Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt Nam, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, tín ngưỡng và những đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Một trong những ngôi đình lớn trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, đình Tân Lân – nơi thờ danh tướng Trần Thượng Xuyên, thể hiện khá rõ nét trong quá trình tiếp biến và giao thoa văn hóa giữa cộng đồng văn hóa người Việt và người Hoa trong tiến trình lịch sử của vùng đất này. Đình Tân Lân là một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao, được bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ, ngày 25 tháng 3 năm 1991.

Đình Tân Lân tọa lạc trên khuôn viên đất khá rộng (khoảng 3.000m2) bên đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Mặt tiền đình hướng về phía tây nam, phía trước là công viên giáp bờ sông Đồng Nai được tôn tạo khá đẹp. Ba hướng còn lại của đình là khu dân cư sinh sống. Đình Tân Lân xưa kia thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chính, dinh Trấn Biên. Nguyên thủy đình là ngôi miếu nhỏ ở Thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng (1820-1840). Sau hai lần dời chuyển vào năm 1861 và 1906, ngôi đình ở vị trí hiện nay. Đình Tân Lân đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Kiến trúc đình theo lối chữ tam (三) gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và hậu cung. Tiền đình có diện tích khoảng 75 m2, là một công trình nghệ thuật độc đáo gồm mảng tranh, tượng gốm trên mái tả cảnh trí, cảnh sinh hoạt, tượng người, tượng vật thể hiện các điển tích của văn hóa Trung Hoa. Mặt tiền mái đình là cả một công trình nghệ thuật đặc sắc. Khắc họa hàng trăm tượng người, tượng vật bằng gốm sứ men xanh thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động. Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ. Ngôi đình với kiến trúc trang trí mái đình rất đặc biệt. Những bức tượng gốm tinh xảo đủ màu sắc mô phỏng tứ linh thú Long – Lân – Quy – Phụng, và hình dáng bá quan văn võ trong triều đình với nhiều tư thế được sắp xếp một cách đối xứng và có trật tự thành ba hàng trên mái ngói. Tiền đình được chia làm 3 gian với 4 hàng, 8 cột gỗ tròn đường kính 35cm, được kê trên bệ đá xanh tròn 50cm.
Chánh điện được thiết kế cách biệt với tiền đình bằng hệ thống máng thoát nước giữa hai mái bằng tôn có diện tích gần 200m2 . Trên nóc chánh điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng, tượng trưng cho sự thịnh vượng, như ý. Các hoành phi, liễn đối khắc bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng, cùng với những cặp chim trĩ, loan, phượng bằng đồng đứng chầu trong tư thế trang nghiêm. Tượng danh tướng Trần Thượng Xuyên diện áo mão được đặt trên hương án trang trọng nơi chánh điện. Trước bàn thờ thần là bàn La liệt và bàn Hội đồng nội. Hai bên là bàn thờ Tả ban và Hữu ban hương án bằng gỗ. Dọc bàn tả hữu có các bệ thờ Thái Giám, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền. Chánh điện có những hàng cột gỗ lim to lớn. Toàn bộ khung kiến trúc chánh điện được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt đảm bảo độ bền vững cao.
Hậu cung có diện tích khoảng 120m2 được chia làm ba gian, chính giữa thờ Tiên sư, hai bên thờ Tiền thứ Việt Nam và Tiền thứ Trung Hoa, được đặt trên bệ thờ bằng xi măng lót gạch men xanh. Đặc biệt chính điện còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên ban cho Trần Thượng Xuyên. Hậu cung có 3 gian với 4 hàng 8 cột, trên nóc có gắn tượng rồng chầu tháp lam, hai bên có đôi cá chép và lân bằng gốm men xanh, nền lát gạch hoa. Ngay sau hậu cung còn có khu nhà bếp. Hai bên hông đình là khoảng sân rộng có miếu thờ Ông Đá bên hữu, thờ Bà ngũ hành bên tả và hương án Thần Nông được đúc bằng xi măng.
Đối tượng thờ chính đình Tân Lân là Đức ông Trần Thượng Xuyên được bài trí trong phần điện thờ thể hiện bằng tượng ngồi trên ngai với tư thế uy nghiêm. Trần Thượng Xuyên là người tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa), sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720. Ông nguyên là Tổng lãnh binh ba châu Cao - Lôi - Liêm. Khi vương triều Minh ở Trung Quốc sụp đổ, ông đã nổi dậy chống nhà Thanh để khôi phục nhà Minh nhưng thất bại. Năm 1679, ông đem hơn 3.000 quân cùng gia quyến theo đường biển đến Đại Việt xin cư trú. Chúa Nguyễn Phúc Tần chấp thuận cho vào xứ Đông Phố (tức Biên Hòa ngày nay) khai khẩn, sinh sống.
Trần Thượng Xuyên đưa lực lượng của mình đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố (địa phận Bàn Lân). Cùng nhóm lưu dân người Việt đến trước, ông và lực lượng trong đoàn tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Mặt khác, ông chiêu tập thương nhân người Hoa kiến thiết phố xá, tạo lập các cơ sở thương mại. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất, kinh tế phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (còn gọi là Cù Lao Phố) trở thành thương cảng phồn thịnh, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế vào bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ. Ông là một trong những người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai - Gia Định, về hoạt động quân sự, Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng thao lược được chúa Nguyễn tin dùng trong việc trấn an ở vùng đất phương Nam. Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch, năm Canh Tý (1720), an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), ông được người dân tôn kính thờ làm Thành hoàng tại đình Tân Lân. Ghi nhớ công lao của Trần Thượng xuyên, nhà Nguyễn ban phong nhiều danh hiệu cao quý “Trân vi tướng, đại đại công thần bất tiệt”, liệt vào bậc Thượng Đẳng thần.

Ngôi đình là nơi hội tụ, bảo lưu nhiều giá trị văn hóa dân gian, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta từ thời xưa để lại. Nơi đây không chỉ là nơi thờ phụng Thành hoàng, vị thần của làng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng văn minh lúa nước Việt Nam. Hằng năm, vào ngày 23 tháng 10 âm lịch, đình tổ chức lễ hội Kỳ yên, cũng là ngày lễ trọng đại thu hút đông đảo người dân không kể Hoa, Việt quy tụ về dâng hương cầu an, cầu phước. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày với các hoạt động cơ bản như: lễ nhập đoàn, lễ cung thỉnh sắc ông, lễ thỉnh sanh, lễ cúng tiên yết, lễ xây chầu đại hội, lễ hạ đàn. Trải qua thời gian lâu dài, cùng với đình Tân Lân, lễ hội góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là của vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai.
Yên Yên