Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 24/04/2021, 08:55

Kỷ niệm 115 Ngày sinh Tổng bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 – 24/4/2021)

Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-04-1906, trong gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tham gia các hoạt động yêu nước từ rất sớm, Hà Huy Tập đã sớm thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Từ một trí thức yêu nước, đồng chí Hà Huy Tập đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cộng sản đầy nhiệt huyết cách mạng, dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh; trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta: Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Đồng chí đã cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt lập ra ban chỉ huy ở ngoài của Đảng vào tháng 3-1934, làm nhiệm vụ chắp nối và khôi phục các tổ chức đảng còn lại ở trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931, đồng thời chuẩn bị các công việc cho Đại hội lần thứ I của Đảng sẽ tổ chức vào mùa Xuân năm 1935.

Đồng chí là người chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng ta vào tháng 3-1935, ở Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị do đồng chí trình bày và thông qua nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng. Đại hội đã bầu ra được một Ban Chấp hành Trung ương và Ban thường vụ do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký (Tổng Bí thư). Đồng chí Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản chỉ định là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn của Đảng ta. Thành công của Đại hội lần thứ I đã đánh dấu việc Đảng ta đã được khôi phục về tổ chức, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo kéo dài suốt 4 năm liền (từ tháng 3-1931 đến tháng 3-1935). Đảng ta giữ vững được vai trò lãnh đạo, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Lịch sử ghi nhận công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Hà Huy Tập cùng nhiều đồng chí chiến sĩ cộng sản trung kiên khác của Đảng.

Sau khi đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản trở về đã cùng với đồng chí Hà Huy Tập triệu tập hội nghị Trung ương vào tháng 7-1936 ở Thượng Hải để điều chỉnh đường lối chính trị và tổ chức của Đảng cho phù hợp với tinh thần Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Hà Huy Tập được Hội nghị phân công về nước tổ chức lại Ban Trung ương (vì Ban Trung ương được lập ra sau đại hội lần thứ I của Đảng đã bị địch bắt gần hết, đến đầu năm 1936, về cơ bản Ban Trung ương đã kết thúc hoạt động) và khôi phục các mối liên lạc với các tổ chức đảng ở trong nước. Đến thời điểm này, đồng chí Hà Huy Tập đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta.

Sau khi về nước, đồng chí Hà Huy Tập đã tìm cách móc nối liên lạc với các tổ chức đảng, triệu tập Hội nghị cán bộ vào tháng 10-1936 để lập ra Ban Trung ương lâm thời. Sau hội nghị, Ban Trung ương đã cử các cán bộ đi Bắc Kỳ và Trung Kỳ để khôi phục các tổ chức đảng. Sau đó, đồng chí đã triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), đó là các hội nghị tháng 3 – 1937, 9-1937 và tháng 3-1938 để thống nhất các tổ chức đảng ở trong nước, bầu ra Ban chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ, thống nhất về tổ chức và lực lượng Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau. Điều đó cho thấy, Đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lãnh đạo tài năng có công khôi phục tổ chức và Ban lãnh đạo Đảng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Nhiều tác phẩm của đồng chí Hà Huy Tập được đăng trong Văn kiện Đảng toàn tập các tập 3, 4, 5, 6 do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – sự thật ấn hành như các bài: Lịch sử của Tân Việt Cách mạng Đảng, Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia, Thư gửi Ban Biên tập tạp chí Bônsơvích, Sơ khảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương,…đã nêu bật quá trình hình thành và phát triển của Đảng ta từ khi ra đời đến năm 1933, góp phần nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân trong thời kỳ cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Đồng thời, đây cũng là nguồn tư liệu tham khảo quý báu cho công tác nghiên cứu lịch sử Đảng ta.

Từ một trí thức yêu nước, đi theo con đường cách mạng và trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 30, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi cùng với các cơ quan lãnh đạo của Đảng đã đưa ra những quyết sách phù hợp; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Đảng, biến thời cơ thành hiện thực, dấy lên cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình và chống chiến tranh Đế quốc ở nước ta những năm 1936-1939.

Với 35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 2 năm ở cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách và nhiều biến động phức tạp. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với những mốc son lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn đầu xây dựng Đảng. Đồng chí là một trong những người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, có công lao to lớn trong việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, gây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí đã viết nhiều tác phẩm có tính lý luận sắc sảo, đấu tranh chống quan điểm lệch lạc, tạo nên sự thống nhất tư tưởng trong Đảng. Tích cực tham gia khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và Ban Lãnh Đạo Trung ương, chuẩn bị văn kiện và chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Đảng, tổng kết tình hình thực tiễn, đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh phù hợp, đặc biệt là chuyển trụ sở của Đảng từ nước ngoài về trong nước, thành lập mặt trận dân chủ Đông Dương, trực tiếp lãnh đạo vực dậy phong trào cách mạng giai đoạn mới.

Những cống hiến to lớn và sự hy sinh cao cả của đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Đồng chí là một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản, tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập cũng là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Noi gương Tổng Bí thư Hà Huy Tập, phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Mai Mai

 

 

 

 


Số lượt người xem: 321 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày