Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi. Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh lịch sử mới, lượng vũ trang Quân khu 7 được tổ chức, xây dựng theo hướng tập trung giải quyết những tồn tại sau chiến tranh, chấn chỉnh lực lượng, để nhanh chóng ổn định tổ chức. Nhằm đáp ứng yều cầu khắc phục hậu quả sau chiến tranh, ổn định sản xuất, cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Quân khu đảm trách. Ngày 6/4/1976, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định rút gọn các đơn vị công binh Miền, tổ chức thành Phòng Công binh thuộc Bộ Tham mưu Quân khu và Trung đoàn công binh 25 trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu. Tới ngày 31/8/1991, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 209/QĐ-QP về việc thành lập Lữ đoàn công binh 25 Quân khu 7. Điều 1 quyết định ghi rõ: “Thành lập Lữ đoàn công binh trực thuộc Quân khu 7 trên cơ sở Trung đoàn công binh 25, lấy tên là Lữ đoàn công binh 25…”. Từ đây, Trung đoàn phát triển thành Lữ đoàn công binh 25 Quân khu 7.

Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 25 bắt tay thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng đơn vị vừa góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Tháng 8/1976, Trung đoàn Công binh 25 chính thức ổn định bước đầu về mặt tổ chức, trong điều kiện trung đoàn đang phải đóng phân tán ở 5 địa điểm cách xa nhau. Đó là tiểu đoàn 741 vượt sông đứng chân phía đông cầu sông Đồng Nai. Tiểu đoàn 98 đứng chân ở ngoại ô thị xã Thủ Dầu Một. Tiểu đoàn 278 đứng chân tại căn cứ Hốc Bà Thức (tỉnh Đồng Nai). Tiểu đoàn 739 đứng chân tại sông Nhạn, huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Đây là những tiểu đoàn được đào tạo huấn luyện chính quy ở hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và lần lượt tham gia các chiến dịch lớn từ mùa khô năm 1967 cho đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, các đơn vị công binh tiền thân của Lữ đoàn 25 đã phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cả trong những tình huống cam go nhất, góp phần xây tạo nên truyền thông Công binh “mở đường thắng lợi”. Trong điều kiện các tiểu đoàn trực thuộc vẫn đang đóng quân phân tán khắp địa bàn miền Đông Nam Bộ, Trung đoàn đã phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng, ổn định tổ chức, vừa huấn luyện đơn vị, và triển khai kế hoạch tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, tham gia cứu đói. Đồng thời, trung đoàn đã nhanh chóng tổ chức đơn vị để trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7. Trung đoàn công binh 25 luôn vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng trung đoàn ngày càng lớn mạnh, khôi phục kinh tế và chiến đấu thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia.
Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia (1979-1989), xa hậu phương, không thông thuộc địa hình, điều kiện khí hậu khắc nhiệt, nhiệm vụ đa dạng, khẩn trương, lực lượng phân tán, Trung đoàn đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thể hiện bản lĩnh tích cực, chủ động, sáng tạo, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hoạt động của Trung đoàn đã góp phần vào công cuộc hồi sinh đất nước và phát triển thực lực cách mạng Campuchia, tạo điều kiện cho nước bạn bảo vệ thành quả cách mạng ngày 7/1/1979. Từ đây, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.
Trở về tổ quốc sau khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc tế, Trung đoàn được tổ chức xây dựng lại với yêu cầu nhiệm vụ ngày một cao hơn. Trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, trước yêu cầu xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, Lữ đoàn đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng xây dựng công trình và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng đơn vị vững mạnh, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng môi trường văn hóa, xanh-sạch-đẹp. Kế thừa những chiến công vẻ vang của các đơn vị tiền thân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7, sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 25 đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, phát huy tinh thần tự lực tự cường, mưu trí sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây đắp lên truyền thống “Vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” góp phần tô thắm thêm truyền thống “Mở đường thắng lợi” của bộ đội công binh. Với thành tích trên, Lữ đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Suốt chặng dường 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trí tuệ, công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 25 đã vun kết nên truyền thống “vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm kết tinh từ thực tiễn xây dựng đơn vị, xây dựng công trình quân sự, chiến đấu và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, kết tinh từ mồ hôi, xương máu của lớp lớp cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn trong suốt 45 năm qua. Những chiến công và những bài học kinh nghiệm của Lữ đoàn trong suốt thời gian qua gắn liền với những chặng đường lịch sử của LLVT Quân khu 7, góp phần làm rạng rỡ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” được Bác Hồ trao tặng.
Yên Yên