Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 20/03/2021, 13:40

Kỷ niệm 95 năm ngày mất của nhà yêu nước Phan Châu Trinh (24/3/1926 - 24/3/2021)

Phan Châu Trinh là một trong những danh nhân lớn của Việt Nam thời cận đại. Cuộc đời, sự nghiệp cũng như sản phẩm của ông đã được các nhà nghiên cứu tổng hợp trong nhiều tác phẩm. Ông là người có hoài báo lớn muốn gỡ bỏ ách thống trị của người Pháp, giành lại chủ quyền cho đất nước, đưa dân tộc Việt Nam lên ngang hàng với các dân tộc khác trên thế giới. Ông cổ vũ tinh thần yêu nước, quảng bá công cuộc Duy tân, mang tâm huyết, tác phẩm và cả cuộc đời để đóng góp vào sự nghiệp chung.

Ông sinh ngày 9/9/1872, làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tam Phước, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Tổ phụ là một nhà vọng tộc, tính tình hào phóng hay giúp đỡ người nghèo khó nên nhân dân gần xa đều kính mến. Thân phụ là một võ quan, bị chết oan (1887) trong phong trào Cần vương. Mẹ ông là một người hiểu biết khá nhiều về văn học Trung Quốc. Năm 1885, người Pháp chiếm đóng 6 tỉnh Nam Việt, và đem binh ra đánh kinh thành Huế. Khi đó ông được 13 tuổi, thân phụ cho ông học võ để được ứng dụng đắc lực trong buổi nước nhà bị đe dọa.   

Trong thời gian nghĩa quân lập tân tỉnh tại làng Trung Phước (Quế Sơn) Phan Châu Trinh đã trực tiếp góp sức vào công cuộc diệt thù cứu nước. Chính trong thời gian ở chiến khu, ông đã học võ nghệ: bắn cung, cưỡi ngựa… qua một số chiến sỹ trẻ Cần vương, đã giúp ông có một bản lĩnh vững chãi của một chiến sỹ trên mặt trận quân sự trước khi trở thành nhà văn hóa, tư tưởng. Và có lẽ cũng vì cái chết của thân phụ mình mà ông sau này đã có một cái nhìn sắc bén về chủ trương cách mạng trong tư tưởng của mình. Thương cha, lại lo nỗi nước nhà, cụ đã trải qua nhiều suy tư trăn trở phải làm sao cho dân nước tự cường.

Bấy giờ ông được vợ chồng người anh cả trông nom nhà cửa, chủ trì công việc gia đình, nuôi ông ăn học. Từ đó các trường lớn trong tỉnh ông đều hơn một lần trải qua và đến đâu cũng được mọi người yêu quý, vì học giỏi, thơ hay, lại là người hoạt bát, vui chuyện. Năm 1892, ông kết giao với Huỳnh Thúc Kháng tại trường học của cử nhân An Tráng (Phạm Đạo Mẫn). Đến năm 1898 ông mới được vào học tại trường tỉnh. Là một học sinh xuất sắc nhưng với chế độ thi cử ngày trước, ông nhiều lần bị thi rớt, mãi đến năm 1900 ông mới đỗ Cử nhân. Năm 1901, ông  đỗ Phó bảng. Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ. Năm 1904 xin từ quan, ông cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy tân. Phan Châu Trinh và các đồng chí đã dùng khả năng văn tự và môi trường khoa cử để phê phán nền giáo dục ngu dân và chính quyền đương thời. Nhất là dùng trong việc cổ động tân học cùng chủ trương duy tân của mình.

Năm 1908, phong trào đòi giảm sưu thuế nổ ra khắp Trung Kỳ, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Đày thân ở Côn Đảo, hằng ngày ông đi câu cá và đánh bẫy chim làm vui, mỗi khi được chim cá thì đem bán lấy tiền tiêu, hay tặng cho các anh em. Ông sở dĩ được tự do như thế là vì cụ rất khéo léo về đường ngoại giao, đi tới đâu làm vui lòng người tới đó. Được sự can thiệp của Hội Nhân Quyền Pháp, năm 1911, thực dân Pháp ở Đông Dương thả tự do cho ông. Nhưng trên thực tế, khi về tới Sài Gòn, ông bị giam lỏng ở Mỹ Tho. Trên danh nghĩa nói là được tự do nhưng thật sự ông bị quản thúc chặt chẽ, do đó ông phản đối quyết liệt bằng cách viết thư gửi chính phủ Pháp yêu cầu, hoặc trả ông về Côn Lôn, hoặc để ông tự do sang Pháp. Thực dân chấp thuận cho ông đi pháp, họ nghĩ đây là cơ hội tốt để “đày khéo” Phan Châu Trinh, nên đồng ý cho ông xuất ngoại với người con trai đầu lòng là Phan Châu Dật

