Cuộc vượt ngục Tà Lài vào đầu năm 1941 của thế kỷ XX là một sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự kiện này đã đánh dấu cho tinh thần kiên cường, đấu tranh cách mạng bền bỉ của những đảng viên cộng sản trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
Tà Lài là xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Tân Phú, nơi sinh sống của người dân tộc bản địa Mạ và S’tiêng. Vào năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, tác động mạnh mẽ đến Pháp và thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh với nhiều xu hướng. Trước tình hình đó, nhằm đàn áp phong trào cách mạng, chính quyền thực dân đã thi hành chính sách thời chiến, phát xít hóa bộ máy thống trị, thực hiện chính sách khủng bố, thủ tiêu quyền tự do, dân chủ của người dân Việt Nam. Ngoài hệ thống nhà tù đã thiết lập trước đây, thực dân Pháp đã xây dựng, thiết lập môt số trại giam, nhà tù ở các vùng miền núi để giam cầm, cô lập những người yêu nước, đảng viên cộng sản nhằm từng bước hạn chế, dẫn đến làm tiêu diệt phong trào đấu tranh cách mạng.
Theo nhiều tài liệu, nhà tù Tà Lài còn được gọi là “Căng Tà Lài, trại lao động đặc biệt”. Nhà tù được hình thành trên một diện tích đất trống khoảng 7 đến 8 ha. Diện tích của trại này ban đầu chứa khoảng từ 50 đến 70 người. Sau này, số người tù bị đưa lên đây càng nhiều nên những tù nhân làm thêm những dãy nhà trại khác. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, nhà tù Tà Lài có khoảng 500 người bị giam. Chung quanh khu nhà tù có hàng rào dây kẽm bằng gai bao bọc, nhiều cây cối nhỏ và vừa mọc chung quanh, um tùm. Bên phải khu nhà tù là một bến sông. Chính quyền thực dân cho rằng, tù nhân bị giam tại đây không thể nào có cơ hội trốn thoát trước sự kiểm soát gắt gao của bọn lính quân quản. Và quan trọng hơn là với địa thế hoàn toàn biệt lập, nếu có trốn thoát thì sớm muộn gì cũng bị lạc trong rừng sâu thẳm và trở thành miếng “mồi” cho thú dữ hoặc bị thiếu đói mà chết.
Tháng 5 năm 1940, nhà tù Tà Lài tiếp nhận đợt tù chính trị đặc biệt, trong đó có những người từng bị chính quyền thực dân bắt giam trước đó nhiều lần, hoạt động trong tổ chức cộng sản. Với sự bố phòng, giam giữ, kiểm gia chặt chẽ cả bên trong lẫn bên ngoài nhà tù, các tù nhân bị giam cầm nơi đây “buộc phải” tuân thủ các nội quy về sinh hoạt và tham gia lao động…
Trong thời gian bị giam cầm tại Tà Lài, những đảng viên cộng sản trong tù đã thành lập tổ chức Đảng, với mục đích vừa nhằm tôi luyện cho bản thân, đoàn kết, vừa duy trì hoạt động và tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cách mạng. Tổ chức Đảng được thành lập tại nhà tù Tà Lài với hình thức gọi là Ban lãnh đạo do toàn thể trại viên bầu lên. Mỗi trại trong nhà tù có hai người đại diện trong Ban Lãnh đạo. Tổng đại diện là đồng chí Trần Văn Giàu.
Sống trong cảnh bị giam cầm, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên đã nuôi ý chí vượt ngục để trở về với tự do. Những người đảng viên cộng sản với các kế hoạch hoạt động trước đây, mong chờ cơ hội để đánh chiếm và khởi nghĩa, thoát khỏi sự giam cầm của kẻ thù, trở về tham gia đấu tranh cách mạng. Sau khi dừng kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị trước đó do điều kiện khách quan, tổ chức Đảng nhà đã tù tổ chức hai lần vượt ngục.
Tại lần vượt ngục thứ nhất, bao gồm đồng chí Khước, đồng chí Minh và đồng chí Khuy. Ba đồng chí đã dùng thuyền thả xuôi dòng sông và đi trót lọt. Thế nhưng, sau khi vượt ngục thành công, tổ chức Đảng ở nhà tù Tà Lài đã không nhận được tin tức. Cuộc vượt ngục lần này đem lại kinh nghiệm lớn cho Tổ chức Đảng trong nhà tù với việc lên kế hoạch vượt theo quy mô từng toán nhỏ.
Tiếp đó, tổ chức Đảng tại nhà tù Tà Lài đã lên kế hoạch vượt ngục lần thứ hai (vào ngày 27/3/1941) một cách kỹ càng và khẩn trương: từ việc chọn người để tham gia nhóm vượt ngục, điều tra đường đi, hướng đi để khi kẻ thù phát hiện thì không thể nhận biết sớm và truy bắt kịp, đến việc phơi cơm khô, trữ thuốc men dự phòng cho trên đường đi, tạo giấy tờ hợp pháp, kiếm tiền và tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên bên ngoài còn sống sót, chưa bị địch truy bắt để tập hợp, gây dựng lại cơ sở...
Nhóm vượt ngục lần này gồm có 8 đồng chí: Trần Văn Giàu, Tô Ký, Châu Văn Giác, Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Trần Văn Kiệt (tên thường gọi là Văn), Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Hoàng Sính), Nguyễn Công Trung, Trương Văn Nhâm. Theo kế hoạch, nhóm không xuôi dòng Tà Lài ra sông La Ngà để về Biên Hòa mà băng ngược về phía Đà Lạt. Sau 3 ngày gian nan ngược sông, đoàn đã tới một nhánh của sông Đồng Nai.
Trong quá trình truy bắt nhóm vượt ngục, chính quyền thực dân đã huy động những người dân tộc thiểu số trong vùng Tà Lài vốn thông thạo địa hình nhằm thông báo hoặc bắt giữ nộp về để được thưởng. Tuy nhiên, do làm công tác tuyên truyền, vận động tốt trong quá trình bị giam cầm tại đây, nhóm các đồng chí vượt ngục đã được đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Lài đã giúp đỡ, che chở. Sau khi vượt ngục thành công, các đồng chí đã tìm cách trở về các địa bàn hoạt động trước đây, gây dựng, móc nối, liên lạc với tổ chức Đảng để khôi phục phong trào cách mạng. Nhiều người trở thành hạt nhân nòng cốt và lãnh đạo cuộc nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (năm 1975), chính sách của chính quyền cách mạng đã làm đổi thay vùng Tà Lài với diện mạo của một vùng nông thôn mới có đông đảo cư dân sinh sống. Các địa điểm định canh, định cư của người S’tiêng, Châu Mạ ở vùng Tà Lài được hình thành.
Đến năm 2000, Bia ghi dấu Sự kiện vượt nhà ngục Tà Lài đã được xây dựng và tôn tạo nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Địa điểm là một khu đồi có độ cao vừa phải, nằm tả ngạn sông Đồng Nai tại ấp 3, xã Tà Lài. Nội dung trên bia được khắc màu vàng: “Ngày 27/3/1941 đựơc sự giúp đỡ của đồng bào, tám Đảng viên Cộng sản (ông Dương Quang Đông, ông Trần Văn Giàu, ông Trần Văn Kiệt, ông Trương Văn Nhâm, ông Nguyễn Văn Đức, ông Tô Ký, ông Châu Văn Giác) đã vượt ngục về với cách mạng, trở thành những nhân tố, nòng cốt củng cố Xứ ủy Nam Kỳ góp phần quan trọng trong thắng lợi cách mạng giải phóng miền Nam và xây bảo vệ tổ quốc”. Bên cạnh đó, phù điêu trên kiến trúc Bia khắc họa những hình ảnh sinh hoạt, lao động của những người bị giam giữ tại Nhà tù Tà Lài; các cuộc hội họp bí mật của đảng viên, trao đổi, bàn bạc kế hoạch vượt ngục, quá trình vượt ngục với sự giúp đỡ của người đồng bào thiểu số...
80 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện vượt ngục Tà Lài ngày nào vẫn được lưu truyền cho đến tận mai sau. Hiện nay, di tích Nhà bia ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài năm 1941 trên địa bàn huyện Tân Phú là một công trình kiến trúc độc đáo, phản ánh truyền thống đấu tranh hào hùng, bất khuất của quân dân Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây sẽ là một địa chỉ về nguồn ý nghĩa, góp phần trong việc tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường có ý nghĩa thiết thực đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.
Đinh Nhài