3 kiêm chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính khu III.
Đầu năm 1948, đồng chí làm Phó Bí thư Liên khu Ba; cuối năm đó, giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; cuối năm 1949, lại trở về làm Phó Bí thư Liên khu uỷ khu Ba. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí là người lãnh đạo chủ chốt ở Liên khu Ba.
Tại Đại hội Đảng lần thứ hai (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (bầu bổ sung từ năm 1956), trực tiếp làm Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ tư lệnh Liên khu III; năm 1953-1954, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Hòa bình lập lại, cuối năm 1954, đồng chí làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Cuối năm 1955, giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10/1956, được cử làm Uỷ viên Bộ Chính trị, một trong những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Lao động Việt Nam.
Tại Đại hội III và IV, đồng chí đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị. Năm 1960, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp. Năm 1967, kiêm trưởng Ban Công nghiệp Trung ương. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đồng chí có đóng góp to lớn trong công tác ngoại giao. Năm 1974-1980, tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1980, làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ tháng 7-1981 đến tháng 12-1986, đồng chí giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII).
Về sự nghiệp của đồng chí, giai đoạn cuối năm 1955, đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, trên cương vị này, đồng chí đã cùng với các đồng chí lãnh đạo của Nhà nước tham gia hoạch định chính sách công nghiệp và kinh tế.
Sinh thời, đồng chí đã viết 2 bộ hồi ký “Lê Thanh Nghị - trọn một cuộc đời” và “Suối reo năm ấy”. Hiện nay, tại Thư viện tỉnh Đồng Nai còn lưu trữ một số tài liệu mà sinh thời đồng chí đã dày công nghiên cứu. Cụ thể như: Mấy vấn đề lớn trong việc thi hành điều lệ xí nghiệp quốc doanh ở các xí nghiệp cấp huyện; Phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1975; Quán triệt chính sách và phương châm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của Đảng; Xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông nghiệp – công nghiệp; Tư tưởng chỉ đạo kế hoạch 5 năm 1976-1980;…
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quá trình xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng chí Lê Thanh Nghị được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Để tưởng nhớ đến công lao và đạo đức cách mạng của đồng chí, đồng thời nhằm phát huy truyền thống yêu nước tại địa phương, năm 2002, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương đã cho xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị, tại quê hương ở thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh (công trình đã khánh thành tháng 4/2004). Năm 2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã xét công nhận Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị là di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố.
Thấm thoát đã hơn 30 năm, kể từ ngày đồng chí ra đi vào cõi vĩnh hằng (16/8/1989), nhưng trong tâm tưởng của thế hệ đương thời người Việt Nam luôn luôn khắc sâu công lao to lớn của đồng chí. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Thanh Nghị mãi sáng ngời về tinh thần cách mạng kiên trung, ái quốc, sống và chiến đấu suốt đời cho lý tưởng cao cả, luôn là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Thanh Nghị, xin được tưởng niệm đến đồng chí nhằm tri ân công lao đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp xây dựng Đảng và Nhà nước ta, đồng thời tuyên truyền vận động đến tuổi trẻ hôm nay niềm tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng cao đẹp, ra sức phấn đấu bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng một Việt Nam to lớn và hùng mạnh, xứng đáng với thành quả mà thế hệ cha ông đã dày công vun đắp./.
Đinh Nhài