Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào diễn ra 50 năm trước là một trong những trận đánh với quy mô thích hợp, nhằm tạo bước ngoặt, tăng thế và lực cho ta, đồng thời đẩy địch vào thế bị động đối phó, từng bước đi đến thất bại hoàn toàn. Xứng đáng là bản anh hùng ca thời đánh Mỹ.
Đầu năm 1971, trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, Mỹ - ngụy đã nỗ lực tổ chức một lực lượng lớn, bao gồm: các lực lượng dự bị chiến lược, lực lương cơ động của Quân khu 1, tiếp vận trung ương của quân ngụy cùng sự hỗ trợ lớn của bộ binh, thiết giáp, không quân Mỹ, mở “Cuộc hành quân Lam Sơn 719”, nhằm chặn đứng tuyến vận tải của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Về phía ta, tổ chức lực lượng tại chỗ gồm: Mặt trận đường số 9 (B5), Trị Thiên (B4); lực lượng của đoàn 559 và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; lực lượng cơ động là Binh đoàn 70 - một binh đoàn chiến dịch cấp quân đoàn đầu tiên lớn nhất của quân đội ta, gồm 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2) và một số tiểu đoàn, trung đoàn xe tăng - thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh. Đây là bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của bộ đội chủ lực ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch diễn ra ở vùng rừng núi biên giới Việt – Lào, thưa dân, lực lượng vũ trang nhỏ yếu, nơi nhạy cảm về chính trị, gần hậu phương của cả ta và địch.
Cánh chủ yếu của địch do chiến đoàn đặc nhiệm bao gồm Lữ đoàn 1 dù, 2 thiết đoàn số 11 và 17 theo đường 9 qua Lao Bảo đánh chiếm Bản Đông, Sê Pôn. Hai cánh khác ở phía Bắc có Lữ đoàn 3 dù, Liên đoàn 1 biệt động quân và phía Nam do sự đoàn 1 bộ binh đảm nhiệm chiếm các điểm cao phía Bắc đường số 9 và phía Nam sông Sê Pôn, khu vực Sai, Mường Noọng, bảo vệ hai bên sườn cho cánh quân chủ yếu.
Ngay khi địch vừa xuất phát hành quân, Bộ Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho các lực lượng tại chỗ đánh ngăn chặn, làm chậm các bước tiến của địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực cơ động đánh những trận tiêu diệt lớn. Phía Bắc đường 9, trong những ngày đầu tiên, lực lượng tại chỗ đã bắn rơi hàng chục máy bay lên thẳng của địch khi chúng đổ quân xuống khu vực này. Phía Nam, các chốt, điểm tựa phòng ngự trên các điểm cao do lực lượng tại chỗ của Đoàn 559 đảm nhiệm đánh địch đạt kết quả tốt và cùng với sư đoàn 324 đẩy lùi được mũi tiến công phía Nam của địch và đánh thiệt hại cánh quân này. Trên hướng chủ yếu – trục đường số 9, trong hai ngày 8 và 9/2/1971, bộ đội pháo cao xạ, bộ binh, công binh, vận tải Ðoàn 559 và các đơn vị chủ lực cơ động đã chặn đánh quyết liệt nhiều mũi tiến công của quân địch, bắn rơi 50 máy bay lên thẳng. Sáng 9/2, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) tăng cường cho Sư đoàn 308 liên tiếp đánh bại 5 đợt tiến công của chiến đoàn đặc nhiệm dù tại chốt 351 cầu Cha Kỵ diệt gần hai đại đội địch. Ngày 10/2/1971, địch dùng một lực lượng lớn với trên 100 xe tăng, thiết giáp chở Chiến đoàn đặc nhiệm có sự chi viện mạnh của hỏa lực pháo binh, vượt qua trước điểm chốt 315 lên Bản Đông. Đồng thời chúng dùng máy bay lên thẳng đổ Tiểu đoàn 9 dù xuống Bản Đông. Từ ngày 10/2, một mặt, ta sử dụng lực lượng vây chặt địch tại Bản Đông, kiên quyết không cho chúng phát triển lên Sê Pôn. Mặt khác, ta tiếp tục đánh cắt đường số 9 (đoạn Lao Bảo – Bản Đông), nhằm tiếp tế đường bộ và cô lập địch. Hai cánh quân địch bảo vệ sườn phía Bắc và Nam đường 9 bị đánh thiệt hại nặng, lực lượng chủ yếu của địch bị ta vây chặt ở Bản Đông không phát triển được, chúng buộc phải đưa lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến.
