Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 27/04/2021, 10:05

Trận Bạch Đằng II (28/4/981) - trận thủy chiến làm nên những trang sử hào hùng trên sông Bạch Đằng

Là một không gian không quá rộng lớn nhưng vùng cửa sông Bạch Đằng chảy qua địa phận Hải Phòng lại là một địa danh đặc biệt, bởi nó gắn liền với 3 trận thủy chiến, trong đó có trận Bạch Đằng năm 981 buộc Đại Tống chấp nhận xuống nước và chính thức thừa nhận Lê Đại Hành cai trị Đại Cồ Việt.

Năm 944, Ngô Quyền mất, lợi dụng sự suy yếu của triều đình trung ương, thế lực cát cứ ở các địa phương nổi dậy, mỗi người hùng cứ một phương gây ra nổi loạn mười hai sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đống đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đặt tên niên hiệu là Thái Bình, tổ chức triều đình theo kiểu phong kiến tập quyền, xây dựng quân đội theo hệ thống đạo, quân, lữ, tốt, ngũ, mỗi bậc từ dưới lên trên đều gấp 10 lần. Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát, con thứ Đinh Toàn mới 5 tuổi lên nối ngôi, triều đình nhà Đinh suy yếu. Nhân cơ hội này, nhà Tống ráo riết tập trung binh lực chuẩn bị xâm lược nước ta.

 Ngày 19/8/980, vua Tống chiếu điều tướng, chỉnh quân chuẩn bị xâm lược Đại Cồ Việt. Nhà Tống chủ trương lấy ngay quân có sẵn ở Ung, Quảng, vốn liền kề biên giới Việt – Tống phái đi trước. Cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy từ Khâm Châu, theo đường biển tiến vào Lãng Sơn (Quảng Ninh), qua cửa Bạch Đằng, rồi theo sông Kinh Thầy ngược lên sông Lục Đầu. Cánh quân bộ do Tôn Toàn Hưng chỉ huy từ Ung Châu, qua Quỷ Môn Quan vào châu Tô Mậu, đến Đông Triều, Chí Linh mà tiến sâu vào nội địa nước ta. Hai cánh quân này xuất phát gần như đồng thời với nhau, và theo kế hoạch hợp điểm, chúng sẽ gặp nhau ở Hoa Bộ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), rồi Đại La, cuối cùng hợp sức đánh chiếm Hoa Lư.

Trước nguy cơ ngoại xâm đang đến gần, triều đình và các tướng lĩnh đã suy tôn Lê Hoàn làm vua (tức vua Lê Đại Hành) để lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt chuẩn bị kháng chiến. Sau khi ổn định tình hình nội bộ, một mặt Lê Hoàn huy động quân sĩ và nhân dân khẩn trương chuẩn bị chống giặc. Mặt khác, ông tìm kế hoãn binh để củng cố thêm lực lượng kháng chiến. Ngày 10/12/980, Lê Hoàn sai Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ mang cống vật và chiếu thư giả là của Đinh Toàn xin phong vương. Nhưng lúc bấy giờ quân Tống đang trên đường tiến sang nước ta nên nước Tống cự tuyệt cho rằng bên ta muốn hoãn binh. Trước tình thế ấy, Lê Hoàn chủ động bày sẵn thế trận phá giặc. Lê Hoàn cho xây dựng trận địa kiên cố ở Bình Lỗ nhằm chặn cánh quân lớn do Hầu Nhân Bảo chỉ huy từ hướng Cao Bằng, Thái Nguyên xuống. Ông cử Phạm Cự Lạng và nhiều tướng lĩnh khác trấn giữ các nơi hiểm yếu. Ông trực tiếp làm tướng dẫn đại quan từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ vào sông Hồng, từ đó tiến lên miền địa đầu Đông Bắc đất nước, sẵn sàng đón đánh các đọa quân Tống trần sang. Trên hướng Lạng Sơn – Bắc Ninh, ông cũng cho quân chủ lực phối hợp với dân binh chuẩn bị chặn đánh địch. Hướng đông bắc, nhận rõ vị trí quan trọng của sông Bạch Đằng, ông bố trí trận địa cọc ngầm ở cửa sông để chặn đánh đoàn thủy quân Tống tương tự như trận địa cọc của Ngô Quyền năm 938.

Ngày 24/1/981, cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng. Lúc đó, các đạo quân của thủy bộ của ta nhất loạt xông ra chặn đánh quyết liệt. Đoàn binh thuyền của địch lúng túng, vất vả chống đỡ các đợt tấn công của ta. Nhưng quân Tống đông, quân ta bất lợi, 200 thuyền chiến đấu bị địch chiếm mất. Mặc dù bị tổn thất trong trận đầu nhưng quân ta vẫn quyết tâm chiến đấu. Trên trục đường bộ từ Ung Châu kéo sang, cánh quân do Tôn Toàn Hưng chỉ huy bị quân chủ lực cùng với dân binh địa phương liên tục chặn đánh, khiến cho chúng gặp khó khăn, ngày 30/1/981 mới đến được Hoa Bộ, gần kề sông Bạch Đằng. Sau hơn 2 tháng chiếm Bạch Đằng – Hoa Bộ, cả 2 cánh quân Tống vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng liên tục bị quân chủ lực và dân binh các làng xã tập kích quấy rối, làm cho lực lượng bị tiêu hao, tinh thần binh lính suy giảm.

Lê Hoàn một mặt viết thư giả xin hàng khiến cho bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng tưởng thật mà chủ quan, lơ là việc phòng bị. Mặt khác ông bí mật tăng cường lực lượng chuẩn bị một trận quyết chiến giáng đòn quyết định. Ông chọn một khúc sông hiểm yếu rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn. Ngày 28/4/981, trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân địch, Hầu Nhân Bảo trúng kế đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục. Lúc này, các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết. Nghe tin thuỷ quân thua trận, các cánh quân khác vội vã tháo chạy, bị quân Đại Cồ Việt truy kích tiêu diệt quá nửa, quân Tống bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Đại thắng Bạch Đằng năm 981 khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của Lê Đại Hành, xuống nước công nhận ông là vua của Đại Cồ Việt.

Chiến thắng của quân ta vào mùa xuân năm 981, đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng (24/8/981) đã giáng đòn quyết định làm sụp đổ hoàn toàn tinh thần và ý chí xâm lược của triều đình Tống. Đại Cồ Việt sau chiến thắng này đã giữ được độc lập suốt cả triều Tiền Lê. Chiến công của Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân quân khai sinh ra nước Đại Cồ Việt cùng với chiến thắng trong kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn lãnh đạo, đã khẳng định chủ quyền quốc gia, tạo điều kiện cho đất nước bước vào kỷ nguyên văn minh Đại Việt dưới các vương triều Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ. Giai đoạn này đã khẳng định sự phát triển của binh chế và kế sách giữ nước. Một tổ chức quân sự với nhiều thứ quân ra đời. Tư tưởng và nghệ thuật quân sự đã đạt đến một đỉnh cao chói lọi, thể hiện trí tuệ, tài năng quân sự của dân tộc ta.

 

Yên Yên

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 289 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày