Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 07/10/2015, 09:45

KỶ NIỆM 300 NĂM VĂN MIẾU TRẤN BIÊN (1715 – 2015)

VĂN MIẾU TRẤN BIÊN ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT ĐỊA CHỈ

VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA TỈNH ĐỒNG NAI

 

Trải qua 300 năm, vận nước những lúc thăng trầm, nhưng Văn miếu Trấn biên luôn ấm nồng hương khói, nhiều lần tu bổ, định kỳ tế lễ hàng năm, lòng người ngưỡng vọng.

Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên bị tiêu hủy trong khói lửa chiến tranh, đến một đôi liễn đối cũng không còn được vẹn toàn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa – Đồng Nai tập trung tổng lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không có điều kiện để tái thiết Văn miếu. Nhưng hình ảnh của Văn miếu Trấn biên vẫn lưu giữ trong lòng dân, nó tiềm ẩn trong ý chí mãnh liệt quyết chiến, quyết thắng ngoại xâm để xây dựng lại đất nước đường hoàng hơn, to đẹp hơn theo mong ước của Bác Hồ.

 

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nguyện vọng tha thiết ấy mới thành hiện thực. Ý nguyện phục dựng lại Văn miếu Trấn Biên để nối mạch truyền thống của tiền nhân được hình thành cùng lúc với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Từ định hướng đến công trình được thực thi, phải trải qua thời gian khá dài cho việc nghiên cứu tìm lại vết tích, chọn phương án xây dựng.

Cùng với những biến động của lịch sử, Văn Miếu Trấn Biên phải trải qua nhiều lần trùng tu. Đến năm 1998, nhân kỷ niệm Biên Hòa 300 năm hình thành và phát triển, Văn Miếu Trấn Biên đã được khởi công khôi phục lại trên nền đất cũ. Sau khi xây dựng hoàn thiện vào năm 2002, Văn Miếu Trấn Biên trở thành một tổng thể kiến trúc – nghệ thuật uy nghi, đẹp đẽ.

 

 

Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trong bối cảnh vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã khá ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (có Nông Nại Đại Phố, có dinh trấn...) như một sự xác lập vị thế địa văn hóa - chính trị của vùng đất; đồng thời là sự tiếp nối văn miếu Thăng Long và truyền thống trọng học, trọng trí thức nhân tài của tổ tiên trải qua nhiều thế kỷ xây dựng quốc gia tộc lập tự chủ. Gắn liền với Văn miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển khá sớm ở Biên Hòa - Đồng Nai lúc bấy giờ. Và trên nền giáo dục ấy cũng đã sản sinh ra những tên tuổi làm rạng rỡ vùng đất phương Nam, đồng thời tô điểm thêm truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc ta như: Võ Trường Toản, Trịnh Hòai Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu...

 

 

Ngày 22/9/2015 tại Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên đã khánh thành Vườn tượng Danh nhân văn hóa là một trong những công trình chào mừng các ngày lễ lớn và Đại hội Đảng các cấp năm 2015. Khu Vườn tượng Danh nhân văn hóa gồm phù điêu thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và 12 vị danh nhân văn hóa đang được thờ tại Nhà bái đường gồm Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu và tượng vua Lý Thái Tổ đặt xung quanh khuôn viên phía trước Văn Miếu. Các tượng và phù điêu trong thời gian hơn 2 năm với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa.

 

 

Dự án được bắt đầu từ ý tưởng sâu lắng của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng là nguyện vong chung của nhân dân Đồng Nai lấy giá trị văn hóa làm nền tảng phát triển lâu dài. Theo quy hoạch tổng diện tích là 5 hecta được chia làm nhiều giai đoạn trong đó giai đoạn 1 gồm 13 tượng và phù điêu Huỳnh Văn Nghệ đã hoàn thành ngày hôm nay.

Ngoài ra công trình sẽ còn tiếp tục thực hiện các tượng danh nhân văn hóa khác có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa giáo dục tỉnh nhà để nơi đây trở thành một không gian văn hóa là điểm kết nối những giá trị văn hóa cha ông ta từ xưa cho đến các thế hệ hôm nay.

 

 

Vườn tượng danh nhân văn hóa còn là phương thức truyền tải giá trị văn hóa một cách sinh động và thiết thực nhất góp phần đưa lịch sử Việt Nam gần hơn với các em học sinh. Từ đó khuyến khích các em tìm hiểu về tiểu sử danh nhân văn hóa và đặc biệt là những vị danh nhân mà ngôi trường mình được danh dự mang tên.

 

 

Ngoài ý nghĩa tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống Thăng Long Hà Nội, văn hóa phương Nam khuyến khích tinh thần trọng học trọng nhân tài của cha ông ta thì vườn tượng danh nhân văn hóa còn thể hiện sự quan tâm của tỉnh nhà trong dịp gìn giữ và phát huy các giá trị vô giá của văn hóa. Song song với phát triển kinh tế bởi vật chất có thể đi qua tan biến nhưng văn hóa sẽ là giá trị mãi trường tồn.

Việc phục dựng Văn miếu Trấn Biên đã thể hiện tấm lòng, quyết tâm lớn và bản lĩnh sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai. Cơ sở tư tưởng để xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên là truyền thống giữ gìn và biết phát huy bản sắc dân tộc; tư tưởng của Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần, làm mục tiêu, đồng thời là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Văn miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc và của địa phương; đồng thời là một thiết chế văn hóa, du lịch gắn với khu danh thắng Bửu Long đã được công nhận là di tích quốc gia.

Văn miếu Trấn Biên đã trở thành một địa chỉ văn hóa đặc sắc với nhiều hoạt động phong phú, đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân. Do vậy, ngoài việc thờ phụng các danh nhân văn hóa – giáo dục xưa và nay, còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực. Ngoài ra, Văn miếu cũng là nơi đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh cũng như các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Đồng Nai.

Quan tâm đến Văn miếu Trấn biên, các đồng chí lãnh đạo Đảng cao cấp ở Trung ương, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng đã đến thăm, đánh giá cao và động viên Đảng bộ, nhân dân Đồng Nai giữ gìn và phát huy giá trị của Văn miếu Trấn Biên trong sự nghiệp văn hóa – giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài cho đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

 

 

_Quỳnh Giang_

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3626 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày