Lý Anh Tông tên là Lý Thiên Tộ, sinh tháng 4 năm 1136. Ông là con trai thứ hai của Lý Thần Tông. Mẹ của ông là Hoàng hậu Lê Thị Anh. Khi vua Lý Thần Tông qua đời, Thái tử Lý Anh Tông chưa đầy 3 tuổi lên ngôi vua. Sau khi lên ngôi, ông đổi niên hiệu là Thiệu Minh, phong cho mẹ là Hoàng Thái Hậu. Theo lịch sử ghi chép, khi Lý Anh Tông lên làm vua, Đỗ Anh Vũ (một vị đại thần rất có quyền thế trong thời đại nhà Lý của lịch sử Việt Nam) làm Thái úy, quyết đoán mọi việc.
Năm 1150, Hoàng đế đã 14 tuổi nhưng Đỗ Anh Vũ vẫn chèn ép vua, nên tướng Vũ Cát Đái cầm đầu cuộc binh biến, bắt trói Anh Vũ và tiêu diệt phe cánh. Nhưng Lê Thái hậu lại dùng tiền của đút lót cho Vũ Cát Đái để y tha cho Anh Vũ. Sau đó Hoàng Thái Hậu mở nhiều hội và ân xá để Đỗ Anh Vũ được tha tội. Nghe theo lời khuyên của mẹ, Lý Anh Tông phục chức cho Đỗ Anh Vũ. Nghe theo lời Đỗ Anh Vũ, Lý Anh Tông ra lệnh sát hại Vũ Đái và những người cùng phe cánh giao xuống hàng quan lại ở dưới làm án trừng trị.
Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Lý Anh Tông bắt đầu có thể tự mình điều hành chính sự, không còn chịu sức ép của gian thần. Ngài bắt đầu công việc đầu tiên là chọn người hiền tài để đứng vào vị trí Phụ quốc thái úy – chức vụ có tầm quan trọng trực tiếp cùng với hoàng đế điều hành chính sự quốc gia, chăm lo cho đời sống dân chúng và sự vững mạnh của vương triều. Cuối cùng, Lý Anh Tông đã chọn Tô Hiến Thành – khi ấy đã 54 tuổi, gánh vác trọng trách quan trọng này. Lúc đó, triều đình Nhà Lý vẫn còn rất nhiều những cựu thần từ các thời Nhân Tông, Thần Tông đang phụng sự, Tô Hiến Thành chức vụ thấp hơn và trẻ hơn họ nhưng đã được Lý Anh Tông nhất quyết tin dùng. Lý Anh Tông đến các vùng núi non hiểm trở (1171-1172), quan sát sinh hoạt của dân, rồi sai quan lại làm tập bản đồ nước Đại Việt, soạn ra cuốn sách Nam Bắc phiên giới địa đồ. Hoàng tử Long Xưởng là con trưởng, được lập làm Thái tử. Năm 1174, thái tử Long Xưởng phạm lỗi tư thông với các phi tần trong cung nên bị phế truất và lập Lý Long Trát (người con thứ 6) làm thái tử khi mới 2 tuổi. Trong thời gian ốm nặng, ông quyết định ủy thác con nhỏ cho Tô Hiến Thành nuôi dạy và phong cho Tô Hiến Thành làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự. Ngày 14/8/1175 Lý Anh Tông mất.
Trong 37 năm làm vua, Lý Anh Tông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đại Việt, nhất là giá trị tư tưởng nhân văn quân sự của ông. Khi ở ngôi vị Hoàng đế, ông đã rất coi trọng sự ổn định gia thất, đất nước, có tâm ý lấy đức nhân để trị nước. Khi gia tộc xảy ra nhiều mâu thuẫn, thậm chí xảy ra xung đột bạo lực, ông đã ban hành lệnh cấm hạn chế việc đi lại trong hoàng cung, nhất là các vương hầu, ngăn cản hậu họa. Ngoài ra, ông còn chú trọng xây dựng cấm quân, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, để giữ cho đất nước ổn định, ngăn chặn lực lượng bên ngoài chống phá, xâm lược. Do điều kiện các vùng xa, nhất là ở các vùng núi, ảnh hưởng của triều đình chưa chi phối được chặt chẽ, nên chính quyền ở các châu, huyện miền núi vẫn thuộc quyền tầng lớp thống trị người địa phương như các tù trưởng theo cơ chế thế tập. Cùng với chính sách dùng quan hệ hôn nhân để lôi kéo các châu mục, tù trưởng có thế lực, vua Lý Anh Tông còn coi trọng chính sách mở rộng quyền lực cho các tướng lĩnh trong giám sát các trấn phương xa.
Ông cùng với các lực lượng quân sự tăng cường tuần tra biên giới bộ, tuần tra hải đảo, xem khắp tình thế núi sông; trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhiều công trình phòng vệ quân sự. Để giữ yên biên giới, tháng 11/1161, Lý Anh Tông sai Tô Hiến Thành làm đô tướng đem hai vạn quan đi tuần ven biển Tây Nam. Đặc biệt, ông cho xây dựng chiến lược tương đối đầy đủ hệ thống đối với các vùng biển đảo, từ việc xây dựng các cơ sở quản lý, tổ chức các đội tàu thuyền, đến việc kiểm tra, kiểm soát, xác định ranh giới trên biển, bảo vệ nhân dân và mở rộng quan hệ giao thương buôn bán với ngoại quốc. Ông liên tục cho đóng thuyền lớn tham gia vào việc kiểm tra, kiểm soát, khai thác và bảo vệ vùng sông nước, biển đảo. Vì thành công của chính sách này mà triều đình nhà Tống phong cho ông làm An Nam Quốc Vương và công nhận nước ta là An Nam Quốc.
Lý Anh Tông được coi là vị vua giàu lòng yêu thương con người. Tư tưởng coi trọng con người của ông được phản ánh ở chính sách hòa giải trong giải quyết bất đồng, lộng quyền, bạo loạn. Với những mâu thuẫn, xung đột trong gia tộc, ông luôn hướng về kế giữ gìn đạo hòa thuận. Các hoạt động quân sự dưới sự chỉ đạo của ông đều hướng vào mục tiêu ngăn chặn bạo động xảy ra trong gia tộc, thân vương. Đối với đất nước, để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nhà vua luôn quan tâm đến những địa điểm có nguy cơ bùng phát khởi nghĩa, phá rối, cướp đất đai, chiếm dân của ngoại bang. Khi hết khả năng hòa giải, ông mới bàn đến việc sử dụng lực lượng quân sự để dẹp loạn, đánh đuổi xâm lăng. Ông luôn kiên định thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” của tổ tiên. Nhờ vậy mà đã tạo thêm nguồn lực cho sản xuất, đồng thời giảm bớt đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, tạo sự gắn bó, đoàn kết. Chính sách này góp phần phát triển kinh tế đất nước, đồng thời tăng cường sức mạnh quốc phòng nhất là vùng biên giới và biển đảo.
Hoàng đế Lý Anh Tông qua đời khi 40 tuổi, lên ngôi vua trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, chính thức cầm quyền được khoảng 20 năm. Đó cũng là khoảng thời gian Ngài đã giữ vững cơ nghiệp của Lý Thái Tổ, bằng cách hết lòng chăm lo cho dân chúng, biết cách trọng dụng hiền tài, đồng thời không nghe theo lời xàm tấu của gian thần và đàn bà hậu cung. Ông đã biết kế thừa di sản tư tưởng nhân văn của các tiên đế, tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của dân tộc, góp phần giữ yên gia tộc và sự ổn định của đất nước.
Yên Yên