Ngày 28/2/1971, Lữ đoàn 2 dù, 2 thiết đoàn 4 và 7 được tung vào tăng cường phòng thủ Bản Đông và bảo vệ đoạn đường Lao Bảo – Bản Đông. Khi đó ở mặt trận chính, địch bị ta đánh thiệt hại trên các hướng phải co cụm chống đỡ không thực hiện được ý đồ đánh chiếm Sê Pôn. Tuyến sau, các lực lượng của mặt trận đường 9 – Bắc Quảng Trị liên tiếp tổ chức các trận phục kích, pháo kích và tập kích vào các căn cứ hậu cần, sở chỉ huy của địch gây nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy. Từ ngày 3 đến ngày 6/3/1971, địch dùng máy bay lên thẳng đưa phần lớn sư đoàn 1 bộ binh xuống các điểm cao 660, 723, Phu Rệp, Phu Om ở Phía Nam đường 9. Sau đó, chúng đổ 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 2 Sư đoàn 1 xuống Đông Bắc, Sê Pôn. Đồng thời từ Bản Đông, địch cũng tổ chức một mũi theo đường 9 đánh lên Sê Pôn để phối hợp với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 2 Sư đoàn 1.
Để bảo vệ Sê Pôn, Bộ Tư lệnh chiến dịch điều Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 lên phía Tây để tăng cường giữ Sê Pôn. Các Trung đoàn 2 của Sư đoàn 324, Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 và Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 đánh cắt đường 9 đoạn Lao Bảo – Bản Đông. Ở đường 9, các Trung đoàn 24 và 102 kiên cường đánh địch giải tỏa, diệt trên 300 tên, phá hủy và phá hỏng nhiều xe tăng và xe bọc thép. Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo cho các đơn vị chuyển sang tiến công trên toàn tuyến, kiên quyết cắt đứt đường rút lui của địch, tập trung lực lượng đánh trận then chốt nhất định. Ngày 13/3/1971, quân ta bắt đầu đột phá Bản Đông. Ngày 16/3/1971, Sư đoàn 2 được tăng cường 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 tiến công tiêu diệt đại bộ phận Trung đoàn 1 Sư đoàn 1 của ngụy ở điểm cao 723 (Phu Rệp). Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18/3, quân địch phải bỏ Bản Ðông tháo chạy. Nắm bắt thời cơ, bộ đội ta nhanh chóng chuyển sang truy quét địch. Ngày 20/3, Sư đoàn 2 tiếp tục tiến công diệt 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 2 – Sư đoàn 1 ở điểm cao 660. Trên Ðường 9 - Nam Lào, đoạn từ Bản Ðông về Lao Bảo, hơn 100 xe tăng, xe thiết giáp bị quân ta chặn đánh. Hàng trăm binh sĩ ngụy vứt bỏ súng đạn, chạy cắt rừng hòng thoát thân đã bị quân ta bắt. Ngày 20/3, khu vực Bản Ðông - nơi được chọn làm khu vực đánh trận then chốt, đã hoàn toàn giải phóng. Ngày 23/3/1971, Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi.
Đây là thắng lợi rực rỡ của Đường lối, chống Mỹ, cứu nước, đường lối quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta trong giai đoạn địch tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Quân ta đã nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tạo thế trận mới, tạo thời cơ chiến lược mới, phối hợp chặt chẽ giữa quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia diệt địch và đánh phá bình định, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị ngoại giao. Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào của quân đội ta đã chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy, mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng.
Yên Yên