Vừa đặt chân đến nước Pháp, ông viết một loạt tác phẩm như: Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Đông Dương chính trị luận trước để tự biện hộ, thân oan cho các đồng chí, sau trình nghị viện Pháp để chúng thấy rõ cái tệ trạng của nền hành chính thuộc địa ở Đông Dương, nhất là cảnh tham quan ô lại của bọn tay sai Nam triều. Phan Châu Trinh ở Pairs, cho Phan Châu Dật vào học trường Montparnasse, chẳng bao lâu Phan Châu Dật nổi tiếng giỏi nhất lớp. Ông làm nghề rửa ảnh, hết sức cần kiệm nuôi con ăn học. Cuộc sống khó khăn, mỗi ngày ông chỉ mua những món lòng heo, gà, dê, hai cha con ăn sống qua ngày. Thân ở nước Pháp, nhưng lòng vẫn hướng về tổ quốc. Ông cổ động xin chính phủ Pháp nhanh cải cách cái chính sách cai trị tàn bạo thuộc địa. Khi nghe ở nước nhà có việc đào lăng vua Tự Đức, ông viết báo Tây cực lực phản đối. Ông lại diễn thuyết, khuyên bảo các thanh niên và các bạn lao động ta ở Pháp. Từ ấy các quan lại ở thuộc địa đem lòng nghi kỵ, chú ý từng cử động của ông.

Tháng 9 năm 1914, chiến tranh Pháp – Đức bùng nổ. Phan Châu Trinh không chịu đi lính đánh thuê cho chúng nên bị bọn quan lại thực dân ở Đông Dương và ở Pháp âm mưu ám hại bằng cách vu cáo ông làm gián điệp cho Đức. Do đó, ông bị bắt giam ở Khám quốc sự phạm Santé 11 tháng. Sau nhờ sự can thiệp của các nhân vật trong hội Nhân quyền và Dân quyền, lại một lần nữa bọn thực dân buộc lòng phải trả tự do cho ông. Từ năm 1915 đến năm 1925, Phan Châu Trinh thường đi lại giữa Paris, Marseille, Bordeaux… vừa mưu sinh vừa hoạt động trong giới Việt kiều cũng như một số quan chức Pháp. Năm 1922, vua Khải Định được thực dân đưa sang Pháp nhằm tuyên truyền, dụ dỗ một số người Việt Nam nhẹ dạ và thiếu lập trường chính trị. Nhân cơ hội này, ông viết một lá thư gửi thẳng tới Khải Định, trước kể rõ những tội lỗi của ông ta và sau tố cáo trước dư luận Pháp về chuyến đi ám muội này. Lá thư này, lúc đó được đăng trên các báo ở Paris và gây lên một tiếng vang lớn trong chính trường và dư luận ở Pháp.

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn nhất là học sinh nồng nhiệt chào đón. Từ ngày về nước, ông phải làm việc gấp bội, nên trong một thời gian ngắn ông đổ bệnh. Tuy vậy trong thời gian này, ông đã tổ chức hai buổi diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn về “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, “Đạo đức luân lý Đông - Tây”. Bệnh tình của ông mỗi lúc một nặng. Trong thời gian bệnh nặng, ông về ở tại Hóc Môn (nhà của ông Nguyễn An Cư, chú ruột Nguyễn An Ninh).  Ngày 24/3/1926, lúc 21 giờ 30, ông từ trần ở tuổi 54. Đám tang nhà chí sĩ họ Phan được xem như quốc tang, không chỉ ở Sài Gòn, mà cả toàn quốc đều cử hành vô cùng trọng thể. Có nơi học sinh còn mít tinh, biểu tình, bãi khóa, đã gây nên một xúc động lớn trong mọi tầng lớp đồng bào Việt Nam. Cả cuộc đời ông đã trải qua mọi gian lao, hiến thân cho dân cho nước đến hơi thở cuối cùng.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 354 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày