Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 24/03/2021, 15:10

Kỷ niệm 30 năm ngày Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (25/3/1991 - 25/3/2021)

Đình làng chính là nơi hội tụ của cộng đồng làng xã, là một thiết chế văn hoá cổ truyền của người Việt thông qua các hình thức tín ngưỡng, lễ hội đầy màu sắc mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Được hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành kỷ cương, linh hồn và ngưỡng vọng của mỗi người dân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đình làng vẫn còn đó nguyên vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của một vùng đất, cư dân địa phương. Cũng như các đình làng khác ở nước ta, các ngôi đình ở Đồng Nai có chung đặc điểm về giá trị văn hóa đó là một trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử rất riêng và quan trọng đó là sự gắn bó với lịch sử hình thành, sinh sống của người Đồng Nai, của tiến trình bảo vệ, giữ gìn bờ cõi. Đối tượng thờ cúng chính trong các ngôi đình ở Biên Hòa - Đồng Nai là Thần Thành Hoàng. Đây là vị thần linh được xem là bảo hộ của thôn làng. Đồng Nai có rất nhiều ngôi đình, có thể kể đến đình Bình Kính, còn gọi là Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích lịch sử tồn tại hơn ba thế kỷ ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, được bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ, ngày 25 tháng 3 năm 1991.

Đình tọa lạc trên diện tích đất rộng, bên tả của nhánh sông ôm trọn Cù lao Phố, dưới chân cầu Ghềnh, mặt tiền nhìn về hướng Tây Nam, soi bóng xuống dòng nước Đồng Nai trong xanh, hiền hòa. Theo người dân địa phương, di tích được dân làng Bình Kính xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII, thờ thần Thành hoàng bổn cảnh. Ban đầu, ngôi miếu nhỏ, được làm từ vách ván, mái ngói. Năm 1788, trong thời gian giao tranh giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn ở Đồng Nai, miếu bị hoang tàn. Sau này, người dân cải miếu thành đình, thờ Nguyễn Hữu cảnh làm phúc thần của làng xã. Thời vua Gia Long đã cho trùng tu lại đền và cắt cử 10 từ phu trông coi chăm sóc. Năm 1851 (Tự Đức thứ 4), triều đình cấp tiền để cất lại đình cách đình cũ 400 mét về phía bên phải. Năm 1960, đình được trùng tu, mở rộng chánh điện. Trải qua mấy thế kỉ, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã trở nên như hôm nay, luôn vững bền trước sức ép của những cuộc chiến tranh ác liệt, khắc khe của thiên nhiên. Vùng đất cù lao phố nói chung và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng luôn mang một giá trị cao quý đẹp đẽ, thể hiện lòng tưởng nhớ của đời sau dành cho vị khai quốc công thần.

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Là một vị tướng tài, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu sai làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai năm 1698 (Mậu Dần). Trong chuyến kinh lược, ông đã thực hiện một số công việc quan trọng, đặt nền tảng cho công cuộc khai khẩn mạnh mẽ và quản lý vùng Nam Bộ thời bấy giờ. Năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện nhiệm vụ trấn an vùng biên giới Tây Nam Bộ. Trên đường trở về, ông bị bệnh và mất tại Rạch Gầm (Mỹ Tho) vào ngày 16 tháng 5 năm 1700. Linh cữu của ông được đưa về Cù Lao Phố, sau đó đưa về chôn cất nơi quê hương là đất Quảng Bình. Ông đã góp phần quan trọng trong việc phát triển của vùng đất phương Nam. Chúa Nguyễn truy tặng Nguyễn Hữu Cảnh là Hiệp tán công thần, Đặc tiến Chưởng dinh, Tráng hoàn hầu, Thời các vua Nguyễn, ông được truy phong Thượng đẳng công thần đặc Trấn phủ quốc Chưởng cơ với tước Lễ Thành hầu, được thờ tại Thái miếu. Khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, nhân dân Biên Hoà - Đồng Nai thương kính, tỏ lòng biết ơn đã cải đình Bình Hoành thành đình Bình Kính thờ ông. Nơi huyền táng linh cữu ông, người dân xây mộ để tưởng vọng. Nguyễn Hữu Cảnh được lòng dân Biên Hoà - Đồng Nai tôn thờ như một vị thần có công mở cõi, khai sáng xứ Đồng Nai. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn được người dân chăm lo, hương khói gìn giữ, tu bổ. Đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng ngôi đền vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính, nghệ thuật trang trí tinh tế, độc đáo.

Kiến trúc ban đầu của đền không còn lưu giữ được do sự hủy hoại của tự nhiên. Năm 1851, đền được xây lại và cách vị trí cũ khoảng 400 mét. Di tích trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện tồn tại theo dạng chữ nhị. Từ ngoài vào theo lối chính có ba cửa. Chánh điện hình vuông, tường gạch, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói. Gian giữa chánh điện thờ thần, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị. Hàng cột hành lang mặt trước đắp trang trí hình ảnh những con rồng cuộn, đối chầu với nhau. Nội điện có ba hàng cột gỗ lớn treo những liễn đối và các hoành phi, bao lam, hương án bằng gỗ được chạm trổ tinh tế các đề tài dân gian. Các hoành phi thể hiện dưới dạng đại tự chữ Hán, liễn đối được trang trí hoa văn sơn son thếp vàng. Đối tượng thờ chính là Thượng đẳng công thần Nguyễn Hữu Cảnh. Phía sau chánh điện là khu nhà khách, nhà bếp và nhà kho. Phần mộ của Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc trên gò đất phía Đông cách đền thờ khoảng 50m. Mộ quay theo hướng Đông Nam, có thành, quách và được trang trí các họa tiết, cặp đối chữ Hán. Toàn khu mộ có tường bao quanh, mặt sau và trước có bình phong được xây kiểu mái đền. Hằng năm, tại đình tổ chức lễ vào ngày 16, 17 tháng 5 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao vào ngày mất của Nguyễn Hữu Cảnh và lễ Kỳ yên vào ngày 10,11 tháng 11 (âm lịch).

Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những di tích tiêu biểu đánh dấu tiến trình hơn 320 năm hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Sự hiện diện của di tích trong suốt thời gian qua, đã góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp vốn có của Cù Lao Phố - nơi từng được mệnh danh là một thương cảng đô hội phồn vinh lớn nhất Nam bộ vào những thế kỷ trước. Di tích không chỉ là minh chứng lịch sử, mà còn là nơi bảo lưu, gìn giữ những giá trị vật chất, tinh thần của người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ biết thêm về lịch sử di tích này, tự hào về truyền thống cha ông, từ đó ra sức phấn đấu để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 477 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày