Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 27/03/2021, 13:50

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2021)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc ta. Người suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tiến bộ xã hội, hạnh phúc của nhân dân. Hầu hết các lĩnh vực, các mặt quan trọng vì nước vì dân đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng và chỉ đạo đúng đắn. Bác cũng là người khai sinh nền thể dục thể thao của chế độ mới.

Sau cuộc Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu lãnh đạo quốc dân tiến hành những công việc to lớn, cấp thiết nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng nước nhà. Nhận thấy sức khỏe của đồng bào ta giảm sút nhiều do chế độ cũ gây nên, để khôi phục và tăng cường sức khỏe cho mọi người dân nhằm đáp ứng với công cuộc xây dựng và bảo vệ nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xúc tiến một biện pháp rất cần thiết, đó là thực hiện cuộc vận động toàn dân rèn luyện sức khỏe. Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

Về mặt phân cấp, Nha Thể dục Trung ương ngang hàng cấp Vụ. Để Nha này có vị thế nhất định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Bộ trưởng Thanh niên kiêm Giám đốc Nha Thể dục Trung ương và tiến cử ông làm Ủy viên Ban Trung ương vận động đời sống mới. Tập thể dục thể thao cũng là nội dung của đời sống mới. Nhờ đó, Nha Thể dục Trung ương đã quản lý, điều hành các hoạt động thể dục thể thao một cách thuận lợi, tiến triển tốt, quan hệ công tác với Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Quốc phòng đạt nhiều kết quả thiết thực như: mở trường Thanh niên – Thể dục đào tạo ra hàng trăm cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao cho các ngành, tỉnh, thành phố, tuyên truyền vận động phong trào “phổ thông thể dục”, xây dựng các bài tập và chương trình tập luyện phù hợp, tiến hành tổ chức được một số cuộc thi đấu cấp kỳ và cấp quốc gia…

Ngày 27/3/1946, với tổ chức và cơ cấu mới của Chính phủ Liên hiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm có một phòng Thanh niên Trung ương và một phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày 27/3/1946, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Bác đã chỉ ra tính mục đích là phát triển phong trào tập thể dục để giữ gìn và bồi đắp sức khỏe cho mọi người “dân cường thì nước thịnh”. Tư tưởng đó của Bác hiển nhiên là một chân lý. Sức khỏe của nhân dân là một tài sản quý giá nhất của dân tộc ta. Nhân dân có sức khỏe là thể hiện tính ưu việt của chế độ, thể hiện sự tiến bộ và sự phát triển của đất nước. Sức khỏe của nhân dân là một trong những nguồn lực to lớn làm nên mọi sự phát triển đưa đất nước tới phú cường. Điều đó có nghĩa là sức khỏe cùng năng lực sáng tạo của nhân dân là động lực quan trọng làm ra của cải vật chất, tinh thần cho dân cho nước ngày càng giàu mạnh. Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Bác Hồ đã nêu lên một quan điểm gắn với lòng yêu nước của nhân dân ta. Đó là: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Như vậy tập thể dục để có sức khỏe đối với mỗi người là một cử chỉ yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá vai trò hết sức quan trọng của sức khỏe nhân dân đối với những nhiệm vụ to lớn của đất nước: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”. Quan điểm này của Bác bao quát cả vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân quyết định sự thắng lợi của cách mạng.

            Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ những ngày đầu kháng chiến gian khổ, một phong trào “khỏe vì nước” đã được dấy lên. Từ thanh niên học sinh, đến các chiến sĩ tự vệ, từ các cụ phụ lão đến các cháu thiếu nhi đều hăng hái tham gia tập thể dục với tinh thần xây dựng “Đời sống mới” từ đô thị đến nông thôn. Phong trào thể dục thể thao từ đó được hình thành và phát triển. Với những ý nghĩa sâu sắc đó, ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.

            Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Ngành TDTT Việt Nam với các tên như: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban TDTT (1960), Ủy ban TDTT đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và tham gia phong trào quốc tế. Đảng, Nhà nước ta hiện nay càng quan tâm lãnh đạo nền thể dục thể thao cách mạng.Tính ưu việt của nền TDTT ngày càng được khẳng định và đã trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 339 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày